Mỗi lần có dịp đi trên đường Bửu Đóa (phường Phước Long, TP. Nha Trang), tôi lại nhớ đến những câu chuyện như huyền thoại gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của người anh hùng mang tên Bửu Đóa.
Còn nhớ vào năm 1995, chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Công an nhân dân - 19-8-1945 - 19-8-1995, Công an Khánh Hòa có mời một số nhà văn, nhà thơ của tỉnh tham gia cuộc họp viết bài về truyền thống của ngành. Khi được các vị lãnh đạo giới thiệu những tấm gương anh dũng của lực lượng Công an tỉnh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ai nấy đều khâm phục và lần lượt tiếp nhận tư liệu để sáng tác. Ngoài thơ, có người viết ký, có người viết truyện. Lần đó tôi nhận viết lời cho một cuốn truyện tranh về tấm gương của anh hùng liệt sĩ Bửu Đóa để họa sĩ Thanh Hồ (lúc bấy giờ đang công tác ở Báo Khánh Hòa) vẽ tranh. Dù là người lớn lên trong bão lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng quả thật, các trang tư liệu về người anh hùng ấy càng đọc càng cuốn hút tôi.
Một góc đường Bửu Đóa ở Nha Trang. |
Sinh năm 1920 tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình có truyền thống yêu nước, tới năm 1936, anh Bửu Đóa vào làm công nhân ở Nhà máy đèn Chụt (nay thuộc phường Vĩnh Nguyên) rồi tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám giành chính quyền tại Nha Trang.
Với âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa, tháng 10-1945, sau khi đánh chiếm Nam Bộ, thực dân Pháp đem quân tấn công Nha Trang. Thời gian này, Ty Công an Khánh Hòa quyết định thành lập Ban Ám sát, sau đổi tên thành Đội Công an xung phong với nhiệm vụ luồn sâu vào lòng địch nắm tình hình, chiến đấu tiêu hao sinh lực quân Pháp, tiêu diệt tay sai ác ôn, mật thám nhằm bảo vệ cơ sở cách mạng và phong trào quần chúng, trong đó anh Bửu Đóa được cử làm Đội phó rồi Đội trưởng. Là người gan dạ, dũng cảm, chỉ trong 3 năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, anh đã cùng đồng đội lập nhiều chiến công vẻ vang, được ghi vào trang vàng lịch sử Công an nhân dân. Ngày 1-5-1946, do Việt gian chỉ điểm, anh Bửu Đóa bị lính Pháp bắt. Tuy nhiên, với sự mưu trí, anh không những thoát khỏi tay giặc mà còn tiêu diệt một tên địch, rút về cứ an toàn. Khi giả thành người chăn vịt, khi đóng vai người đi buôn…, anh Bửu Đóa đã làm cho kẻ thù ở khắp Nha Trang và các khu vực lân cận nhiều phen khiếp sợ. Từ cuối năm 1945 đến năm 1948, trong tổng số 22 trận đánh khi phối hợp cùng đồng đội, khi độc lập chiến đấu, người chiến sĩ công an xung phong ấy đã tiêu diệt 11 tên Pháp, 9 tên Việt gian và ngụy binh, thuyết phục 10 ngụy binh trở về với cách mạng, phá hủy nhiều phương tiện, thiết bị hoạt động của quân Pháp tại Nha Trang… Trong số ấy, đáng kể nhất là vào tháng 12-1945, một tổ 3 người do anh phụ trách đã đột nhập sân bay Nha Trang, đốt cháy 2 máy bay và hơn 5.000 lít xăng, phá các cơ sở kinh tế, hậu cần trọng điểm của địch như Nhà máy phát điện, Nhà thương quân đội, kho xăng Cầu Đá...; hoặc như vào tháng 7-1946, một mình anh đã dũng cảm đột nhập, diệt tên Vương Gia Ngại (một tên ác ôn nổi tiếng) tại nhà riêng của y ở Kim Bồng (Ngọc Hiệp, Nha Trang), làm cho tổ chức “Dân chủ đoàn” và “Việt Nam ái quốc” của địch dựng lên bị tan rã. Tiếc thay, người chiến sĩ dũng cảm ấy đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh năm 1948 với giặc Pháp tại khu vực Cầu Đá khi mới ở tuổi 28.
Tấm gương chiến đấu của anh Bửu Đóa đã lan đi khắp nơi. Ngày 25-4-1949, anh là một số ít người đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Hai tháng sau, tại Bảng vàng Công an số 17-18 ở cuốn nội san Rèn luyện của Nha Công an Trung ương đã giới thiệu, biểu dương trong toàn lực lượng về thành tích của anh, đồng thời Nha Công an Trung ương cũng tặng thưởng anh tấm Huy hiệu công an đúc bằng vàng. Đó là chiếc huy hiệu đặc biệt với hình 2 bông lúa viền quanh, ở giữa có 2 chữ “CA”, bên dưới là 2 chữ chiến công. Tấm huy hiệu vẻ vang ấy hiện được Bảo tàng Công an nhân dân (Hà Nội) sưu tầm và giữ gìn trân trọng. Năm 1995, anh Bửu Đóa được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Cuốn truyện tranh do chúng tôi biên soạn 30 năm trước được Công an Khánh Hòa in với số lượng lớn, phát hành rộng rãi ở các trường học. Cũng giai đoạn này, nhà văn Cao Linh Quân đã viết một truyện vừa về anh Bửu Đóa với tên gọi “Ông Hoàng đen”. Truyện được giới thiệu trên tạp chí Nha Trang và sau này đã in trong tập truyện ký “Dấu người năm tháng” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2009), được bạn đọc trong toàn quốc đón nhận.
TP. Nha Trang vừa kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển. 100 năm qua, có bao người con ưu tú sinh ra và lớn lên ở thành phố này, cũng như từ khắp mọi miền đất nước đến đây chiến đấu và xây dựng. Thành phố có được như ngày nay là nhờ sự đóng góp từ công sức, mồ hôi, xương máu của bao thế hệ đi trước. Đặc biệt, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều anh hùng liệt sĩ như anh Bửu Đóa đã nằm xuống. Bề dày truyền thống ấy chính là hồn cốt, góp phần tạo dựng nên tầm vóc của Nha Trang hiện tại và tương lai. Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị ngày 28-1-2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ở phần định hướng có đoạn: “Xây dựng và phát triển toàn diện con người Khánh Hòa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh”. Để thực hiện định hướng trên, công tác giáo dục truyền thống đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là với thế hệ trẻ. Cùng với việc trưng bày, triển lãm hình ảnh, hiện vật về các giai đoạn lịch sử, các nhân vật anh hùng, cần tổ chức các buổi nói chuyện, cuộc vận động sáng tác ở nhiều loại hình văn học, nghệ thuật với hình thức phong phú, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận, hưởng ứng.
Nha Trang có anh hùng Bửu Đóa và biết bao người con kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh vì mảnh đất này…
HOÀNG NHẬT TUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin