Nha Trang có nhiều bãi biển đẹp. Nói đến Nha Trang là nói tới một thành phố biển đẹp. Đó là bờ biển ở mặt tiền phía đông, hướng mặt trời mọc. Nhưng còn nhiều hơn thế, ngày nay, ít người biết hay nhớ Nha Trang từng có khu rừng ngập mặn rộng lớn ở phía tây, còn gọi "rừng sác", hay rừng chà là.
Sông Tắc đoạn chảy men chân các dãy núi còn có tên dân dã là sông Đồng Bò. Sông Quán Trường xưa cũng có tên khác là sông Quảng Trường, tức dài và rộng. Vào thời rừng chà là còn rậm rạp, hai bên bờ sông dày đặc dừa nước, sông Quán Trường và sông Tắc là “hung thần” của rừng chà là. Mùa khô, sông rút xuống như những con sông nhỏ hiền lành và mặn hơn. Mùa mưa, nước sông tràn lên ngập mênh mang khắp cánh rừng. Bờ sông chỉ được đánh dấu bằng những rặng dừa nước. Đường Lữ Gia cũ, tức đường Lê Hồng Phong ngày nay, ngày trước là động cát cao mọc đầy những cây xương rồng bàn chải, ma dương, cây mủ và cam đường dại, tức phần nhiều là bụi bờ gai góc. Rừng chà là dưới chân động cát, thấp trũng hẳn xuống như ruộng dưới chân đê, là hướng thoát nước cho phố thị Nha Trang nên rất dễ ngập. Thời chưa có đò, phương tiện qua sông là một chiếc bản bằng gỗ có hình một chiếc thùng như thùng xốp, tức có thành cao xung quanh, ngồi được khoảng 20 người. Hai bên bờ sông có 2 cọc trụ để cột dây vào đó. Muốn qua sông, người ta xuống bản ngồi rồi nắm dây kéo qua, không cần chèo.
Gọi rừng chà là vì cây chà là chiếm nhiều nhất, sau đó mới tới cây đước, mắm, giá, bần, sơn, cóc, tràm nước… và những cây cỏ rừng ngập mặn khác. Những người đầu tiên tới đây khẩn hoang lập làng là một nhóm nhỏ mấy người từ Bình Định tới đây từ khoảng cuối thế kỷ XIX hoặc đầu thế kỷ XX. Họ lựa chọn ở bên hữu ngạn sông Quán Trường để dừng chân. Họ chặt những cây chà là cao 4 - 5 thước để dựng nhà, mái lợp lá dừa nước. Lúc đầu phải làm chòi cao ở, đào hào nước quanh nhà để tránh cọp. Cọp trên núi hằng ngày thường bơi qua sông Tắc vào rừng sác bắt heo, bắt bò người dân nuôi rồi “cõng” ra gò chà là ăn. Heo rừng cũng bơi qua sông sang ăn lúa, bắt cá cua ăn. Bắt đầu từ thời kỳ chống Pháp, rồi chống Mỹ, có thêm bộ đội từ chiến khu Đồng Bò cũng qua sông, ẩn mình trong gò chà là. Theo các cụ già kể lại, sông Quán Trường ngày xưa rất nhiều tôm, cá, cua còng. Không giống còng ngoài bãi biển chỉ có một màu trắng để lẫn vào cát, còng bãi bùn nhiều màu rất đẹp, xanh, vàng, đỏ, màu đậm nhất ở hai chiếc càng. Mỗi khi nước xuống, còng nổi lên nằm bên bãi sông đỏ như bãi phơi ớt hoặc vàng tươi như vạt bông cúc. Có những con kỳ đà lớn 40 - 50kg bơi như cá sấu nhưng không dữ như cá sấu. Những gò chà là có thịt heo, thịt bò cọp ăn không hết bỏ lại, kỳ đà nghe mùi sẽ bò lên ăn.
Rừng đước ở xã Vĩnh Thái. |
Công cuộc khẩn hoang được một số cao niên kể lại là chặt chà là, phơi khô rồi đốt. Nhưng các gò chà là mọc trên nước mặn, chặt cây xong họ phải dùng xà beng đánh từng gốc một. Xong gò này tới gò khác. Sau đó đắp bờ khoanh thành từng khoảnh không cho nước mặn tràn vào, rồi làm mương dẫn nước từ Suối Dầu, Cầu Dứa về rửa mặn rửa phèn làm lúa… Cứ đời cha tiếp đời ông, tới đời con đời cháu, dần dần thành những cánh đồng, thành chòm xóm.
Khoảng giữa thế kỷ XX cho tới cuối những năm 1960, bên này sông Quán Trường, tức Khu đô thị VCN bây giờ và một phần phường Phước Hải dọc phía dưới đường Đồng Nai, bắt đầu hình thành khu dân cư. Một số ít người miền Bắc di cư cùng với những người dân từ các tỉnh miền Trung chạy loạn chiến tranh tới. Họ chọn ở bên tả bờ sông, chặt chà là khai hoang phía này, lấy đất làm lúa, trồng rau. Tới đầu những năm 1980, rừng chà là vẫn còn nhiều, thành phố có chủ trương khai phá. Cán bộ, công nhân viên một số cơ quan cùng thanh niên, sinh viên đã được huy động đi chặt chà là khai hoang vào mỗi Chủ nhật. Nhưng phong trào đó có lẽ không duy trì lâu vì sau đó, nhiều người dân đã tích cực hơn, họ thuê cả máy múc múc cả gò cả gốc đi cho nhanh để lấy đất. Đó là khu đìa nuôi tôm cua ngày nay.
Sau năm 1975, chính quyền mới cho đào một con mương dẫn nước về các thửa ruộng phía tả ngạn sông Quán Trường, tục gọi mương Bộ Đội vì do lực lượng quân đội đào. Con mương ở vị trí phía Khu đô thị VCN ngày nay. Đầu những năm 1980, khi làm đường Phong Châu, một số ngôi nhà của các nông dân ở vị trí giữa đường đã phải di dời. “Bến đò bản” được thay thế bằng cây cầu nhỏ, rồi bằng cống ngập, gồm nhiều ống cống lớn đặt dưới lòng sông để thông dòng chảy, trên lưng những ống cống được làm một con đường đất nhỏ nối đôi bờ. Sông Tắc đoạn nằm trên trục đường Phong Châu cũng được nối hai bờ bằng cầu tràn, còn gọi cầu tràn sông Tắc. Ngày nay, cả hai vị trí này đều đã có cầu bê tông rộng dài vững chãi bắc qua.
Ruộng đồng đã thay thế hoàn toàn rừng chà là. Và nay đến lượt làng xóm, khu đô thị thế chỗ ruộng. Hai bên đường Phong Châu, ngoài làng Vĩnh Xuân cổ kính, còn có các khu đô thị: VCN, Hà Quang, Mỹ Gia, rồi khu biệt thự Thủy Tú... được coi là những địa thế “tựa núi kề sông”, là địa thế được coi là lý tưởng theo phong thủy. Dấu vết rừng sác xưa còn lại một số ít bụi chà là, một vài cây bần, một chòm cây mắm giữa đồng nước và một vạt rừng đước mini.
VÂN HẠ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin