15:13, 05/05/2024

Vận chuyển lương thực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sức mạnh lòng dân

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã xác định: Đây là một chiến dịch công kiên lớn, đánh dài ngày, khối lượng cung cấp tiếp tế rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu vật chất to lớn cho Chiến dịch, Trung ương Đảng và Bác đã huy động cả nước cùng ra trận với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, cả nước đều hướng ra mặt trận. Cán bộ, nhân dân các khu, các tỉnh chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, mưa lũ nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu chiến đấu của bộ đội; dân công, thanh niên xung phong... gấp rút mở đường để vận chuyển lương thực, thực phẩm vào mặt trận.

“Binh chủng” xe đạp thồ trên đường lên Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
“Binh chủng” xe đạp thồ trên đường lên Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Nhằm ngăn cản bước tiến của bộ đội Việt Minh, quân đội Pháp đã trút hàng nghìn tấn bom xuống tất cả các con đường lên Điện Biên Phủ, họ còn định làm mưa nhân tạo nhằm làm sụt lún các con đường vận chuyển lương thực của ta. Nhưng mọi nỗ lực đó của Pháp không thể đánh bại được ý chí kiên cường của quân và dân ta, mọi tuyến đường vận chuyển vẫn đảm bảo lưu thông không bị cắt đứt quá 24 giờ.

Để vận chuyển hàng hóa lên Điện Biên Phủ, ta đã huy động các phương tiện từ xe cơ giới đến thô sơ như: ô tô, thuyền, bè, mảng, xe cút kít, xe đạp thồ, xe trâu, xe quệt, gùi để vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực vào mặt trận Điện Biên Phủ.

Một trong những phương tiện thô sơ nhất mà dân công ở các tỉnh đồng bằng đã sử dụng trong quá trình vận chuyển lương thực trên những đoạn đường bằng phẳng đó chính là xe cút kít. Trong chiến dịch, ta đã huy động được 7.000 xe, mỗi xe vận chuyển trung bình từ 80 - 100kg. Nhưng dân công Trịnh Đình Bầm tỉnh Thanh Hóa đã nâng tải trọng xe của mình lên đến 280kg/chuyến.

Đặc biệt lực lượng hậu cần phục vụ chiến dịch còn có “binh chủng” xe đạp thồ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ta đã huy động được 20.991 chiếc xe, trung bình mỗi chiếc có thể vận chuyển được từ 100kg đến 150kg lương thực. Nhưng dân công Ma Văn Thắng tỉnh Phú Thọ đã nâng tải trọng chiếc xe lên đến 337kg/chuyến.

Trong toàn chiến dịch, theo tổng kết, ta đã vận chuyển được 25.056 tấn gạo, 268 tấn muối, 907 tấn thịt, 1.860 lít dầu ăn, 280kg mỡ động vật, hàng nghìn tấn rau xanh, 917 tấn thực phẩm khác. Để vận chuyển được khối lượng khổng lồ đó, ngoài lực lượng xe cơ giới, chúng ta đã huy động tới 261.451 lượt người đi dân công, 628 ô tô, 20.991 xe đạp thồ, 11.899 bè mảng, 914 con ngựa thồ và 736 chiếc xe trâu.

Khi chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc, chính Nava - Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã phải thừa nhận rằng: Một trong những lý do khiến ông ta thất bại trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính bởi những chiếc xe đạp thồ đơn giản, thô sơ được điều khiển bởi những người dân công Việt Minh ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ ngay trên những mảnh nilông ở bìa rừng, nhưng lại có khả năng điều khiển những chiếc xe đạp có trọng tải hàng trăm ki lô gam đã đánh bại các loại vũ khí tối tân hiện đại như xe tăng và pháo lớn của quân đội Pháp.

Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó sự đóng góp của lực lượng dân công là vô cùng lớn. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” lực lượng dân công với những phương tiện thô sơ đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh để vận chuyển hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch góp phần quan trọng vào chiến công vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Hiện nay, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã dành riêng một không gian để trưng bày các tài liệu, hiện vật và tái hiện khung cảnh sinh động của những đoàn xe đạp thồ từ Thanh Hóa lên, đoàn ngựa thồ từ Lai Châu xuống, những chiếc xe quệt, và những đoàn ô tô nối đuôi nhau băng qua đèo cao, vực thẳm. Những đôi bung, đòn gánh, chiếc gùi, lu cở, quang gánh kĩu kịt trên vai của chị em dân công đã cùng nhau vượt qua bao bãi mìn, hố bom, núi cao vực thẳm, cùng nhau chung sức đồng lòng vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch.

Thông qua những tài liệu, hiện vật đang trưng bày, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hi vọng tái hiện một phần nào hình ảnh công tác vận chuyển lương thực, thực phẩm phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua đó giúp khách tham quan hiểu hơn về những đóng góp của lực lượng dân công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Theo baodienbienphu.com.vn