22:15, 31/07/2024

Những “cửa ngõ” vào thành phố

KIM DUY

1. Vừa rồi, mấy anh em trong gia đình tôi tổ chức đi miền Tây chơi. Ngồi trên xe, anh tôi bỗng nói: “Lâu lắm rồi anh chưa về Nha Trang”. Tôi ngạc nhiên: “Anh mới về cuối năm ngoái dự đám cưới con cậu Bảy mà”. Anh nói: “Về Nha Trang có nghĩa là chạy xe máy khắp thành phố, lang thang ra biển chụp hình; ăn bánh căn, bánh ướt, bún sứa, mì Quảng, nem nướng, bánh xèo... cho đã thèm mới gọi là về Nha Trang. Sáng bay ra, khuya bay vô thì không gọi là về Nha Trang”. Bỗng dưng tôi nghĩ, thật hạnh phúc cho những ai có một Nha Trang để về. Nha Trang trong lòng mỗi người có thể là những cảm xúc khác nhau, nhưng phố, biển và món ăn có lẽ là mẫu số chung cho nỗi nhớ của tất cả mọi người.

Hôm ấy, chúng tôi có dịp ôn lại kỷ niệm những năm 80, mới ra trường về Nha Trang làm việc, trưa ngủ bàn với lon Guigoz cơm má nấu cho mang theo mỗi ngày.

Đường Thành - Nha Trang khi ấy chưa mở rộng như bây giờ, hai bên đường có những đoạn “đồng không mông quạnh”, đèn đường chỗ có chỗ không. Chiều tan sở, loanh quanh nán lại trong thành phố cao lắm đến 8 giờ tối, sau giờ đó hiếm ai dám đạp xe về Thành.

Khoảng năm 1985, ba mua cho tôi chiếc xe Honda PC màu đỏ, hai chị em tôi chở nhau đi làm. Chiếc xe được sơn mới chứ máy móc tệ lắm, bị chết máy liên tục, thường là nghẹt xăng. Hồi đó, bạn bè trang lứa ở Thành làm việc ở Nha Trang cũng khá, thỉnh thoảng có bạn nhắc lại hình ảnh hai chị em tôi loay hoay bên đường mỗi khi chiếc xe trở chứng. Đường về vì xe không có đèn nên tôi chạy chỉ bằng vận tốc xe đạp, hai bên đường thì tối, “dàn đồng ca” ếch, nhái, ễnh ương râm ran càng tăng thêm nỗi sợ. Một kỷ niệm thật khó quên trên con đường lồi lõm ổ gà, đèn đường hiu hắt một thời...

Rồi Nha Trang thay đổi dần. Năm 2000, đường Thành - Nha Trang (đường 23 tháng 10) được mở rộng. Đường đôi (có dải phân cách giữa), đèn đường sáng trưng. Vẫn 10 cây số nhưng cảm giác gần hơn...

2. Đến năm 2003, Nha Trang vẫn chưa có cây cầu vượt nào. Thành phố nhỏ nhắn êm đềm chưa thấy bức bối lắm về giao thông. Rồi bắt đầu từ cầu vượt Hòn Chồng, tôi mơ những con đường thành phố mở rộng với những luồng xe chạy trên cao...

Có đi xa trở về, chạy xe lòng vòng mới thấy sự đổi thay của thành phố, những con đường. Tôi ra hướng bắc trên đường Phạm Văn Đồng rồi vòng qua Quốc lộ 1, ngắm cửa ngõ vào thành phố ở phía này thật khang trang khi cầu vượt ở chân đèo Rù Rì hoàn thành vào năm 2019. Những đường cong mềm mại mà mạnh mẽ khiến tôi khá hào hứng khi đứng ở một nơi an toàn giương máy hình và hình dung sự thay đổi ở những cửa ngõ khác dẫn vào thành phố.

Cầu vượt ở đèo Rù Rì.
Cầu vượt ở đèo Rù Rì.

3. Năm 2018, tôi chuyển nhà từ phố lên cây số 5, khi ấy nút giao thông Ngọc Hội đang thi công, tôi thường đi đường Cao Bá Quát, rẽ qua đường Võ Nguyên Giáp và vòng ở vòng xoay Vĩnh Thái ra đường 23 tháng 10. Tôi thích đi đường này vì nhiều lẽ, nhất là qua chợ Vĩnh Thái. Chỉ là tôi ghiền món chè đậu ván khi trên đường làng quê có mấy hàng chè bày ra rất mời mọc. Thích nhất mỗi sáng sớm tắm biển về, ghé mua bịch chè đậu ván hay khoai sáp, sâm bổ lượng, tôi chạy xe thật chậm để xem còn thứ quà quê gì của ngày xưa, như một cách đánh thức ký ức. Ra khỏi trung tâm thành phố, những chợ quê như: Chợ Vĩnh Thái, chợ Ga, chợ Ngọc Hiệp, Vĩnh Ngọc... thường giống nhau về hàng hóa, sản vật, món ăn...

Nút giao Ngọc Hội. Ảnh: Mạnh Hùng
Nút giao Ngọc Hội. Ảnh: Mạnh Hùng

Cuối năm 2023 tôi về, thật sung sướng khi được chạy xe một mạch từ nhà xuống Nha Trang qua nút giao thông Ngọc Hội đã thi công xong 3/4 nhánh. Dừng lại trên cầu vượt nhìn bao quát thành phố mới nhận ra một vẻ đẹp rất khác ở phía này của Nha Trang. Lần đầu tiên tôi thấy tượng Kim Thân Phật Tổ của chùa Long Sơn từ phía sau. Dòng sông Quán Trường mềm mại bên dưới, cây cầu sắt xe lửa... Phía trước mặt, con đường đổ dốc dài thật đẹp, xa xa là núi, hai bên cũng là núi và chỉ còn vài cây số nữa thôi sẽ đến biển. 

Tôi thích ngắm Nha Trang, tìm góc nhìn mới lạ mỗi khi đi qua hai cửa ngõ từ nút giao thông Ngọc Hội hay từ đường Võ Nguyên Giáp, phía nào cũng đẹp, khang trang.

Tôi thấy mình đang nhớ Nha Trang, nhớ biển, nhớ những con đường, quán quen trong thành phố...

KIM DUY