Có một điều thú vị ở TP. Nha Trang mà ít ai chú ý tới là dưới chân núi Chụt (hay còn gọi là núi Cảnh Long) có 2 làng: Cửa Bé nằm ở phía tây núi Chụt được gọi là làng Trường Đông, Chụt nằm ở phía đông núi Chụt được gọi là làng Trường Tây. Cả hai làng đều có đình làng.
Hồi đó, đường dọc biển về hướng nam chỉ đến Cầu Đá, cảng... Có một con đường mòn trên núi nhỏ hẹp, cheo leo qua Cửa Bé chỉ dành cho dân đi rẫy. Từ Cửa Bé sang Chụt phải băng qua những động cát ở Bình Tân - là tôi nghe kể lại chứ hồi ấy mỗi lần xuống nhà bạn ở Cửa Bé chơi, trong ký ức của tôi đường đi loanh quanh lắm; mỗi lần đi, tôi phải hỏi đường... Đó là chuyện ngày xưa cách đây hơn 40 năm!
Cửa Bé. |
Rồi dần dà, từ Nha Trang đến Bình Tân mà cứ ngỡ như đi trong phố. Con đường cát, hai bên đầy dương liễu chỉ còn trong ký ức. Con đường xương sống ở Cửa Bé được mở rộng, nhà xây cất lại, mặt tiền na ná nhau, tôi tìm nhà bạn phải hỏi thăm mấy lần. Khi ấy con đường chính này vẫn là đường cụt, đi hết con đường là núi. Và bất kỳ con hẻm nhỏ nào cũng dẫn ra vùng cửa biển có những bến cá nhỏ, tàu thuyền ra vô sôi động mỗi ngày. Trong những con hẻm, nhà san sát muốn bít hết lối đi vốn đã hẹp. Đủ các loại quà vặt từ bánh canh, bún cá vốn là thế mạnh của làng chài cho đến các món du nhập từ nơi khác như: Bún bò, phở, hủ tiếu… được bày bán. Mùi mắm lúc phảng phất, lúc xộc nồng. Ngày xưa có một người nói với tôi, vịnh Nha Trang nhiều cá lắm, cả túi cá theo dòng hải lưu, mùa gió đông bắc, cá tấp vô vịnh, biển ấm nhờ có Hòn Tre che khuất, cá vô ở cả tháng. Trời động vẫn có cá. Do vùng biển cát trắng nên con cá làm mắm mùi thơm, vị thanh.
Hết đường hẻm, bầu trời mở ra thoáng đãng. Bên kia là núi. Những chiếc thuyền neo đậu xếp lớp trong ngoài. Phía khác, thủy triều xuống lộ ra lớp bùn đen, lởm khởm đá, mấy chiếc ghe sơn màu xanh, đỏ. Những con chim mỏ nhác chập chạ sà xuống, dò bước tìm kiếm rồi chậm chạp bay lên. Vài chiếc thúng thong thả trở về, những người đàn ông nghiêng thúng lăn lên bờ, úp lại. Buổi sáng, cá lưới hai sắp vô, thoáng chốc bến cá tấp nập đông đúc, cảm giác như người ở đâu bỗng dưng hiện ra chật bến. Tiếng ồn vào giai đoạn cao trào bởi những cuộc tranh cãi, giành nhau mối hàng... Đó cũng là chuyện của 20 năm trước.
Sau khi nghỉ hưu 10 năm trước, tôi nhận làm về năng suất chất lượng cho một công ty ở Bình Tân. Chiều tan sở mùa đông lạnh, thèm ăn tô bánh canh ở Cửa Bé, tôi từ đường Trường Sơn đi qua đường Võ Thị Sáu, loanh quanh một chút ở Cửa Bé rồi đi đường vòng qua núi, xuống khu Vinpearl, Cầu Đá, qua Chụt, theo đường biển về nhà. Tuy đi như vậy phải xa hơn khoảng 3 cây số nhưng tôi thích vì được ngắm biển, ngắm con đường mới mà tôi đoán có lẽ từ con đường nhỏ hẹp ngày xưa dành cho dân đi rẫy!
Còn hôm nay đến Cửa Bé, tôi thật sự ngỡ ngàng vì sự thay đổi ở nơi đây. Từ lối vào chính đường Võ Thị Sáu, tôi rẽ đường xuống chợ Vĩnh Trường mới được dời về từ khu vực cảng cá bây giờ vài năm nay. Những chiếc xe cẩu vẫn đang làm nhiệm vụ mở rộng đường cho khu phố mới, nhà cửa đa phần xây lại khang trang mà tên đường là những con số. Tôi vòng ra bến cá Vĩnh Trường, cảnh tấp nập chỉ là cá, không còn chung với chợ tạp hóa, thịt, rau. Một con đường rộng thoáng từ bến cá ôm biển chạy hết khu Cửa Bé, có trung tâm đào tạo thuyền viên, bến tàu du lịch đi các đảo. Một sự đổi thay quá ngoạn mục khi con đường xương sống không còn vị thế chủ đạo. Đi trên con đường khang trang này còn được ngắm biển phía tây, ghe thuyền về đậu san sát, bên kia là dãy núi mà tôi đã từng lên một ngọn núi có tên là Núi Ông, nhìn toàn cảnh Cửa Bé trong một buổi chiều nắng vàng rất đẹp. Con đường bông giấy với dãy bích họa chạy dài mà tôi nghĩ đẹp không thua làng bích họa Tam Thanh ở tỉnh Quảng Nam một lần tôi đến. Mỗi nơi một vẻ, nhưng ở Cửa Bé, trong cái vẻ mềm mại của hoa giấy mùa hè lại có nét mạnh mẽ của nguồn lợi thủy sản và bến tàu du lịch... Bên dưới những tàng hoa giấy rộng, những người phụ nữ ngồi vừa chuyện trò, vừa đan lưới, một bức tranh Cửa Bé thật giản dị, bình yên.
Tôi lại nhớ những ngày nôn nao chờ con đường qua núi làm xong để nhìn ngắm sự thay đổi của vùng núi Cảnh Long. Bên dưới là những khu đô thị mới, rồi qua khu vực cáp treo... Có một lần, tôi lên núi theo đường mòn đến nơi cao nhất ngắm toàn cảnh vịnh Nha Trang với những hòn đảo trước mặt như: Hòn Miễu, Hòn Tằm, Hòn Tre, Hòn Một, thật xa là Hòn Rơm ẩn hiện... Tôi như say với vịnh đẹp được đánh giá là một quần thể thiên nhiên đặc sắc hiếm thấy. Khu dân cư Cầu Đá nằm lưng chừng núi. Nhìn về TP. Nha Trang, bờ biển cong vòng hình chữ C, thấy được cả cụm di tích Hòn Chồng, Hòn Đỏ… trong tầm nhìn xa khoảng 20km qua zoom máy ảnh của tôi.
Tôi chạy xe hết con đường từ phía tây qua phía đông núi Cảnh Long. Chụt hôm nay cũng đang thay đổi. Nhớ ngày xưa không lâu lắm, tôi đi “săn” ảnh vào mỗi sáng sớm. Sáng biển “đầy”, đứng trên nhìn xuống, ghe thuyền về đậu trông thanh bình. Chiều nước xuống lộ ra bãi cát, gành đá thì đầy hàu, rong. Đi một vòng Chụt, dãy nhà chồ tạm bợ. Lũ trẻ con chơi bóng, hụp lặn trên biển dưới chân núi, cách đó chưa đến 20m ghe thuyền đậu đầy. Và hôm nay, bờ kè ở Chụt đã dần xong, thay đổi hoàn toàn bộ mặt của “ban công” nhìn ra biển. Vẫn còn một số nhà chồ đang chờ đổi mới. Và tôi cũng đang chờ một ngày quay lại thấy Chụt khang trang, đẹp đẽ hơn.
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin