Những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp đến Điện Biên - mảnh đất anh hùng của Tổ quốc, nơi ghi dấu trận thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” cách đây 70 năm. Tháng 5, rất nhiều người từ mọi miền đất nước tìm về nơi này để hòa vào dòng lịch sử và chứng kiến những đổi thay trên quê hương Điện Biên…
Hai cựu chiến binh chụp ảnh lưu niệm ở Sở Chỉ huy Mường Phăng. |
1. 70 năm đã trôi qua, lòng chảo Điện Biên xưa kia giờ đã là thành phố sầm uất nhưng vẫn còn lưu dấu nhiều chứng tích lịch sử. Các đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ đưa chúng tôi đi thăm quần thể di tích gắn với trận thắng lịch sử ngày 7-5-1954. Quần thể di tích này bao gồm những địa danh: Đồi Him Lam - nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13-3-1954; Đồi Độc Lập - nơi diễn ra trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm sau đó hai ngày; Đồi D1 - hiện là nơi đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm Đờ - Cát, các đồi C, E - nơi chứng kiến quân đội Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp giành giật nhau từng tấc đất trong chiến dịch Điện Biên Phủ… Nơi nào cũng đông du khách. Có rất nhiều đoàn cựu chiến binh mặc quân phục, trên ngực lấp lánh huy chương. Họ xếp thành hàng dài để vào bảo tàng, để lên nghĩa trang thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, để chụp với nhau tấm ảnh kỷ niệm ở tượng đài… Dù xa hay gần, dường như ai tới đây cũng có những phút giây lặng người khi đứng bên những hàng dài mộ các liệt sĩ, khi lắng nghe những câu chuyện “56 ngày đêm khoét núi ngủ hầm…” của bao lớp người đã ngã xuống, hi sinh tuổi xuân để làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ…
Chúng tôi cũng đã lặng người khi viếng hơn 640 ngôi mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ đồi A1. Những ngôi mộ nằm ngay hàng thẳng lối, có rất nhiều mộ trên bia đá không có một dòng tên tuổi. Có những ngôi mộ nhìn tuổi đời lúc hi sinh còn rất trẻ, mới ngoài 20. Cách đây 70 năm, họ ra trận với khí thế hừng hực, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, bởi tất cả vì lý tưởng cách mạng, vì quê hương, đất nước. 70 năm sau, có người đã được xác định danh tính, có người không; có người đã được người thân nhận ra sau bao nhiêu năm tìm kiếm, có người mãi mãi nằm xuống với hàng chữ “chưa xác định được danh tính”. Chúng tôi thắp hương cho từng ngôi mộ, ngậm ngùi thấy trên bảng ghi danh có ghi tên 2 liệt sĩ quê ở Khánh Hòa. Chợt nhớ tới câu thơ: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh có tên như bao khuôn mặt khác/Chiến trường gần, chiến trường xa đuổi giặc/Tên làng, tên đất theo Anh/Bình yên sau cuộc chiến tranh/Anh trở về không tên, không tuổi/Trắng hàng bia những ngôi sao không nói/Rưng rưng cỏ mọc dưới chân…”.
Nhân viên quảng trang chăm sóc mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Đồi Độc Lập. |
2. Đến Điện Biên là phải tới Mường Phăng. Đây là nơi đặt Sở Chỉ huy - cơ quan đầu não của chiến dịch Điện Biên Phủ trong 105 ngày (từ ngày 31-1 đến 15-5-1954). Người dân trong vùng vẫn thường gọi khu này là “rừng đại tướng”, bởi chính tại nơi này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ chỉ huy chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7-5-1954. Vẫn còn đây những lán trại của trạm gác tiền tiêu, lán làm việc của ban cố vấn, lán tác chiến; vẫn còn đây dấu tích những bếp ăn Hoàng cầm, những căn hầm bí mật; vẫn còn đây lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bộ bàn ghế đơn sơ, chiếc giường lát nứa… Tại đây, Đại tướng đã bao đêm thức trắng để nghiên cứu tìm cách đánh mưu trí, linh hoạt cho mỗi trận đánh để giành thắng lợi. Nhiều đoàn du khách nối đuôi nhau đi trên con đường mòn dưới những tán rừng xanh mát. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Cách đây 70 năm, dù giặc Pháp đã dùng nhiều thiết bị để truy lùng nhưng chúng không bao giờ phát hiện được có một sở chỉ huy nằm gọn trong cánh rừng này. Hồi đó, người dân Mường Phăng đã ra sức tăng gia sản xuất, tiết kiệm dành phần lúa gạo tốt để chi viện cho tiền tuyến. Không chỉ vậy, hàng nghìn người dân đã tình nguyện tham gia thiết lập các hành lang bảo vệ nhiều vòng, nhiều lớp liên hoàn để vừa thuận tiện trong tiếp tế vừa đảm bảo bí mật, an toàn cho Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, chính tinh thần ấy đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử vào ngày 7-5-1954.
Gia đình anh Minh Chiến chụp ảnh lưu niệm ở Sở Chỉ huy Mường Phăng. |
Trên đường đi, chúng tôi bắt chuyện với nhiều gia đình trẻ cùng “hành quân” vào rừng. Anh Minh Chiến (Hà Nội) vừa đi vừa giải thích cho các con hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ. Anh chia sẻ, anh muốn các con mình phải hiểu về lịch sử, mà cách hiểu nhanh nhất là cùng con trải nghiệm chuyến về nguồn như thế này. Đi để biết thêm nhiều điều mà sách vở đã từng nói, đi để thêm tự hào về cách mà cha ông mình đã chiến đấu với giặc thù như thế nào. Đó cũng là suy nghĩ của Minh Tuấn - sinh viên năm 2 khoa Sử Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội: “Trước đây em chỉ biết đến chiến dịch Điện Biên Phủ qua sách vở, giờ đây được đến tận nơi mà bộ đội ta từng đóng quân, em càng thêm khâm phục và ngưỡng mộ. Đó cũng là cách học lịch sử chân thật, dễ hiểu nhất”.
Trên đường trở ra bìa rừng, chúng tôi bắt gặp một đôi vợ chồng người Pháp đang ngồi nghỉ chân, chăm chú nghe phiên dịch viên thuyết minh về chiến thắng Điện Biên Phủ. Thật bất ngờ khi được biết, cha của bà Dominiques đã từng tham gia trận đánh ở Điện Biên Phủ. Khi ấy bà mới còn là đứa trẻ 2 tuổi. Lần sang Việt Nam này, vợ chồng bà muốn đến Điện Biên để tìm hiểu về nơi mà cha của bà từng tham gia chiến đấu. “Khâm phục, ngưỡng mộ quân đội Việt Nam” là những từ đôi vợ chồng này hay nhắc tới khi được hỏi cảm nghĩ về chiến dịch Điện Biên Phủ.
Có lẽ, chuyến đi lần này họ cũng có thật nhiều cảm xúc. Và họ cũng hiểu được vì sao, 70 năm sau, nơi này vẫn còn sức hút mãnh liệt như thế. Đơn giản là vì với lịch sử, chứng tích của một cuộc chiến đã nói lên tất cả tính chính nghĩa, để thấy “Nước Việt Nam từ máu lửa/Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”...
Vợ chồng bà Dominiques tìm hiểu về chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. |
3. Dù quỹ thời gian ngắn, chúng tôi cũng cố gắng đến nghĩa trang đồi Độc Lập. Nghĩa trang rộng 5ha, là nơi an nghỉ của 2.432 liệt sĩ, trong đó chỉ có hơn 200 ngôi mộ có danh tính. Cả nghĩa trang như một vườn cây cảnh được chăm sóc hết sức cẩn thận. Những ngôi mộ nằm dưới những tán cây xanh mát mẻ, hàng ngày đều được các nhân viên quản trang chăm lo hương khói. Đã thành thông lệ, cứ vào những ngày tháng 5, nghĩa trang này lại đón nhiều dòng người tới thăm. Trong số đó, có nhiều cựu chiến binh sau 70 năm vẫn còn cố gắng tìm đến thăm đồng đội. Họ trầm ngâm bên những ngôi mộ, mắt ngân ngấn nước. Đồng đội của họ nằm lại nơi này, 70 năm sau vẫn còn chưa biết ai tên gì, quê quán ở đâu…
Người quản trang già tên Vương Xuân Thấm ở đây vẫn nhớ mãi hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần trở về thăm nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông đã tới nghĩa trang này. Ông nhớ mãi hình ảnh tướng Giáp bước đi chầm chậm từ ngoài đường vào trong khuôn viên nghĩa trang, ông lặng lẽ nhìn từng ngôi mộ, như nhìn từng chiến sĩ của mình trước giờ ra trận vào tháng 5-1954. “Đại tướng dặn dò chúng tôi phải chăm sóc nơi yên nghỉ của các anh chu đáo, cẩn thận. Không ngờ đó lại là lần gặp cuối cùng, vì những năm sau Đại tướng sức khỏe yếu không ghé đây được nữa… Chúng tôi luôn nhớ lời bác dặn, hàng ngày đều phân công trực, thay người thân chăm sóc mộ phần các anh. Đó cũng là cách tri ân những người đã nằm xuống để đất nước được thanh bình như ngày nay…” - ông Thấm nói.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã mất đi hơn 4.000 người con ưu tú, mất tích 792 người, bị thương 9.118 người. Những con số biết nói, là minh chứng cho sự mất mát trong một cuộc chiến nhưng cũng là sự kiêu hãnh cho lời thề quyết tử với non sông của các thế hệ cha anh…
Để ngày hôm nay, sống trong độc lập, tự do, hòa bình, chúng ta càng thêm trân quý giá trị cuộc sống, càng thêm ngưỡng mộ và tự hào về một chiến thắng lịch sử từ bùn, máu và hoa...
LỆ HẰNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin