Góc ảnh
09:03, 10/03/2023

Người "thổi hồn" vào tượng

Dù không qua trường lớp nghệ thuật nào song với niềm đam mê tìm tòi, chịu khó học hỏi, anh Võ Trùng Dương (sinh năm 1982, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) đã trở thành thợ tạc tượng bằng xi măng lành nghề tạo ra nhiều tác phẩm đẹp.
 

Dù không qua trường lớp nghệ thuật nào song với niềm đam mê tìm tòi, chịu khó học hỏi, anh Võ Trùng Dương (sinh năm 1982, xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh) đã trở thành thợ tạc tượng bằng xi măng lành nghề tạo ra nhiều tác phẩm đẹp.
 
Anh Dương bên tượng hồng hạc.
Anh Dương bên tượng hồng hạc.

 

Những pho tượng bằng xi măng do anh Dương làm.
Những pho tượng bằng xi măng do anh Dương làm.

 

 

Một buổi chiều tháng 3, chúng tôi có mặt tại khuôn viên nhà vườn của anh Dương tại vùng quê êm đềm ở xã Diên Xuân. Bên cánh đồng lúa vàng rực sắp vào vụ gặt, những pho tượng con voi, cò, nai, hươu cao cổ… của anh như tô điểm thêm cho bức tranh đồng quê nơi đây thêm thi vị. Anh Dương chia sẻ, anh sinh ra ở huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), trong một gia đình có truyền thống làm nghề tạc tượng, nên từ nhỏ đã được truyền dạy những bước cơ bản về nghề. Do hoàn cảnh khó khăn nên anh Dương chỉ học hết cấp 2 rồi theo các anh em đi phụ nghề tạc tượng ở nhiều tỉnh phía nam. Năm 2017, anh Dương lập gia đình và chuyển về sống ở xã Diên Xuân.
 
 
Tác phẩm hươu đầm lầy Nam Mỹ.
Tác phẩm hươu đầm lầy Nam Mỹ.
 
Tuy đã có kinh nghiệm nhưng anh Dương vẫn chịu khó lên mạng học hỏi thêm về bố cục, cách chia tỷ lệ về mỹ thuật. Anh Dương chia sẻ, để làm ra một pho tượng bằng xi măng, ban đầu phải đóng khung, chia tỷ lệ rồi dùng dây thép nhỏ uốn tạo hình bộ khung đẹp, đúng tỷ lệ. Tiếp theo là đắp xi măng thành khuôn. Chi tiết quan trọng nhất của bức tượng là đôi mắt. Đây là linh hồn của bức tượng. Đôi mắt đẹp sẽ làm cho khuôn mặt có hồn tạo ra giá trị cho bức tượng. Với sự tỉ mỉ, tận tâm với những tác phẩm của mình, anh Dương ngày càng được nhiều người biết đến. Có nhiều khu du lịch, ngôi chùa của các địa phương đã đặt anh làm tượng Phật hay các tượng voi, rồng, sư tử… để đặt vào khuôn viên. Đến nay, bức tượng lớn nhất anh Dương từng làm là tượng Phật cao 18m cho một ngôi chùa ở TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang). 
 
Anh Dương bộc bạch, đối với người làm nghệ thuật, trí tưởng tượng, đầu óc quan sát rất quan trọng. Nghề này vừa đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ vừa cần đến khả năng vẽ, sáng tạo và óc thẩm mỹ để tạo ra những sản phẩm đẹp, không trùng lắp, rập khuôn. Do đó, người tạc tượng phải chịu khó học tập, cập nhật các kiến thức mới để nâng cao năng lực. 
 
THÁI THỊNH