Trong ký ức tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với những ngôi trường. Với tôi, những ngôi trường ở Nha Trang nơi tôi theo học từ thuở nhỏ đã in dấu nhiều kỷ niệm, giờ mỗi lần nhắc đến đều thấy lâng lâng cảm xúc…
Trường Xương Huân - ngôi trường nằm trên đường Hai Bà Trưng là nơi tôi theo học từ thời còn là cô bé con chập chững cấp tiểu học đến năm học lớp 8. Nơi đây tôi có biết bao kỷ niệm đẹp thời thơ ấu. Dấu ấn còn mãi đến tận bây giờ là thứ Hai đầu tuần, dưới cột cờ, sau khi cùng thầy cô và các bạn hát Quốc ca, Đội ca, tôi được nghe cô Dung - Tổng phụ trách tuyên dương vì thành tích học tập trong tuần. Cảm giác tự hào, hãnh diện ấy lớn dần theo khi mỗi cuối học kỳ, cuối năm học, lòng tôi sướng rơn khi nghe cô Hiệu trưởng Lê Thị Hồng Điều đọc tên (kèm theo chức vụ lớp trưởng) đạt thành tích học sinh giỏi toàn diện. Đến lớp 5, khi tôi giành giải 3 môn Văn toàn quốc - cũng dưới cột cờ kỷ niệm giữa sân trường, tôi được cô Hiệu trưởng trao cho phần thưởng là một chiếc cặp đeo sau lưng và cuốn truyện tranh Bu-ra-ti-nô do Liên Xô tài trợ. Phần thưởng ấy theo tôi như báu vật suốt chặng đường dài.
Trường Xương Huân cũ. |
Tôi quên sao được những giờ ra chơi cùng lũ bạn chơi nhảy dây, chơi lò cò, chơi banh thẻ, chơi năm mười… giữa sân trường rộng mênh mông với cây me tỏa bóng mát dịu dàng ôm lấy tuổi thơ đẹp! Tôi quên sao được những thầy cô kính yêu đã dìu dắt, cho tôi những kiến thức đầu đời…
Dấu ấn trở thành bước ngoặt lớn của tôi là đến cuối năm học lớp 8, tôi được tuyển vào Trường năng khiếu Trần Quốc Toản - ngôi trường là một dãy lầu nằm sát đường Nguyễn Chánh - trong khuôn viên của Trường THCS Thái Nguyên. Nói là trường nhưng chỉ có 3 lớp 9 (9 Văn, 9 Toán, 9 Anh). Lớp 9 Văn của tôi năm ấy chỉ có 10 bạn được tuyển từ các trường trong thành phố về với thầy chủ nhiệm dạy Văn Nguyễn Xuân Khanh nổi tiếng dạy giỏi, thầy Thừa dạy đội tuyển phụ trách chủ đề về Bác Hồ… Làm sao tôi có thể quên cách vẽ hình bằng compa như họa sĩ của thầy Tường, cô Liên dạy Toán; nói và dạy tiếng Anh hay như người nước ngoài của thầy Lai, cô Nuôi và nhiều thầy cô khác luôn chăm chút cho lũ học trò chúng tôi. Nơi đây tôi đã có một năm học cuối cấp đẹp như cổ tích tuổi 15. Đó là tình thầy trò mà đến tận bây giờ chúng tôi mỗi lần có dịp vẫn đến nhà thầy Khanh “tám” đủ thứ chuyện hồi xưa ở ngôi trường cũ. Quên sao được những tình bạn trong veo như pha lê mà đến tận bây giờ vẫn hồn nhiên nắm tay nhau mỗi khi gặp lại, vẫn nhắc đến những kỷ niệm hồi đi học của tuổi học sinh “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, tất cả tựa như mới hôm qua…
Một tấm hình lưu niệm cũ tác giả chụp cùng thầy và bạn trong khuôn viên Trường THCS Năng khiếu Trần Quốc Toản. |
Với thành tích đạt được trong năm học lớp 9 và một số giải học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh…, tôi được miễn thi chuyển cấp và được tuyển vào Trường Chuyên Lê Quý Đôn - Phú Khánh (ngày ấy trường đặt tại số 79 Trần Nguyên Hãn). Ngôi trường đem đến cho tôi quá nhiều ký ức đẹp của thanh xuân, nơi tôi có thể thể hiện tài chơi trống trong đội văn nghệ của trường với các anh chị lớp trên, cháy hết mình trong những buổi văn nghệ của trường; nơi tôi và các bạn được dạy dỗ, đào tạo bởi những thầy cô rất giỏi về chuyên môn mà sau này ai đó nhắc đến đều dành cho họ sự ngưỡng mộ, nhất là từ “lò” Trường Lê Quý Đôn như: Thầy Tĩnh, thầy Nguyễn Mai Trung Quốc, thầy Lê Đức Định, thầy Lê Tấn Phước, thầy Thanh, thầy Dũng, cô Minh, cô Nga, cô Nhung, cô Phước Hòa, cô Chinh, cô Vân, cô Hạnh Phúc… Thời bao cấp, cô trò cùng khổ nên có nhiều chuyện mà sau này nhắc lại còn cười ra nước mắt, như chuyện tôi lén đem bán lại cho cô Tuyến kế toán mấy ký gạo (để mua truyện đọc) trong số tem phiếu mà học sinh trường chuyên được tiêu chuẩn! Rồi những lần kiểm tra thót tim, những ngày thi mướt mồ hôi vì bài tập hóc búa; những ngày lên lớp với cái bụng trống rỗng; những lần nát óc làm bài Văn cho mấy đứa con trai lớp khác… vì sợ chúng giận mình học lớp Văn mà làm bài bị điểm thấp… Chúng tôi đã có những tình bạn thật đẹp với các bạn ở Phú Yên, khi các bạn xa quê vào đây học, cùng chia nhau củ mì, củ khoai, cùng thắp đèn học bài thâu đêm và cùng bày ra những trò nghịch ngợm ở khu nội trú chật chội nhưng đầy ắp tiếng cười và tình yêu thương… Những năm tháng thanh xuân ấy là một phần ký ức không thể quên, nó khiến chúng tôi giờ đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn gắn bó với nhau, vẫn nhắc nhớ nhau rằng mình là những mảnh ghép rất đáng yêu của ngôi trường thương hiệu Lê Quý Đôn…
Giờ đây, Nha Trang quê tôi đã thay đổi quá nhiều, những ngôi trường đã được xây mới, trong đó có Trường Trưng Vương - nơi tôi đã đứng trên bục giảng suốt mấy chục năm qua, nơi hàng ngày tôi vui buồn với nghề cầm phấn - nơi chất đầy ký ức với nhiều thế hệ học trò.
Nha Trang giờ đây đã trở thành thành phố du lịch nổi tiếng hiền hòa xinh đẹp, bạn tôi giờ đây đã trở thành những giáo viên, giảng viên, bác sĩ, kỹ sư trên khắp đất nước, học trò tôi cũng đã tung bay khắp muôn nẻo… Còn tôi vẫn ở lại nơi này, chọn cho mình nghề cầm phấn, mỗi ngày đến lớp với tiếng giảng bài cùng các bạn trò nhỏ, được đi trên những con đường thẳng tắp, lắng nghe thanh âm của tiếng sóng biển rì rào, tự hào nhìn quê mình ngày một tươi đẹp. Nha Trang trong tôi là một tình yêu đẹp, vì nơi đó có gia đình, có bạn bè, có những ngày xưa yêu dấu… Bởi vậy, mỗi lần đi xa, ai đó hỏi rằng tôi từ đâu đến, tôi đều trả lời bằng hai tiếng Nha Trang với cảm xúc tự hào…
LÊ QUỲNH VY
(Giáo viên Trường THCS Trưng Vương)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin