20:35, 15/12/2023

Tràn lan nuôi trồng thủy sản ngoài vùng quy hoạch - Kỳ 1: Ồ ạt nuôi biển tự phát 

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 3.000 hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS) với hàng trăm nghìn ô lồng, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Vạn Ninh và TP. Cam Ranh. Đáng chú ý, đa số các ô lồng đều nằm ngoài vùng nuôi, gây ra hệ lụy lâu dài, khó giải quyết.

Kỳ 1: Ồ ạt nuôi biển tự phát 

Từ trên cao nhìn xuống, vùng biển ven vịnh Cam Ranh và vịnh Vân Phong có hàng nghìn ô lồng nuôi tôm hùm, cá mú… nằm san sát nhau. Việc người dân ồ ạt nuôi tự phát không theo quy hoạch cộng với việc người dân địa phương khác kéo đến mở rộng vùng nuôi khiến môi trường biển bị ô nhiễm, cản trở luồng hàng hải.

Chiếm mặt nước, thả ô lồng

Dẫn chúng tôi đến khu vực NTTS ở phường Cam Phú (TP. Cam Ranh), một cán bộ Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết, khu vực này cách đây khoảng 15 năm chỉ lác đác vài bè nuôi tôm hùm xanh nhưng đến nay, có hàng trăm bè nuôi tôm với hàng nghìn lồng.

Ông Lê Xuân Quang - người nuôi tôm hùm lâu năm ở phường Cam Phú cho biết, năm 2003, ông bắt đầu nuôi tôm. Đến nay, ông đã sở hữu 100 lồng tôm. “Ở đây, người dân địa phương nuôi cầm chừng nhưng người nơi khác tới lại mạnh dạn đầu tư, nuôi quy mô lớn hơn. Hồi tôi mới nuôi, lồng bè ở đây thưa thớt, sóng lớn; dần dần lồng bè dày đặc. Đặc biệt, năm 2015, tôm hùm xanh được giá, tôm giống nhập nước người về dễ dàng nên người dân đầu tư nuôi ồ ạt, phủ kín cả vùng biển rộng lớn”, ông Quang cho hay.

Lồng bè nằm san sát tại khu vực biển ven vịnh Cam Ranh gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.

Trong khi đó, tại khu vực phía bắc cầu Long Hồ (phường Cam Nghĩa, Cam Ranh) có hàng chục lồng bè nuôi tôm, cá tự phát. Đây là khu vực nghiêm cấm NTTS vì ảnh hưởng đến luồng hàng hải và an ninh - quốc phòng. Các lồng bè này xuất hiện rải rác nhiều năm qua nhưng hơn 1 năm nay bỗng xuất hiện dày đặc. Bà Huỳnh Thị Thanh Thủy - Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa cho biết, thời gian qua, UBND phường đã kiểm tra và thống kê có 45 trường hợp lấn chiếm mặt nước NTTS trái phép tại khu vực cầu Long Hồ. Trong đó, 32 trường hợp thường trú tại TP. Cam Ranh, 13 trường hợp đến từ các địa phương khác. UBND phường đã thông báo yêu cầu các hộ dân này chấm dứt việc NTTS tại khu vực không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép; di dời toàn bộ lồng bè ra khỏi khu vực biển thuộc phường Cam Nghĩa.

Tại Vạn Ninh, có đến 271 bè do người dân lấn chiếm mặt nước thả dây phao, cắm cọc nuôi hàu. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, từ năm 2019 đến nay, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng các bè, cọc, dây phao nuôi hàu trên khu vực biển địa phương quản lý. Tuy nhiên, công tác quản lý NTTS lồng bè trên một số địa bàn còn nhiều hạn chế, tình trạng nuôi hàu không đúng quy định chưa được xử lý dứt điểm. Đến nay, UBND huyện Vạn Ninh đã ban hành 83 quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với 83 trường hợp; trong đó thị trấn Vạn Giã 26 trường hợp, xã Vạn Hưng 47 trường hợp và xã Vạn Thắng 10 trường hợp. UBND huyện Vạn Ninh cũng đã ban hành kế hoạch xử lý các trường hợp NTTS nằm ngoài khu vực quy hoạch nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Vùng biển xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh dày đặc lồng bè.

Nhiều lồng bè của người ở ngoài tỉnh 

Theo ghi nhận của phóng viên tại địa bàn xã Vạn Thạnh (huyện vạn Ninh), khắp mặt biển là những bè nuôi tôm xuất hiện dày đặc, chen chúc nhau, mặt nước gần như hết chỗ “thở”. Đáng nói, có hàng trăm ô lồng của người ở ngoài tỉnh về đây nuôi tôm. Ông Trần Sửu (người nuôi tôm lâu năm ở đây) kể: Dù đã nuôi tôm ở vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) hơn 10 năm song do khu vực này thường xuyên bị nước ngọt xâm lấn dẫn đến tôm bị hao hụt rất nhiều. Do đó, ông Sửu đã quyết định kéo hết bè tôm về xã Vạn Thạnh để thả nuôi. Từ chỗ ban đầu chỉ có 40 lồng, nay ông Sửu đã phát triển lên đến hơn 100 lồng với mỗi lượt thả nuôi hơn 10.000 con tôm. Sau cơn bão số 12 năm 2017, vùng nuôi tôm ở xã Vạn Thạnh bị phá tan tác nhưng vì lợi nhuận cao nên vùng nuôi được phục hồi ngay sau đó.

Cách đó không xa là bè tôm của ông Nguyễn Đông Hai đến từ huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên). Ông Hai cho biết: "Trước đây, gia đình tôi nuôi ở vịnh Vũng Rô (Phú Yên) nhưng khu vực đó diện tích nhỏ, số lượng lồng bè ngày càng phát triển, nguồn nước bị ô nhiễm, trong khi mặt nước không còn để mở rộng. Vì thế, năm 2018, gia đình tôi đã dời bè từ vịnh Vũng Rô vào vịnh Vân Phong. Khi đó gia đình chỉ có một bè với khoảng 30 ô lồng nhưng đến nay đã phát triển lên hơn 100 ô lồng".

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi nhiều người ở ngoài tỉnh nuôi tôm trúng lớn, đã kéo theo những người khác vào nuôi theo. Sau đợt bão năm 2017, toàn huyện Vạn Ninh chỉ có 17 bè của người ở ngoài tỉnh vào nuôi tôm. Những chủ bè này hầu hết mượn tên của người địa phương để đứng nuôi. Tuy nhiên, đến nay, con số này đã gấp nhiều lần. Ông Lê Hoàng Vương - Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, hiện nay, toàn xã có 895 hộ NTTS với hơn 33.400 ô lồng; trong đó có gần 24.000 ô lồng của người địa phương, còn lại khoảng gần 9.500 ô lồng là của người ở ngoài tỉnh. Toàn xã chỉ có khoảng 4.000 ô lồng nuôi trong vùng quy hoạch, còn lại là ngoài vùng quy hoạch.

Ảnh hưởng đến an toàn hàng hải

Tại khu vực vịnh Cam Ranh, những năm gần đây đã xảy ra tình trạng lồng bè NTTS lấn chiếm luồng lạch hàng hải, cản trở giao thông đường thủy, thậm chí xảy ra tai nạn đối với tàu bè ra vào cảng. Theo thống kê, chỉ trong tháng 8-2023 đã xảy ra 3 vụ tàu thuyền va chạm vào các lồng bè thả nuôi tại vịnh Cam Ranh. Cụ thể, trưa 4-8, tàu Phương Nam 156 khi đang neo đậu thì bị gió lớn đẩy trôi vào các lồng bè. Đêm 6-8, tàu Phương Nam 156 khi đang di chuyển vào khu neo đậu thì bị va chạm vào các lồng bè. Đêm 18-8, tàu Hùng Phát 89 khi đang di chuyển rời cảng thì đã va chạm vào các lồng bè đang nuôi. Rất may trong cả 3 vụ va chạm nêu trên không có thiệt hại về người.

Theo đại diện Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, hiện nay, tại vịnh Cam Ranh có nhiều lồng bè lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, khu neo đậu dành cho tàu thuyền. Cảng vụ Hàng hải Nha Trang đã thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, như: Trạm luồng Ba Ngòi, Đồn Biên phòng Cam Ranh, Trạm Biên phòng Cửa khẩu Cam Ranh, Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, UBND các phường, xã... đi kiểm tra, phát tờ rơi tuyên truyền đến người dân NTTS lấn chiếm luồng hàng hải và khu neo tại vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, tình trạng lồng bè nuôi trái phép lấn chiếm luồng hàng hải và khu neo đậu tàu thuyền vẫn không thay đổi.

Ông Trương Cao Dũng - Phó Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho biết, hiện nay, các lồng bè NTTS trong khu vực luồng hàng hải và khu neo đậu hoàn toàn là tự phát, không đúng vùng quy hoạch, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất lớn đối với hoạt động đường thủy tại vịnh Cam Ranh. Tuy Cảng vụ Hàng hải Nha Trang và các cơ quan liên quan đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền nhưng số lồng bè vi phạm lấn chiếm luồng hàng hải và khu neo đậu tàu thuyền ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với UBND TP. Cam Ranh để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm, lấn chiếm luồng hàng hải, khu neo đậu tàu thuyền của các lồng bè, phòng ngừa tai nạn hàng hải có thể xảy ra tại khu vực.

VĂN KỲ - MẠNH HÙNG

Kỳ 2: Thu hẹp vùng nuôi