Ở phường Vĩnh Phước (TP. Nha Trang) có một lớp học miễn phí đặc biệt, với cô giáo từng là quản lý đã nghỉ hưu; học sinh là các em có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật, tuổi từ mẫu giáo đến lớp 9. Đó là lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Đức (59 tuổi, trú xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang), được xem như người "mẹ hiền" thứ hai của các trẻ kém may mắn.
Dạy mọi điều cô biết
Chập choạng tối, cuối con hẻm lắt léo dẫn tới Nhà văn hóa tổ 15 Phương Mai rộn tiếng bước chân, nói cười của nhiều em nhỏ. Lớp học không có tiếng chuông reo hay trống đánh báo hiệu vào lớp, nhưng chẳng em nào tới trễ. Cô Đức vừa tới, cả lớp râm ran chào. Cô Đức cười tươi: "Nào, cả lớp ta múa hát trước nhé!". Lập tức, tất cả ùa lên bục, bé đứng trước, lớn đứng sau, nhanh chóng ổn định và hào hứng hát vang. Không khí rộn ràng trong tiếng hát của hơn 70 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn với bài Happy new year (Chúc mừng năm mới)… Sau màn khởi động sôi nổi, tất cả hào hứng học tập. Mấy em nhỏ tập đánh vần, luyện chính tả; nhóm lớn hơn làm toán hoặc bài tập về nhà trường giao. Mấy chị lớn phụ cô hướng dẫn cho các em nhỏ. Cô Đức hết giảng bài cho nhóm này, lại dạy nhóm khác đánh vần; nhắc em này phát âm đúng, em kia đừng nhìn gần vở, hỗ trợ bạn bị khuyết tật cầm bút, đồ nét chữ…
Cô Đức giảng bài cho các em ở lớp học tình thương tại Nhà văn hóa tổ 15 Phương Mai. |
Buổi tối ở điểm trường An Hòa - Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1, không khí học phổ cập lại say mê theo cách khác. Nơi 2 phòng học sáng đèn, hơn chục em chăm chú nghe cô Đức phát âm rồi đánh vần theo. Vài bạn lớn ngồi thành chỗ riêng, chú tâm làm toán, rồi mang vở tới nhờ cô hướng dẫn. Lê Thị Trân Trân (11 tuổi, ở đường Ngô Đến, phường Vĩnh Phước) tâm sự: "Con nghỉ học 2 năm, giờ chậm hơn các bạn cùng tuổi nhưng không sao, chỉ cần được đi học là vui rồi".
Trước khi nghỉ hưu, cô Đức làm quản lý khách sạn, nhà hàng. Năm 2013, một du khách nước ngoài kể với cô chuyện mấy em nhỏ bán hàng rong có hoàn cảnh khó khăn ở khu Trường Phúc (phường Vĩnh Phước) rất muốn học tiếng Anh và cô trở thành "cô giáo" từ đó. Các em nhỏ tới lớp đều có hoàn cảnh đáng thương. Có em, mẹ vừa mãn hạn tù nhiều năm; em ở trong căn nhà thuê nhỏ xíu như hộp diêm, cheo leo trên núi; em mồ côi cha mẹ, hay cha mẹ ly hôn; em bị khuyết tật. Các em hầu hết phải làm thêm từ nhỏ, nhiều em chưa từng được đến trường. Em Đinh Nguyễn Thu Tuyền bồi hồi nhớ lại, gần chục năm trước, lớp học nhờ tại nhà một bạn cùng lớp. Do mượn chỗ học nên lớp thường xuyên chuyển chỗ, có dạo học ở căn nhà nhỏ trên núi. Lúc ấy, lớp chưa có bàn ghế, khoảng chục đứa ngồi bệt dưới đất, chung sách nhưng tất cả đều học rất say mê. "Bây giờ, em đã học lớp 10 Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa, khi rảnh qua phụ cô kèm mấy bé, em thấy rất vui" - Tuyền tâm sự.
Cô Đức và các em lớp tình thương tại tổ 15 Phương Mai. |
Hơn 10 năm qua, cô Đức dạy các em biết chữ, dạy múa hát, chơi đàn, vẽ tranh, may vá, bơi lội, dạy cách giao tiếp, ứng xử… "Các con rất ham học. Nói được vài câu tiếng Anh, các con lại năn nỉ cô bày cách viết tiếng Anh, rồi thêm tiếng Việt, Toán… Tôi chỉ biết ráng dạy hết những gì mình biết", cô Đức tâm sự. Từ hơn chục em, đến nay, lớp học đã có gần 80 em. Từ lớp học của cô Đức, nhiều em đang tiếp tục học lên cao hơn. Em Nguyễn Văn Duy vừa tốt nghiệp bằng C ngành nhà hàng khách sạn tại Trung tâm Đào tạo Francis (TP. Hồ Chí Minh); em Y Hà Mi đã tốt nghiệp ngành chuyên viên nhà hàng và đi làm được 1 năm. Lần đầu Duy được cô dẫn ra biển, động viên bắt chuyện với người nước ngoài. Tuy em chỉ nói được vài câu tiếng Anh nhưng họ vẫn hiểu, khiến em rất vui, thêm tự tin theo cô Đức vào TP. Hồ Chí Minh xin học nghề. "Cô như người mẹ thứ hai, giúp em mở ra con đường mới", Duy nói. Còn Mi chưa quên khi học xong lớp 12, định dừng học đi làm thì cô biết chuyện. "Cô ôm vai em, cảm giác thật ấm áp, rồi cô động viên em học tiếp và xin cho em học miễn phí ở Trung tâm Đào tạo Francis, còn cho thêm tiền sinh hoạt. Bây giờ đi làm ổn định, em càng thấm thía lời cô dạy đi học để có cuộc sống tốt hơn" - Mi chia sẻ.
Ấm tình người
Không chỉ dạy học, cô Đức còn nhận nuôi 5 trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi trước cổng nhà. Hiện nay, bé lớn nhất 8 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Để nuôi các con, cô không ngại làm mọi việc: Gom ve chai, nhận dạy bơi, dạy đánh đàn… Các bé đủ tuổi đều được cô cho tới trường. Chiều chiều, các bé theo mẹ Đức tới lớp tình thương ôn bài, học kỹ năng. Cô còn gửi con đi học thêm tại trung tâm khi thấy có năng khiếu. Bé Lưu Hồng Diệu (7 tuổi) đã đạt giải nhất cuộc thi tài năng VEGACITY Festival tháng 6-2023. Tiền giải thưởng được cô mua sách bút, quần áo thưởng cho các con. "Tôi muốn hướng cho các con biết cần nỗ lực học tập để tự kiếm tiền bằng bàn tay, khối óc của mình", cô nói. Cô Lê Thị Thu Thủy (phường Vĩnh Phước), giáo viên đã nghỉ hưu đang phụ cô Đức dạy kỹ năng sống lại bồi hồi nhớ những ngày cùng cô Đức đi kiếm nhà để xin dạy học nhờ; đi chăm sóc người bệnh, nấu ăn từ thiện cho người nghèo... "Đồng hành với cô Đức, tôi cảm nhận được hạnh phúc khi đem lại hạnh phúc cho người khác", cô Thủy nói.
Ngoài dạy chữ, cô Đức còn dạy nhạc... |
... và dạy nghề may cho các em. |
Lớp học của cô ngày càng được nhiều người giúp đỡ. Hôm chúng tôi tới, một mạnh thường quân giấu tên xin hỗ trợ lớp mấy chục thùng mì gói. Nhiều gia đình thường trữ phế liệu rồi gọi cô Đức tới lấy bán, thêm tiền cho mấy bé. Người thu mua phế liệu mỗi lần cân đồ của cô đều cho thêm tiền, nói "để làm phước cho mấy đứa nhỏ". Ngày 2-1 vừa qua, UBND phường Vĩnh Phước tổ chức lễ khai giảng lớp giáo dục phổ cập năm học 2023 - 2024 cho 53 học sinh, chia làm 2 điểm: 1 điểm do cán bộ Đồn Biên phòng Cầu Bóng (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) phụ trách với 40 em; 1 điểm do cô Đức phụ trách với 13 em. Đây là các em chưa từng được đến trường ở lớp học tình thương của cô Đức. 13 em này được học phổ cập từ thứ Hai đến thứ Sáu; các em còn lại của lớp tình thương được một tình nguyện viên kèm làm bài tập về nhà 3 tối/tuần. Tối thứ Bảy và Chủ nhật, 2 nhóm cùng học kỹ năng sống với cô Đức.
Ông Ngũ Quốc Việt - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước: Nhiều năm qua, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học của lớp tình thương ở phường còn hạn chế, nhưng nhờ sự đoàn kết, chia sẻ, cố gắng không ngừng của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cô Đức, thầy Nguyễn Văn Phương, Thiếu tá Nguyễn Văn Tưởng (Đồn Biên phòng Cầu Bóng) nên có kết quả nhất định. Năm học này, UBND phường chỉ đạo Hội khuyến học, Trung tâm Học tập cộng đồng phường phối hợp cùng giáo viên Trường Tiểu học Vĩnh Phước 1 và tình nguyện viên đưa lớp vào kế hoạch dạy học hàng năm, giúp các em phát triển hết khả năng và được cấp bằng khi hoàn thành khóa học.
THIỀU HOA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin