Thuần chỉ tay hướng về cây dừa, nói với tôi: “Cây dừa đó hồi bạn của nhỏ em đến nhà chơi, đem theo cây con trồng, dễ chừng hơn 40 năm rồi”. Tôi nhìn cây dừa cao ở tít góc vườn, những tán dừa đung đưa trong gió nổi trên nền trời xanh trông đẹp lãng mạn khiến tôi liên tưởng đến người trồng nó đã từng lui tới đây rất nhiều lần và để lại một “vật” kỷ niệm thật nên thơ, dài theo năm tháng.
Nhà bạn tôi vẫn còn cây dừa cao nằm ở góc cuối vườn. |
Thuần hướng mắt về dải phân cách, nói: “Hồi đất nhà tới giữa dải phân cách, không nhớ rõ mấy ngàn mét vuông. Năm đám cưới mình, các bạn đi vòng trong ngõ qua lùm tre, không nhớ sao?”.
Tôi lắc đầu, không tài nào hình dung ra khu vườn nhà Thuần một thời tuổi nhỏ chúng tôi hay đến chơi với chôm chôm, bưởi, sầu riêng và nhiều loại cây ăn trái khác. Sau này, dẫu có đi nhiều nơi, ăn nhiều loại trái cây, tôi không tìm thấy khu vườn nào ấm áp tình thân bè bạn với những thứ trái cây tuyệt hảo thời thơ ấu ấy.
Hồi đó, để đến nhà Thuần (ở xã Diên An), chúng tôi chỉ cần nói “ngõ vô chùa Thiên Lộc”, đi một hồi là đến. Con đường nhỏ, quanh co hai bên nhà nào cũng vườn rộng thênh thang. Chùa Thiên Lộc hồi ấy cũng là một điểm tới lui thú vị của lũ học trò nhỏ bởi khu vườn xanh um, yên tĩnh thơ mộng, bên cạnh có con sông Cạn ngoằn ngoèo với những lùm tre dày, đầy bí mật.
Còn một cái tên khác là “ngõ quán bà Đề”. Một lần tôi đem thắc mắc hỏi một người quen sinh năm 1944, hiện ở Diên An, bà Đề là ai khi trong ký ức của tôi, đầu ngõ ấy có cái quán cũ kỹ bán đủ thứ linh tinh. Ông kể rằng, hồi ông còn nhỏ cũng chỉ nghe người lớn nhắc tới quán bà Đề chứ không thấy cái quán bà Đề. Tuổi học trò của ông, hơn 60 năm trước chỉ còn lưu lại hình ảnh 2 cái quán đầu đường bán lặt vặt, cách nhau trăm mét. Nhưng nghe mẹ ông (sinh năm 1918) kể, từ thời bà còn bé đã biết quán bà Đề rồi. Như vậy, cái tên “quán bà Đề” tồn tại đến nay dễ chừng cả trăm năm. Theo sự hiểu biết của ông thì bà Đề là vợ ông Đề Lại, một chức quan văn nhỏ thời Nguyễn, làm việc ở Dinh Tuần Vũ trong Thành (một trong các cơ quan hành chính trong Thành xưa), thời trong Thành có hành cung, nơi nghỉ chân của vua chúa mỗi lần vi hành qua đây (ở vị trí bây giờ là Trường Phan Chu Trinh). Bà Đề mở quán bán ngay đầu đường, hình thành nên một địa danh gọi theo thói quen của người địa phương.
Tại sao tôi lại nhắc đến một địa danh ở Diên Khánh khi tôi muốn nói về Nha Trang?
Hồi nhà cũ của tôi ở đường Trần Bình Trọng, băng hết con đường Phù Đổng dài khoảng 300m là đến đường Cao Bá Quát. Khoảng năm 2012, tôi đã nghe nói đến dự án đường Cao Bá Quát - Cầu Lùng nhưng hồi ấy tôi chưa hình dung con đường này như thế nào. Rồi con đường mở ra. Khi ấy, tôi nhớ mình nôn nao lắm, thỉnh thoảng tôi chạy xe men theo từng chút xem con đường đang làm với những xe ủi, xe lu, những cây cầu to rộng... Tôi càng không thể hình dung con đường này đi băng qua vườn nhà Thuần vì khi ấy chúng tôi ít gặp nhau. Đó là đường Võ Nguyên Giáp. Tôi đọc các thông tin trên báo: “Tuyến đường này dài khoảng 11km, chạy qua nhiều xã, phường của TP. Nha Trang và huyện Diên Khánh. Trong đó, đoạn TP. Nha Trang dài 6,2km, đoạn huyện Diên Khánh 4,8km”.
Tôi đi xa trở về, bạn bè rủ nhau đến nhà Thuần chơi, thật ngỡ ngàng khi thấy một ngôi nhà đẹp, bề thế nằm ngay mặt tiền đường rộng khiến tôi khá vất vả tạo nên mối liên kết hiện tại và quá khứ - cái ngày còn bé đến nhà bạn chơi, những năm 70.
Đường Võ Nguyên Giáp nhìn về hướng cầu Lùng. |
Thuần kể, năm 2015 bạn bắt đầu làm lại nhà. Chỉ tay qua tít bên kia đường, Thuần nói con mương dưới cầu mới đào khi làm đường, trước kia không có. Mương này thông nước từ cầu sông Cạn chảy vòng qua phía sau chùa Thiên Lộc. Tôi lờ mờ láng máng một vùng mênh mông bát ngát cây vườn, nhường chỗ cho con đường mới, thuận tiện giao thông, giảm tải cho quốc lộ và chính những con đường mới này đã tạo cho TP. Nha Trang một diện mạo mới, một tầm vóc của thành phố phát triển.
Những khi trở về, tôi thích chạy xe trên đường Võ Nguyên Giáp vào buổi chiều. Từ Nha Trang lên Thành tôi đi đường 23 tháng 10, đến cầu Lùng tôi quay về đường Võ Nguyên Giáp. Tôi nhìn về Nha Trang, những tòa nhà cao ẩn hiện theo độ cong của con đường. Ngắm thành phố hoàng hôn có màu xanh dịu nhẹ của mây và còn sót chút ánh nắng vàng. Một lối vào Nha Trang thật khang trang, đẹp đẽ.
Có một điều khá thú vị với riêng tôi, nếu đi đường 23 tháng 10 từ Thành về hướng Nha Trang, tôi có thể rẽ bất kỳ con đường ngang nhỏ nào cũng có thể băng ra đường Võ Nguyên Giáp. Những con đường liên thôn, liên xã sạch đẹp, quanh co lượn theo con sông Đồng Đen thông vào một cái bầu dẫn tôi đi miết mà nhắm mắt lại tôi biết mình không thể lạc đường vì lối rẽ nào cũng về được Nha Trang. Loanh quanh trên những con đường rẽ này, mùa xuân tôi ngắm hoa mai vàng rực ở những vùng trồng hoa lâu đời của Nha Trang như: Vĩnh Trung, Võ Kiện, Bình Cang... Mùa hè, tôi ngắm màu phượng vỹ rực rỡ trên những con đường làng.
Trăm năm qua rồi, từ cái quán bà Đề một thời tuổi thơ vụng dại ấy có ai ghi lại giùm tôi kỷ niệm để cho tôi có dịp nhớ về? Cái tên quán bà Đề có lẽ giờ chỉ những người ở thế hệ tôi còn nhớ, lớp trẻ sau này có ai thắc mắc tên gốc của con đường “Bà Đề” hôm nay?
Và ký ức thật dịu dàng khi tôi nghĩ về một mối tình học trò xa xưa, cây dừa trồng ở góc cuối vườn ghi nhớ một kỷ niệm đẹp!
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin