22:44, 25/10/2024

Những người “vác tù và” thời đại số

LY VÂN 

Diễn viên, nhà biên kịch là những cán bộ thôn, mặt trận; sân khấu là đường làng, ngõ xóm…, những video, tiểu phẩm ra đời qua bàn tay của các đạo diễn “tay ngang” đã chuyển tải nội dung tuyên truyền theo hình thức mới mẻ, hấp dẫn. Đó chính là những người “vác tù và” thời đại số.

Sản xuất các video tuyên truyền

Theo lời hẹn, chúng tôi có mặt tại thôn Đồng Bé (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh) khi mặt trời đứng bóng, 5 thành viên của nhóm làm clip tiểu phẩm “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai” đang diễn và quay trên con đường chính vào thôn. Giải thích cho việc quay vào buổi trưa, bà Trần Thị Kim Yến - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Thọ cho biết, giờ này ít người dân qua lại nên clip giảm được tiếng ồn, cũng tránh ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.

Các thành viên tham gia thực hiện clip của xã Diên Thọ thảo luận kịch bản.
Các thành viên tham gia thực hiện clip của xã Diên Thọ thảo luận kịch bản.

Kiểm tra đạo cụ là bịch rác và các thùng rác để phân loại tại hộ gia đình đã đầy đủ, các “diễn viên” bắt đầu nhập vai. Dưới cái nắng như đổ lửa, trên khuôn mặt các “diễn viên” đều lấm tấm mồ hôi nhưng ai cũng nghiêm túc ráng diễn tròn vai được giao. Tuy nghiêm túc, căng thẳng nhưng cũng không ngớt tiếng cười khi nhiều cảnh đang quay “diễn viên” quên lời thoại, có cảnh cần đạo cụ thì không thấy bởi quên đưa vào. Như đã “ăn rơ” từ trước, người này thoát vai thì nhanh chóng chuyển qua quay phim để người quay vào đóng vai của mình… Sau hơn 2 giờ, các cảnh quay cũng hoàn chỉnh. Các “diễn viên” đã tròn nhiệm vụ khi cảnh quay kết thúc, còn bà Yến phải mất 2 - 4 ngày cho phần hậu kỳ để hoàn thành tác phẩm.  

Tự học làm clip được 3 năm, đến nay, bà Trần Thị Kim Yến có gần 20 clip tuyên truyền nhiều vấn đề trong cuộc sống. Các clip được đưa lên các trang mạng xã hội như: YouTube, Facebook, Zalo… thu hút nhiều lượt người xem. Bà Yến kể, gần 13 năm làm công tác mặt trận, nhận thấy việc tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa dễ đi vào lòng người, năm 2019, bà đăng ký sáng kiến “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin”, tuy nhiên do dịch Covid-19 nên đành dừng lại. Năm 2022, khi UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh tổ chức Cuộc thi xây dựng video clip tuyên truyền về kết quả triển khai Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, bà Yến bắt tay ngay vào thực hiện clip “Đất giăng dây, cây cắm cọc”. Tác phẩm tái hiện lại câu chuyện tranh chấp mấy quả xoài khi cành xoài của nhà này vươn qua nhà kia. Qua sự hòa giải thấu tình, đạt lý của các thành viên mặt trận thôn, 2 gia đình hiểu đúng vấn đề, tình làng xóm lại được gắn kết. Bà Yến chia sẻ: “Tác phẩm tôi tâm đắc nhất là clip “Nỗi ám ảnh mang tên loa kẹo kéo”, phản ánh tình trạng thuê loa kẹo kéo hát karaoke suốt ngày đêm, gây ồn ào trong xóm của người dân. Đây cũng là clip có lượt người xem nhiều nhất với gần 700 lượt. Sau khi clip được đưa lên, tình trạng này ở xã giảm hẳn. Đó là động lực để tôi tiếp tục thực hiện thêm các clip”.

Bà Trần Thị Kim Yến tải clip tuyên truyền lên các nền tảng mạng xã hội.
Bà Trần Thị Kim Yến tải clip tuyên truyền lên các nền tảng mạng xã hội.

Chúng tôi đến UBND xã Diên Sơn (Diên Khánh) khi đã hết giờ hành chính, nhưng trong phòng làm việc, bà Huỳnh Khánh Sony - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã (thành viên UBMTTQ Việt Nam xã) vẫn đang cặm cụi chỉnh lại kịch bản clip truyền thông về toàn dân chung tay bảo vệ môi trường. Clip dài 10 phút, phản ánh mâu thuẫn của một gia đình khi người vợ thiếu ý thức bỏ rác bừa bãi, lại không nghe lời khuyên của chồng dẫn tới cãi vã. Biết được thông tin, các thành viên của Ban công tác Mặt trận thôn tới tuyên truyền; phân tích cho người vợ thấy cái sai về mặt pháp lý, về tình vợ chồng; đồng thời hướng dẫn gia đình thực hiện phân loại rác tại nhà để bảo vệ môi trường. Theo bà Sony, những năm gần đây, xã chuyển hình thức tuyên truyền từ đọc, nói ở các cuộc họp thành các clip ngắn đăng trên các trang thông tin của xã để bất cứ người dân nào cũng có thể xem và hiểu. Nội dung các tác phẩm không đao to, búa lớn mà tập trung vào những sự việc, mâu thuẫn diễn ra trong cuộc sống hàng ngày ở làng quê hiện nay.

Bà Huỳnh Khánh Sony chỉnh sửa kịch bản.
Bà Huỳnh Khánh Sony chỉnh sửa kịch bản.

Tự biên tự diễn các tiểu phẩm

Mới đây, trong hội thi “Ban công tác Mặt trận với pháp luật huyện Khánh Vĩnh” diễn ra vào trung tuần tháng 9, đội thi của Ban công tác Mặt trận thôn Bến Khế (xã Khánh Bình) đã để lại nhiều ấn tượng cho người xem khi mang tới hội thi tiểu phẩm sân khấu hóa “Xóm không ma túy”. Mang lên sân khấu câu chuyện về một học sinh dân tộc thiểu số bị nhóm bạn rủ rê hút ma túy, được đại diện Ban công tác Mặt trận và đoàn thể của thôn khuyên nhủ, phân tích cái đúng, cái sai và thuyết phục bạn học sinh đi cai nghiện thành công, chúng tôi thật sự ấn tượng với vai diễn và lời thoại khuyên nhủ, giải thích thấu tình, đạt lý của Trưởng ban công tác Mặt trận thôn do bạn trẻ Cao Thị Kim Chi  - thành viên Ban công tác Mặt trận thôn Bến Khế đóng. Và càng ấn tượng hơn khi biết, Chi cũng là người chấp bút cho kịch bản, kiêm đạo diễn, diễn viên và đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Chi. Chi kể: “Tôi được giao nhiệm vụ tham gia cuộc thi trước nửa tháng, do đảm nhận, kiêm nhiều việc tại cơ quan nên phải tranh thủ viết kịch bản ban đêm. Câu chuyện tôi chọn không mới, nhưng vẫn rất thời sự đối với người dân tộc thiểu số”. Và phần thưởng cho sản phẩm đầu tay của Chi là giải khuyến khích.

Cũng tại hội thi này, một tác phẩm mang hơi thở cuộc sống được đưa lên sân khấu đó là vở kịch “Sử dụng mạng xã hội một cách thông minh” của xã Sông Cầu (Khánh Vĩnh). Ánh đèn bật sáng, các diễn viên không chuyên của xã bước ra sân khấu. Sau một chút hồi hộp, họ bắt đầu hóa thân và cuốn theo cảm xúc của nhân vật. Bên dưới, bà Ngô Bích Tuyền - thành viên của UBMTTQ Việt Nam xã Sông Cầu, tác giả vở kịch cũng hồi hộp theo từng vai diễn. Và rồi, niềm vui vỡ òa khi vở diễn giành giải nhì toàn huyện. Bà Tuyền cho biết: "Tôi chọn nội dung trên để dự thi vì hiện nay vấn đề dùng mạng xã hội là điều đáng quan tâm. Trên mạng có nhiều nội dung xấu, độc. Để cảnh tỉnh người dân, tôi đưa hiện thực lên sân khấu. Vừa dự thi, vừa truyền thông cho các bạn trẻ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số để giúp họ cảnh giác và biết sử dụng mạng xã hội một cách thông minh”. 

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”, bên cạnh hình thức tuyên truyền “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, thời gian qua, Mặt trận các cấp trên địa bàn tỉnh còn linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Hiện nay, 100% Mặt trận các cấp trong tỉnh xây dựng và sử dụng Fanpage, Zalo, YouTube để kịp thời thông tin, tuyên truyền các hoạt động của Mặt trận các cấp và tiếp thu ý kiến, phản ánh của người dân. Đặc biệt, những năm gần đây, hệ thống Mặt trận các cấp đã dần đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua việc quay clip phóng sự, xây dựng các tiểu phẩm đăng tải lên các trang mạng xã hội và bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là những hình thức tuyên truyền sinh động, dễ đi vào lòng người, qua đó khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân; góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, Trang Thông tin điện tử UBMTTQ Việt Nam tỉnh đã đăng tải hơn 4.800 tin, bài, clip… thu hút hơn 178.000 người quan tâm, truy cập.

Ông Trương Ngọc Hưng - Trưởng ban Phong trào, UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, việc Mặt trận cơ sở thay đổi hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng hình thức xây dựng các video, tiểu phẩm đăng trên các nền tảng mạng xã hội và hình thức sân khấu hóa tại các cuộc thi mang lại hiệu quả rất tích cực. Những kiến thức về pháp luật tưởng chừng như khô khan trở nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ qua các tiểu phẩm, tiết mục sân khấu hóa, không chỉ lan tỏa những cách làm hay, mô hình hiệu quả, mà còn góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho người dân... Đây cũng là định hướng truyền thông mà UBMTTQ Việt Nam tỉnh đang hướng tới trong thời đại công nghệ số.

LY VÂN