00:24, 16/11/2024

Đất chồng lấn ở các hồ chứa nước: Nhiều năm chưa được giải quyết

HỒNG ĐĂNG

Hiện nay, nhiều trường hợp có đất đai, nhà cửa chồng lấn với khu vực thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, dẫn đến người dân bị hạn chế quyền sử dụng đất nằm trong phạm vi này. Còn các công trình thủy lợi đang bị xâm lấn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Nhiều năm qua, tình trạng này chưa được giải quyết dứt điểm.

Những ngôi nhà khang trang nằm ngay cạnh bờ đập Hồ Suối Trầu.

Chồng lấn với đất công trình thủy lợi 

Nhiều hộ dân ở khu vực gần hồ Kênh Hạ (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) đang sử dụng đất ổn định, bỗng nhiên có ngày cán bộ quản lý hồ chứa nước thủy lợi đến cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ an toàn công trình thủy lợi trong phần đất mà các hộ đã khai khẩn, sinh sống, canh tác nông nghiệp hàng chục năm nay, dẫn đến các hộ không được phép tiếp tục sử dụng phần diện tích đó. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Nhởm (thôn Phước Tân, xã Phước Đồng) chia sẻ, ông vào đây lập nghiệp từ năm 1990. Lúc bấy giờ, khu vực ông sinh sống chỉ có cây rừng, cả vùng chỉ có 3 ngôi nhà. Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất đã dày công khai phá, sinh sống và sản xuất ổn định, gia đình ông đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) vào năm 2020 cho diện tích hơn 4.300m2. Nhưng rồi cách đây vài năm, một số cán bộ của công ty thủy lợi đến và xác định nhà ông có gần 400m2 đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cụ thể là hạ lưu đập tràn hồ Kênh Hạ. Những cột mốc được dựng lên và gia đình ông Nhởm không còn được sản xuất trên phần đất được xem là của công trình thủy lợi. “Nhà nước cần sử dụng đất vào mục đích khác, gia đình chúng tôi sẵn sàng giao, nhưng phải có lý do chính đáng, đo đạc rõ ràng, có quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ cụ thể. Đâu thể cứ vậy là cấm người dân sản xuất trên đất của mình” - ông Nhởm cho biết.

Ngôi nhà của ông Lãng và diện tích đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Ngôi nhà của ông Lãng và diện tích đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Cách đó không xa, mảnh vườn của gia đình ông Nghiêm Xuân Lãng (75 tuổi), nằm ngay cạnh vai đập của hồ Kênh Hạ, người dân vẫn hay gọi là hồ Đồng Bò. Trên mảnh đất còn có ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 35m2 chỉ cách chân đập chừng 50m. Ông Lãng cho biết, năm 1977, gia đình ông khai khẩn đất đai ở khu vực này trước khi có hồ Kênh Hạ. “Vợ chồng tôi làm ngôi nhà nhỏ, trỉa lúa, trồng bắp, trồng chuối, đào ao tích nước trên diện tích đất khai khẩn. Đến năm 1987, Nhà nước làm hồ Kênh Hạ, trong đó phần lớn diện tích khu đất của tôi bị ảnh hưởng, nay là khu vực lòng hồ và đập. Ngày ấy, hồ làm tới đâu thì lấy đất tới đó; không thấy giấy tờ, quyết định thu hồi, đền bù, hỗ trợ gì hết. Phần còn lại, ở ngoài đập, nhà tôi còn hơn 2.400m2, được cấp GCNQSDĐ vào năm 2015. Nhưng nay, tôi không được sản xuất, xây dựng gì vì nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Vấn đề là không thấy Nhà nước có quyết định thu hồi, đền bù, giải tỏa nào” - ông Lãng thắc mắc. Cũng theo ông Lãng, giai đoạn năm 2017 - 2018, UBND xã Phước Đồng có làm việc với các hộ dân có đất chồng lấn với công trình thủy lợi trên địa bàn xã. Tại buổi làm việc, một số hộ dân yêu cầu Nhà nước đền bù, tái định cư cho người dân; sau đó thống nhất là giữ nguyên hiện trạng, chờ giải quyết và để vậy cho đến nay.

Người dân sinh sống quanh khu vực hồ chứa nước Suối Trầu (xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hòa) đã sinh sống lâu năm ở khu vực này. Nhiều hộ đã sống đến đời con, đời cháu. Nằm ngay sát chân đập hồ chứa nước gần 10 triệu m3 nước này, chúng tôi quan sát thấy nhiều ngôi nhà kiên cố, khang trang. Vào nhà ông Võ Văn Vinh, vợ ông cho biết, bố mẹ sinh sống nơi đây mấy chục năm, chia đất cho con cái lập gia đình. Mảnh đất rộng 2.200m2 mà vợ chồng đang sống là nhờ bố mẹ cho. Trên mảnh đất này, năm 2023, gia đình đã dựng lên ngôi nhà to đẹp, rộng hơn 100m2 với chi phí hơn 1,8 tỷ đồng. Gần đó, gia đình bà Đoàn Thị Kim Lành đã sinh sống ổn định nơi đây gần chục năm. Bà Lành cho biết, năm 2015, gia đình bà mua của người dân nơi đây 1ha đất. Trên đất có ngôi nhà cấp 4. Đến năm 2022, phần đất này được cấp GCNQSDĐ. Trước đây, phần đất nhà bà không nằm trong phạm vi bảo vệ của hồ Suối Trầu, nhưng khi hồ được nâng cấp, bỗng dưng nhà bà lại vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi.

Theo thống kê, khu vực hồ Suối Trầu có 48 trường hợp có một phần hoặc toàn bộ đất, công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó có 29 hộ dân sinh sống ngay khu vực thuộc lòng hồ, có hộ đã được cấp GCNQSDĐ cách đây gần 25 năm. Qua thu thập thông tin, các hộ dân này cho biết khai hoang từ trước năm 1987 và sử dụng đến nay, cũng có hộ nhận chuyển nhượng từ các hộ trước đó. Đối với khu vực bên ngoài hồ, cạnh chân đập, trước đây, khi chưa được nâng cấp, hồ Suối Trầu là công trình cấp III, phạm vi bảo vệ là khu vực lân cận cách chân đập 50m. Với khoảng cách này, có 7 hộ dân có đất, công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Hiện nay, hồ Suối Trầu được đầu tư, nâng cấp lên công trình cấp II, phạm vi bảo vệ tính từ chân đập trở ra là 100m. Do đó, có thêm 12 hộ dân có đất, công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Người dân làm nhà, trồng lúa ngay trong khu vực thuộc lòng hồ chứa nước Suối Trầu.
Người dân làm nhà, trồng lúa ngay trong khu vực thuộc lòng hồ chứa nước Suối Trầu.

Đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết

Theo báo cáo của Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, qua rà soát, thống kê đến thời điểm hiện tại, trên toàn tỉnh có 166 hộ gia đình và 2 tổ chức có đất, công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó, Ninh Hòa có 61 trường hợp, Diên Khánh 54, Cam Lâm 21, Nha Trang 18, Vạn Ninh 12 và Cam Ranh 2. Trong số 166 hộ, có 52 hộ đã được Nhà nước cấp GCNQSDĐ; 114 trường hợp không cung cấp giấy tờ chứng minh, hoặc chưa có GCNQSDĐ. Ví dụ tại khu vực hồ chứa nước Láng Nhớt (xã Diên Tân, huyện Diên Khánh), trong số 26 hộ dân có đất nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ hồ, có đến 20 hộ dân với 28 thửa đất đã được cấp GCNQSDĐ. Khu vực tuyến kênh sông Kính, đoạn qua xã Suối Hiệp (Diên Khánh) có 13 hộ dân và 1 tổ chức (UBND xã) có đất, công trình nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. 

Theo ông Đinh Tấn Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, công ty đã nhiều lần có văn bản đề nghị các địa phương phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm; tiến hành tháo dỡ, di dời đối với những công trình xây dựng trái phép nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra, rà soát, xác định nguồn gốc, diện tích bị chồng lấn đối với từng thửa đất cụ thể để trình cấp có thẩm quyền xem xét và có hướng chỉ đạo xử lý. 

Tại Nghị quyết số 69, ngày 12-7-2024 của HĐND tỉnh về kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý, sử dụng, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa”, bên cạnh các kết quả đạt được, nghị quyết cũng chỉ ra, đối với cấp tỉnh, một số công trình hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng từ lâu, chủ yếu là do người dân hiến đất xây dựng hoặc khi xây dựng không bồi thường đất thuộc hành lang bảo vệ công trình. Do đó, hiện nay, có một số thửa đất của người dân chồng lấn với phạm vi bảo vệ công trình hồ chứa nước và đã được cấp GCNQSDĐ. Về công tác chỉ đạo phối hợp quản lý hành lang an toàn các công trình thủy lợi thuộc cấp tỉnh quản lý chưa hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các hồ chứa nước lớn do UBND tỉnh quản lý đều có tình trạng bị lấn chiếm, sử dụng đất xâm phạm vào phạm vi an toàn công trình thủy lợi. Việc xử lý chưa nghiêm, số trường hợp bị xử lý rất ít, trong khi tình trạng vi phạm nhiều, một số trường hợp tiếp tục phát sinh trong thời gian gần đây.

Đối với cấp huyện, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh nhận thấy, một số nội dung chưa được UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt. Vẫn còn tình trạng người dân sử dụng đất thuộc phạm vi an toàn của các công trình thủy lợi, đổ rác, đục khoét kênh mương... khiến cho các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, bị hỏng, xuống cấp nhanh. Công tác chỉ đạo phòng chuyên môn và UBND cấp xã phối hợp với đơn vị quản lý xử lý các hành vi xâm lấn, vi phạm sử dụng đất trong phạm vi an toàn của các công trình thủy lợi vẫn còn nhiều hạn chế.

Qua giám sát, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết đối với các trường hợp người dân đang sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; chỉ đạo UBND cấp huyện, xã kiểm tra, rà soát và xử lý kịp thời những trường hợp xâm lấn mốc chỉ giới hành lang an toàn các công trình thủy lợi.

HỒNG ĐĂNG