Một trong những nhà sáng tác dành cho các văn nghệ sĩ cả nước đến để tạo ra những tác phẩm là Nhà Sáng tác Nha Trang nằm trên đường Phạm Văn Đồng (TP. Nha Trang). Đó là trại sáng tác mà các văn nghệ sĩ phải vượt một đoạn đường khá xa, từ Lai Châu, Yên Bái, Cao Bằng… để tham dự với lý do đơn giản là chỉ cần đến Nha Trang, và Nha Trang là nguồn cảm hứng bất tận. Và khi đã đến, các anh chị thuê xe máy đi khắp nẻo, để mỗi góc phố, mỗi con đường đều là nguồn cảm ứng cho thơ, ca, nhạc họa, như nhà thơ Đặng Vương Hưng viết: “Nha Trang đã cuối mùa mưa/Lâu rồi em nhắc ta vừa nhớ nhau”.
Người từ nơi chốn xa đến Nha Trang là thế, họ yêu từng con sóng biển vỗ bờ, yêu buổi sáng Nha Trang thơm hương, yêu những con đường quê thỉnh thoảng có những mo cau rụng, yêu cả quán bánh căn nho nhỏ nép bên con đường nhỏ bán cho khách tình cờ. Nha Trang không chỉ là các ngã tư, ngã năm đèn xanh, đèn đỏ. Nha Trang không chỉ là những khu phố kẻ ô, không chỉ là sự chuyển tiếp của đất trời vào những mùa hoa nở, Nha Trang không chỉ có biển… Để rồi, một ngày bạn rảnh rang, lấy xe thoát ra khỏi ngôi nhà mình ở, đi những con đường chưa từng đi, mới biết rằng mình chưa biết hết Nha Trang.
Một con đường rợp bóng cây ở phố biển. |
Tỷ dụ có ai đố bạn, con đường nào ở Nha Trang dài nhất? Là đường Trần Phú - Phạm Văn Đồng kéo ra tận Quốc lộ 1, Đại lộ Nguyễn Tất Thành, hoặc đường 23 tháng 10, đường Võ Nguyên Giáp… Thường thì đi trong phố, chúng ta hay nói đường Yersin là con đường dài nhất, và nếu một hôm vòng vào khu vực Ngọc Hiệp, sẽ gặp con đường dài dễ chừng khoảng 4 - 5km uốn lượn vòng qua đủ mọi không gian là đường Lương Định Của. Và giả sử có ai đố bạn cây gì trồng nhiều nhất ở Nha Trang, bạn sẽ trả lời là hoa giấy, cây dừa và cây sao đen. Để rồi phát hiện ra loại cây được trồng nhiều nhất ở Nha Trang lại là cây dừa.
Nha Trang - thành phố ấy chuyển sắc vào mùa thu, trời se lạnh, để những chiếc áo lạnh cất lâu rồi trong tủ áo được mang ra cho đẹp phố phường. Nha Trang vào tháng 10 kéo dài đến tháng 11 có những cơn mưa vội, may mà trên phố còn những hiên nhà để dừng chân tạm trú mưa. Để có cái thú xòe bàn tay ra bầu trời đang mưa, nhìn những giọt mưa len qua kẽ tay rồi rơi xuống đất, hòa cùng cả triệu giọt mưa rơi vào quên lãng. Là một Nha Trang từ những ngày còn đi học mẫu giáo, rồi những ngày vào cấp 1, đến khi lên cấp 2, cấp 3 và rời xa bước chân vào đại học. Để vương vấn ở đó mối tình thơ dại, rung động bởi một mái tóc dài, bởi một nụ cười thiếu nữ. Để rồi đi tìm một ngôi nhà, chỉ là đi tìm vì có một người ở đó.
Rồi chúng ta về lại Nha Trang như những con tàu dẫu mải mê đưa người đi, cuối cùng vẫn trở về ga cũ. Ở ga xe lửa Nha Trang ấy không chỉ là bước vào ga để ra đi hoặc tiễn đưa, mà còn ẩn giấu trong đó biết bao nhiêu ký ức của đời người. Bạn có biết tại sao cung đường vào ga phải chạy một vòng cung? Để cho người đi xa còn ngoái nhìn phố, để tiếng còi tàu như tiếng gọi yêu thương, và có khi tiếng còi tàu hòa cùng tiếng chuông nhà thờ tạo nên một âm thanh rất lạ.
Đường Phan Đình Giót, TP. Nha Trang. Ảnh: G.C |
Một hôm, có thể bạn đang đi trên đường, có người sẽ hỏi bạn tên một con đường, bạn sẽ ngớ người ra, tự nhủ mình ở Nha Trang lâu đến thế mà không biết con đường đó ở đâu. Tỷ dụ con đường Phùng Khắc Khoan, đường Bạch Thái Bưởi chỉ vài trăm mét nhưng được biết đến vì được gọi là con đường hoa giấy. Do đó, có một ngày rảnh rang, bạn hãy làm một chuyến đi đi cho hết Nha Trang.
Đi cho hết Nha Trang, qua cầu Bình Tân, vào khu dân cư Hòn Rớ, bạn sẽ lạ vì rất nhiều cây sa kê được trồng, rất nhiều con đường nhỏ đến độ có cảm giác là 2 căn nhà đối diện chỉ cần ngồi trong nhà có thể nói chuyện với nhau.
Và những con hẻm ở Nha Trang cũng là một thế giới khác, ở đó thoát ra khỏi sự chộn rộn của phố thị, mang dáng vẻ yên bình. Con đường Phan Đình Giót uốn cong từ đường Trần Quý Cáp thoát ra ngay cây cầu nhỏ bắc qua sông Lư Cấm, nơi đây hàng bán ăn sáng, bán trưa chen đường, một không gian riêng của phố. Con đường Thân Nhân Trung với 12 cây xà cừ cổ thụ trở thành con đường độc đáo, hay những ngôi nhà ở Hòn Xện phủ hoa rất đẹp.
Bạn có thể đi đến đường Nguyễn Đình Chiểu, thử rẽ vào các con đường nhánh, đó là nơi chốn riêng của những căn phòng cho thuê, con đường đôi khi chông chênh bởi gió mưa. Là ngẫu nhiên đi cho tận cuối đường Võ Thị Sáu, tiếp tục bọc qua ngọn núi gặp những ngôi nhà bám vách núi, chủ nhà bắc thang leo lên leo xuống. Là nghe thoảng mùi nước mắm vì các hộ dân ở đây sống bằng nghề làm nước mắm là chủ yếu, gặp nhiều hàng bánh xèo, ghé ăn có cảm giác bánh xèo tôm nhảy rất ngon...
Chúng mình đã đi hết Nha Trang chưa? Chúng mình đã ngồi cùng chiều bên bờ sông Tắc? Chúng mình đã từng chen vào con đường nhỏ ở Núi Một để đi tiếp thêm những con đường lên núi, những con đường nhỏ và trắc trở của phận người.
Chúng mình đã đi hết Nha Trang chưa?
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin