Nhắc đến Nha Trang, nhói lên trong tôi là mái trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn một thời nhọc nhằn mà danh giá. Rời phố biển để học tiếp rồi đi làm, tôi vẫn đi về, dõi theo từng thăng trầm của thành phố biển.
Một góc phố biển Nha Trang. |
1. Nhiều năm nay, câu chuyện văn học và học văn luôn nóng sốt trên diễn đàn. Đúng là nóng thật, hấp dẫn như văn chương bỗng trở nên nặng nề khi đưa vào trường học. Chợt nhớ mình đã may mắn từng học văn hứng khởi như thế nào ở Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn những năm 1986 - 1989. Hồi đó, chúng tôi được tuyển chọn gắt gao từ khắp các địa phương trong tỉnh Phú Khánh (bây giờ là 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Ở nội trú tại trường, có học bổng và 13kg gạo/tháng. Tuy nhiên, chẳng phải vì thế mà chúng tôi yêu môn Văn, yêu văn học đến say mê và hiện nay sống bằng nghề văn.
Hình thức lớp chuyên khi ấy đại loại cũng như phân ban sau này. Chúng tôi vẫn học theo chương trình sách giáo khoa phổ thông thống nhất trên toàn quốc, chỉ khác là lớp chuyên môn gì thì tăng mỗi tuần thêm vài tiết môn đó; đôi khi có hai giáo viên cùng dạy môn chuyên. Điều quan trọng là chúng tôi được học với những thầy cô có kiến văn sâu sắc, truyền cho học trò những cách tiếp cận linh hoạt vẻ đẹp của văn chương, từ đó gợi mở tự nhiên niềm thích thú môn Văn.
Nhiều lứa bạn tôi còn nhớ hình ảnh và phong cách truyền thụ của cô giáo dạy văn Lê Khánh Mai (nhà thơ, nguyên Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa). Trong mỗi giờ học văn, các bước tuân thủ theo sách giáo khoa đã được cô chuyển tải rất nhẹ nhàng. Ví dụ như, một trò đứng lên đọc diễn cảm tác phẩm; sau đó, cô cung cấp một vài câu chuyện “hậu trường” sinh động về tác giả - tác phẩm, vài hướng gợi mở về cảm thụ tác phẩm; thời gian còn lại là các ý kiến phân tích, cảm nhận của học trò... Đặc biệt, cô giới thiệu, cung cấp cho chúng tôi hàng loạt tác phẩm hay cùng thời kỳ ra đời của tác phẩm đang học. Chẳng hạn khi học bài thơ nào đó, cô đã chỉ cho chúng tôi đọc nhiều bài thơ hay khác của chính tác giả và nhiều tác phẩm cùng thời. Khi ấy, thơ Đường, Ấn Độ, Nhật Bản, Tây Âu... hầu như chưa đề cập trong sách giáo khoa nhưng chúng tôi đã biết khá nhiều và thích thú tìm đọc, luận bàn. Cả những cuốn sách dày cộm, cô vẫn khuyến khích chúng tôi đọc. Vẫn còn như in niềm háo hức, sự chuẩn bị cho những câu lạc bộ văn học cuối tuần, có đọc và bình văn, mời văn nghệ sĩ đến nói chuyện, trích diễn hoạt cảnh theo tác phẩm văn học...
Nói như vậy nhưng không hẳn chúng tôi chỉ chú tâm học môn Văn, các môn học khác cũng học đều đặn như trường “thường”, thậm chí nhiều học trò chuyên văn còn đậu cao vào các Trường Đại học Kinh tế, Y khoa... Mới đây, qua trò chuyện với cô Lê Khánh Mai và một số giáo viên, tôi được biết Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn bây giờ vẫn dạy và học như thế, vẫn một niềm say mê tin tưởng giữa thầy và trò với từng môn học.
Một góc phố biển Nha Trang. |
2. Theo tôi, ở duyên hải miền Trung, nếu xếp hạng “thành phố đáng sống” thì Nha Trang đứng đầu bảng, bởi vịnh Nha Trang khí hậu ôn hòa, mật độ bão gió ít vì được bao bọc giữa nhiều dãy núi “kín bưng”. Quá lâu rồi, Nha Trang đã làm thổn thức biết bao người. Về Nha Trang dạo này, những con đường đi bộ luôn nghìn nghịt khách Tây, khách Tàu. Thế nhưng, vẫn còn đó những con đường thanh mảnh rợp bóng cây, âm vọng tiếng biển hiền hòa. Chịu khó rời xa các khu khách sạn, rẽ vào những con đường nhỏ, vẫn vẹn nguyên một phong thái gụi gần của người làng chài một thuở. Một Nha Trang nồng ấm, ngọt ngào trong từng món ăn, nét nói của những cô gái ở vùng cực Nam Trung Bộ. Phố Nha Trang vẫn thân thương những món ngon dân dã như: Bún cá, bánh căn, bánh canh, bánh xèo, bánh ướt, bánh hỏi đến các loại hải sản tươi sống đặc trưng của một miền biển Việt.
Quá lâu rồi, Nha Trang đã trở thành một thiên đường du lịch biển đảo, với nhiều thắng cảnh tuyệt tác do thiên nhiên ưu biệt. Những bãi tắm với cát trắng trải dài, những hòn đảo giữa khơi ngỡ ngàng, từ những rạn san hô thấp thoáng kỳ ảo, những ngôi đền Chăm rêu phong huyền tích. Sắc biển Nha Trang thăm thẳm ảo diệu theo từng thời khắc trong ngày. Nhiều đảo trên vịnh Nha Trang là nơi trú ngụ, làm tổ của loài chim yến, mang lại nguồn lợi trù phú cho vùng đất này. Trong những điểm đến ở Nha Trang, nhiều người lại hết sức kinh ngạc trước những khu bảo tồn biển đa dạng, hiếm thấy.
Bẵng đi một dạo, tôi lại về tắm biển Nha Trang. Nhóng mắt ra những ngọn núi xa xa, nhiều khu du lịch đã mọc lên. Ngụp lặn một hồi, tôi ngóc đầu lên nhìn vào bờ thì thấy... những tòa nhà cao tầng như những khối “trường thành” vây quanh bãi biển… vịnh đẹp thế giới.
Thế nhưng, nói chi thì nói, trong tôi vẫn vẹn nguyên một Nha Trang lắng sâu bình dị, căng tràn sức biển. Đô thị phía nam miền Trung này đang đông đúc từng ngày, hấp lực bao người tứ xứ. Thế nhưng, ai biết về nơi đây đều vẫn nhận ra phố biển vẫn là điểm đến của sự thân thiện, yên bình, với vẹn nguyên sức hội tụ và lan tỏa mang tinh thần, thương hiệu Nha Trang.
ĐÀO ĐỨC TUẤN
(Cựu học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin