Ngày 7-12, ngày hội "Chụp ảnh chân dung cho mọi người" (Help - Portrait) đã đến với bà con dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh. Hơn 50 tình nguyện viên tham gia chương trình chia thành 4 nhóm đã đến tận nhà các gia đình nơi đây, ghi lại những hình ảnh về con người, cuộc sống, lao động… của gia đình các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn...
Ngày 7-12, ngày hội “Chụp ảnh chân dung cho mọi người” (Help - Portrait) đã đến với đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Hơn 50 tình nguyện viên tham gia chương trình chia thành 4 nhóm đã đến tận nhà các gia đình nơi đây, ghi lại những hình ảnh về con người, cuộc sống, lao động… của gia đình đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Mới 6h30 sáng, các thành viên đã tề tựu đông đủ tại một điểm hẹn ở đường Hồng Bàng, Nha Trang.
Các thành viên chụp hình lưu niệm trước khi lên đường |
Vượt qua hơn 50km để đến với xã Khánh Thượng, Khánh Vĩnh, tất cả mọi người đều mang tâm trạng háo hức, biến hoạt động nhiều ý nghĩa này thành ngày hội, giao lưu không chỉ với đối tượng được chụp ảnh mà còn giữa các thành viên tham gia.
Hành trình hơn 50km cũng là thời điểm giúp các thành viên giao lưu với nhau. |
Sau hơn 1 giờ di chuyển từ Nha Trang đến xã Khánh Thượng, các thành viên đã có mặt đông đủ tại trụ sở UBND xã. Và không quên ghi lại hình ảnh kỷ niệm cùng nhau trước khi tỏa ra 4 hướng theo 4 nhóm để chụp hình.
Trước khi chia ra 4 ngã đi chụp hình, các thành viên tranh thủ giữ lại kỷ niệm của chuyến đi. |
Qua quan sát của chúng tôi, những người già và em nhỏ được ưu ái quan tâm nhiều hơn cả. Rất nhiều tấm hình về những người mẹ, người cha, ông, bà… được ghi lại.
Người già và trẻ em được các tay máy tập trung nhiều nhất. |
Chụp hình, rửa hình tại chỗ và tặng hình miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số ở một địa bàn xa xôi của tỉnh là một hoạt động mang nhiều ý nghĩa. Trong đó đối tượng hướng đến là những người có hoàn cảnh khó khăn, có cuộc sống nơi xa xôi, hẻo lánh, ít có điều kiện được chụp hình.
Ở đó, bà mẹ Pi Năng Thị Hiền (thôn Tà Gộc) đã nở nụ cười thật hồn hậu khi các tay máy chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tập trung vào “người mẫu” đã trên 80 tuổi này. Theo người con của bà, trước đây bà cũng từng được chụp hình nhưng rất ít. Các hình đã cũ hoặc hư hỏng, nên mọi người đều rất vui khi được ghi lại hình ảnh của mình và không mất tiền.
Bà Pi Năng Thị Hiền với nụ cười chất phác, đôn hậu mang nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. |
Bên cạnh những người già, các em nhỏ cũng là đối tượng được nhiều tay máy quan tâm đặc biệt. không quần áo đẹp, không trang điểm, không tạo dáng, nhưng những hình ảnh của các em thu hút mọi người ở nụ cười hồn nhiên, trong sáng và rất thật.
Những đứa trẻ cũng rất háo hức khi được chụp hình. |
Theo chị Pi Năng Thị Lý, 53 tuổi, tôi rất vui khi được chụp hình cho tôi và cho các con, các cháu. Ở đây điều kiện khó khăn, nên rất ít chụp hình. Giờ được chụp miễn phí, lại có hình đẹp, cả nhà rất vui.
Chị Pi Năng Thị Lý không chỉ vui vì được chụp hình mà còn vui vì có được những tấm ảnh miễn phí. |
Niềm vui của những người được chụp hình nhiều bao nhiêu, thì đó cũng chính là động lực, là nguồn cảm hứng giúp các tay máy chụp nhiều hơn, chụp được những tấm hình đẹp hơn. Và giữa người chụp hình với người được chụp dường như đã có sợi dây gắn kết, gần gũi, yêu thương nhau.
Khoe hình mới chụp cùng người được chụp |
Tại trụ sở UBND xã, một “photo lab” theo kiểu dã chiến được dựng lên. 3 chiếc máy laptop, 1 máy rửa hình hoạt động hết công suất khi các tay máy liên tiếp đưa ảnh về rửa. Một không khí hết sức khẩn trương và cũng không thiếu những tiếng cười vui vẻ bởi các thành viên đến với ai cũng nhiệt thành khi tham gia hoạt động đầy ý nghĩa này. Hàng trăm tấm hình đã được rửa và trao đến tận tay từng người và không khó để hình dung được niềm vui của cả những người chụp hình và những người được chụp.
Khu vực rửa hình hoạt động hết công suất |
Được biết, Help - Portrait lần thứ 4 tại Việt Nam sẽ được tổ chức đồng loạt ở 11 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là hoạt động thường niên của cộng đồng tập hợp những người chụp ảnh trên toàn thế giới tự nguyện chụp ảnh cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nếu như trong năm đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam (2010), chỉ có 120 tay máy và chỉ diễn ra ở TP. HCM thì đến nay, ước tính có khoảng 1.000 người tham gia sự kiện này.
C.Đ