20:17, 17/12/2023

Tràn lan nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch - Kỳ 2: Thu hẹp vùng nuôi

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Theo văn bản hướng dẫn về khu vực biển nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, diện tích vùng nuôi giảm rất nhiều. Điều này chắc chắn sẽ gây khó khăn trong việc sắp xếp lồng bè và giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư, do đó cần có giải pháp hợp lý.

Diện tích vùng nuôi giảm mạnh

Theo Quyết định số 1788 ngày 22-6-2018 của UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thủy sản tỉnh Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đã quy hoạch 630ha vùng mặt nước vịnh Cam Ranh cho NTTS, trong đó khu vực Bình Ba (xã Cam Bình) có 100ha, khu vực Bình Hưng (xã Cam Bình) 30ha, khu vực xã Cam Lập 500ha. Trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch, TP. Cam Ranh đã gặp những khó khăn, vướng mắc do có sự chồng lấn giữa các quy hoạch quốc phòng, quy hoạch luồng hàng hải, quy hoạch khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão... Qua rà soát, có đến 500ha vùng mặt nước NTTS được quy hoạch tại khu vực phía tây xã Cam Lập nằm trong vùng nước cảng biển mà Bộ Giao thông vận tải đã giao cho Cảng vụ Hàng hải Nha Trang quản lý.

Người dân vệ sinh lưới lồng trên bè nuôi tôm hùm.
Người dân vệ sinh lưới lồng trên bè nuôi tôm hùm.

Để đảm bảo an sinh xã hội, sinh kế cho người dân NTTS trong thời gian chờ tích hợp nội dung quy hoạch NTTS vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh đã có văn bản hướng dẫn khu vực biển NTTS trên địa bàn tỉnh. Trong đó, khu vực NTTS tại vịnh Cam Ranh được cho phép là 257ha, giảm 373ha so với diện tích quy hoạch theo Quyết định số 1788. Cụ thể, vùng mặt nước Bình Hưng còn 27ha; vùng mặt nước phía đông xã Cam Lập còn 230ha. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình tỉnh để xem xét đưa vào quy hoạch chung của tỉnh.

Tại huyện Vạn Ninh, toàn huyện có hơn 1.500 bè nuôi tôm hùm với gần 40.000 ô lồng. Tuy nhiên, hiện tại chỉ có khoảng hơn 5.000 ô lồng nuôi trong vùng quy hoạch. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, theo Quyết định số 1788, trên địa bàn huyện có 6 vùng mặt nước được phép NTTS với tổng diện tích 550ha, gồm: Rạn Trào (120ha), lạch Cổ Cò (120ha), lạch Cửa Bé (100ha), mũi Cổ Cò (60ha), nam Hòn Ông (100ha), Hòn Vung (50ha). Tuy nhiên, Quyết định số 1788 của UBND tỉnh đã hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 31-12-2018 vì thuộc diện phải bãi bỏ theo Luật Quy hoạch năm 2017 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2019) và quy hoạch phát triển ngành Thủy sản phải được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh ban hành ngày 14-6-2022, trên địa bàn huyện Vạn Ninh chỉ còn lại 4 vùng nuôi với 350ha, gồm: Rạn Trào (120ha), Hòn Vung (50ha), mũi Cổ Cò (60ha), Bãi Nặm - Bãi Sau (120ha). Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng tổ chức không gian NTTS sẽ thu hẹp dần vùng nuôi gần bờ, ở giai đoạn đầu cho phép nuôi tại các vùng nuôi quy định tạm thời.

Khó sắp xếp ô lồng

Theo ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, việc sắp xếp, bố trí lồng bè với diện tích từ 550ha (theo Quyết định số 1788) giảm xuống còn 350ha (theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh) gặp nhiều khó khăn do các chủ bè và người lao động trên bè đa số có nguồn sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ hoạt động NTTS. Vì vậy, đối với việc di dời các trường hợp NTTS vào vùng quy hoạch cần phải có lộ trình triển khai thực hiện hợp lý nhằm đảm bảo đời sống người dân và an sinh xã hội. UBND huyện Vạn Ninh mong UBND tỉnh sớm ban hành đề án hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển đổi việc làm cho hộ gia đình, cá nhân NTTS trên địa bàn huyện, trong đó cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ đặc thù cho người lao động bị ảnh hưởng.

Còn ông Hà Thế Ân - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh thừa nhận, quy hoạch diện tích 257ha mặt nước không thể đáp ứng được nhu cầu NTTS của gần 1.900 hộ dân ở 11 xã, phường ven biển trên địa bàn thành phố. Do đó, TP. Cam Ranh gặp khó khăn trong công tác quản lý mặt nước NTTS, di dời lồng bè về đúng vùng quy hoạch. Ngoài ra, vấn đề nuôi hàu, vẹm tự phát cũng đang phát triển rất mạnh trên vùng vịnh Cam Ranh. Do nuôi các đối tượng này chỉ đầu tư con giống ban đầu, không tốn chi phí trong quá trình nuôi mà đem lại lợi nhuận lớn nên rất khó vận động người dân tháo dỡ, di dời.

Thu hoạch tôm hùm trên vịnh Vân Phong.

Lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh cho rằng, khi sắp xếp lồng nuôi vào đúng vùng quy hoạch sẽ xảy ra tình trạng dôi dư lao động. Do vậy, cần có giải pháp chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư. Tuy nhiên, vấn đề này gặp khó khăn do đa số lao động chưa học xong cấp THCS, chưa có kinh nghiệm về các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, do thu nhập từ nghề nuôi tôm cao hơn các ngành nghề khác nên họ không muốn chuyển đổi nghề. Vì vậy, UBND TP. Cam Ranh đã kiến nghị UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ di dời lồng bè vào vùng quy hoạch; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho số lao động NTTS dôi dư.

Tổng rà soát lồng bè và đối tượng nuôi

Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, thời gian qua, các xã, phường ven biển đã tích cực tuyên truyền cho người dân nhận thức được việc phát triển NTTS một cách tự phát, không đúng quy định sẽ gây ô nhiễm môi trường biển, dẫn đến dịch bệnh có thể xảy ra gây thiệt hại về kinh tế cho các hộ nuôi, khiến việc NTTS phát triển thiếu bền vững. Mặt khác, việc phát triển NTTS tự phát còn gây cản trở giao thông đường thủy, lấn chiếm luồng hàng hải, gây mất an toàn cho người và tài sản. Do đó, người dân phải chấp hành NTTS theo quy định nhằm thực hiện mục tiêu giảm dần số lượng lồng bè và đi đến chấm dứt hoạt động NTTS ở khu vực không được phép nuôi trên vịnh Cam Ranh.

Ngày 7-12, UBND TP. Cam Ranh đã có văn bản gửi UBND các xã, phường ven biển yêu cầu rà soát hiện trạng hoạt động NTTS lồng bè trên vịnh Cam Ranh. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu UBND các xã, phường thống kê số lượng lồng, bè NTTS trên biển thuộc phạm vi địa phương quản lý; đồng thời thống kê, phân loại các đối tượng được giao khu vực biển NTTS để có hướng ưu tiên bố trí vào vùng nuôi theo quy hoạch. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiên quyết không để phát sinh lồng bè mới ngoài các khu được phép NTTS; tuyệt đối không được để người dân đặt lồng, bè nằm trong luồng, hành lang an toàn hàng hải, khu vực vùng nước cấm liên quan đến công tác an ninh, quốc phòng tại địa phương.

Ông Trần Ngọc Khiêm cho biết, thời gian qua, UBND huyện Vạn Ninh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, yêu cầu các địa phương, đơn vị thông báo, phổ biến rộng rãi về những khu vực biển NTTS để các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn biết, thực hiện. Đồng thời, giao UBND các xã, thị trấn có biển chủ trì, phối hợp với các đồn biên phòng tăng cường kiểm tra, xử lý những hộ NTTS không đúng quy định, đặc biệt là người ở ngoài tỉnh vào nuôi trên địa bàn huyện. UBND huyện đang thống kê toàn bộ số lồng nuôi, đối tượng nuôi để phân loại, tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng xử lý vừa đảm bảo vùng nuôi đúng quy hoạch, vừa không ảnh hưởng lớn đến lợi ích của người nuôi.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Kỳ cuối: Hướng đến phát triển nuôi trồng bền vững