Kỳ 2: Chiếm dụng đất công
Từ nhiều năm trước, công tác quản lý đất công trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có dấu hiệu buông lỏng, dẫn đến nhiều trường hợp lấn chiếm, xây dựng nhà ở ổn định. Đến nay, một số địa phương đã kiểm kê, ra quyết định yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng công tác cưỡng chế, thu hồi đất không hề đơn giản.
Xây nhà trên đất rừng ngập mặn
Tại thôn Tuần Lễ (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh), do một thời gian dài địa phương buông lỏng quản lý nên toàn bộ khu rừng ngập mặn tại đây đã bị người dân lấn chiếm, xây nhà ở ổn định. Tháng 11-2022, UBND huyện Vạn Ninh đã thành lập đoàn thanh tra công tác quản lý đất đai khu vực này. Tại thời điểm thanh tra, có 128 trường hợp lấn đất, 17 trường hợp chiếm đất và 24 trường hợp vi phạm hành lang an toàn trong quá trình sử dụng đất tại khu vực rừng ngập mặn ở thôn Tuần Lễ. Kết quả thanh tra cho thấy, trong việc xử lý đối với các hành vi vi phạm trên lĩnh vực đất đai, UBND xã Vạn Thọ chưa kiên quyết, xử lý đến cùng đối với hành vi vi phạm. Cụ thể, có 17 trường hợp chiếm đất nhưng chỉ 3 trường hợp bị xử lý, 128 trường hợp lấn đất nhưng chỉ có 42 trường hợp bị xử lý. Do đó, từ năm 1996 đến 2021, tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, lấn, chiếm đất diễn ra nhưng chính quyền địa phương không ngăn chặn, xử lý kịp thời. Từ đó, người dân xây dựng nhà cửa, sinh sống, gây khó khăn cho công tác cưỡng chế khắc phục hậu quả.
Người dân lấn chiếm đất của Trại cai nghiện Suối Lùng cũ để xây nhà. |
Theo kết luận thanh tra, việc chậm xử lý, thi hành các quyết định cưỡng chế để khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra thể hiện sự thiếu trách nhiệm, có dấu hiệu của việc buông lỏng trong công tác lãnh đạo, quản lý trên lĩnh vực đất đai của lãnh đạo UBND xã Vạn Thọ, nhất là vai trò người đứng đầu chính quyền. Trách nhiệm thuộc về Phó Chủ tịch UBND xã được giao phụ trách công tác quản lý đất đai và công chức địa chính của UBND xã; đồng thời có trách nhiệm của Chủ tịch UBND xã với vai trò của người đứng đầu địa phương trong việc kiểm tra, chỉ đạo và điều hành đối với công tác quản lý đất đai. UBND huyện Vạn Ninh đã yêu cầu UBND xã Vạn Thọ xây dựng kế hoạch thực hiện việc rà soát, phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định đối với 169 trường hợp này. Sau khi thực hiện, UBND xã chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình UBND huyện xem xét, quyết định.
Theo lãnh đạo xã Vạn Thọ, để khắc phục những vi phạm sau kết luận thanh tra, UBND xã đang tổ chức xác định, phân loại nhóm đối tượng, xây dựng kế hoạch xử lý theo quy định đối với 169 trường hợp vi phạm đất đai, hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục theo quy định và báo cáo UBND huyện trước ngày 15-12. Sau khi kế hoạch được UBND huyện phê duyệt, địa phương sẽ tiến hành xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Khu dân cư tự phát trên đất công
Chúng tôi đến khu vực đất công ích tại thôn Phước Lộc (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) và ghi nhận hàng chục ngôi nhà đã được xây dựng, chủ yếu từ năm 2017 đến nay. Khu vực này rộng gần 10ha, các con đường được đổ bê tông đi tạm, dọc đó là các trụ sắt nhỏ dựng lên để kéo dây điện về từng hộ. Một người dân ở đây cho biết, do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhiều năm ở nhà thuê nên năm 2018, ông đến đây mua đất của một người tên Hậu rồi xây nhà ở. Tại khu vực này, có gần 100 gia đình giống như vậy, ham rẻ, mua lại đất không có giấy tờ, rồi xây nhà lên ở tạm. Khu dân cư trái phép xây dựng trên đất công được hình thành như thế.
Khu vực đất công ích tại thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng đã hình thành khu dân cư tự phát. |
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, việc lấn chiếm, xây dựng nhà ở trên đất công ở thôn Phước Lộc xảy ra từ nhiều năm trước, nhưng nở rộ nhất vào thời điểm năm 2017 đến 2018. Từ năm 2018, UBND xã Phước Đồng tiến hành các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật, nhưng các đối tượng chiếm đất rất manh động, coi thường pháp luật, kết hợp đông người có những hành vi đe dọa cản trở việc tạm giữ tang vật và phương tiện vi phạm. Thời điểm năm 2019, UBND xã Phước Đồng đã thống kê khu vực này và lập biên bản 39 trường hợp xây dựng trái phép trên đất công ích. Cả 39 trường hợp này đã bị UBND tỉnh ra quyết định về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. UBND xã đã lập kế hoạch và được UBND TP. Nha Trang phê duyệt kế hoạch cưỡng chế 39 công trình. Mới đây, UBND xã thống kê, kiểm đếm lại thì số công trình xây dựng trên đất công đã lên đến 81 căn.
Tại xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) cũng xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý đất công, dẫn đến người dân lấn chiếm và xây dựng nhà ở ổn định hàng chục năm nay. Qua thông tin từ UBND xã Suối Cát, phóng viên tìm đến khu vực Trại cai nghiện ma túy Suối Lùng trước đây, nằm dọc Tỉnh lộ 3 (nằm gần Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Hồng Bàng). Người dân ở đây cho biết, toàn bộ diện tích của cơ sở này đã bị lấn chiếm, sang nhượng, xây dựng nhà cửa từ nhiều năm nay. Theo thống kê của UBND xã Suối Cát, năm 2004 có 26 hộ xây nhà trái phép, đến năm 2006 đã tăng lên 65 trường hợp. Năm 2006, UBND xã Suối Cát có lập biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp xây nhà trái phép nhưng do không xử lý triệt để nên đến nay số công trình trái phép càng tăng nhiều hơn.
Quản lý lỏng lẻo
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực ở thôn Phước Lộc là đất công do UBND xã Phước Đồng quản lý. Đất này trước kia do Tập đoàn Sản xuất Phước Trung 2 quản lý. Năm 1995, tập đoàn giải thể nhưng Nhà nước không đo đạc, thu hồi đất hoặc có quyết định giao đất cho dân nên trên văn bản, giấy tờ vẫn là đất 5% do Nhà nước quản lý. Theo tài liệu chúng tôi có được, từ năm 2006, đoàn thanh tra của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất TP. Nha Trang đã có báo cáo kết quả thanh tra việc quản lý và sử dụng đất công ích trên địa bàn xã Phước Đồng. Theo kết quả thanh tra, tổng diện tích đất công ích ở thôn Phước Lộc gần 10,8ha, thời điểm đó đã giao cho Nhà máy Ponagar (nay là Khu du lịch Trăm Trứng) thuê gần 1ha, còn 9,8ha đất trống. Tại thời điểm đo đạc năm 2005, trong 52 hộ dân quản lý, sử dụng đất này có 17 hộ tự ý chuyển đất hoa màu sang xây dựng nhà ở. Khi đoàn kiểm tra làm việc, các hộ này đều không có giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất.
Khu đất của Trại cai nghiện Suối Lùng trước đây đã bị người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa |
Đối với đất của Trại cai nghiện ma túy Suối Lùng, một lãnh đạo huyện Cam Lâm cho biết, khu đất này rộng hơn 22,2ha, được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý từ năm 1993. Đến năm 1994, cơ sở được chuyển về khu vực Sông Lô (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang), khu vực Suối Lùng trở thành nơi sản xuất, lao động trị liệu cho những người nghiện ma túy. Năm 2004, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển cơ sở cai nghiện ma túy lên thôn Ba Dùi (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh). Từ đó đến nay, do buông lỏng quản lý, khu đất này đã bị các hộ dân tự ý chiếm đất, xây dựng nhà ở ổn định. Ông Huỳnh Uy Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND xã Suối Cát để thống kê, báo cáo về tình trạng lấn chiếm đất công tại khu vực này. Sau khi có báo cáo cụ thể, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo xử lý.
Ông Trần Mạnh Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2022, HĐND tỉnh đã giám sát chuyên đề về công tác quản lý và sử dụng quỹ đất công ích 5% trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện nay, đất công ích trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 2.582ha. Tuy nhiên, đoàn giám sát nhận thấy, việc thống kê số liệu quỹ đất, phân loại diện tích đất đã sử dụng, diện tích cho thuê, diện tích biến động hầu hết các địa phương chưa thống kê được. Về trách nhiệm quản lý chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong báo cáo của UBND tỉnh không nêu được khiến đoàn giám sát phải đề nghị các địa phương báo cáo số liệu. Điều này thể hiện trách nhiệm quản lý của cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm, còn buông lỏng quản lý, ủy thác cho chính quyền cấp cơ sở. Do không thống kê, không xác định rõ vị trí, diện tích đất công ích tại các địa phương đã dẫn đến tình trạng cấp nhầm đất công ích cho người dân. Nhiều địa phương xác định đất của người dân khai hoang là đất công ích dẫn đến các khiếu nại kéo dài. Bên cạnh đó, đất công ích bị sử dụng trái phép, lấn chiếm với diện tích lớn, sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang... Từ kết quả giám sát, HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tăng cường hơn nữa công tác quản lý đất công; đồng thời chỉ đạo Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra công tác quản lý đất công ở một số địa phương có dấu hiệu vi phạm.
V.KỲ - M.HÙNG - T.THỊNH
Kỳ 1: Sai sót trong việc cấp sổ đỏ
Kỳ cuối: Cần nâng cao vai trò, trách nhiệm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin