21:23, 23/04/2024

KỶ NIỆM 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024)
Chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn phương Tây

XUÂN THÀNH

Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954) của dân tộc Việt Nam như “tiếng sấm” gây choáng váng đối với chính quyền thực dân Pháp nói riêng và phương Tây nói chung. 70 năm trôi qua, đã có hàng chục cuốn sách của phương Tây viết về Điện Biên Phủ. Càng ngày, sự kiện lịch sử ấy càng được soi chiếu đa dạng hơn, được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ hơn. Và dù là góc nhìn nào đi nữa, tất cả đều phải thừa nhận: Ý chí, quyết tâm và trí thông minh của dân tộc Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh bại thực dân Pháp!

Tiếng sấm Điện Biên Phủ

Cuối năm 1953, tướng Henri Navarre - Tổng Tư lệnh quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương đã cho quân nhảy dù xuống lòng chảo Điện Biên, xây dựng ở đây một tập đoàn cứ điểm nhằm thu hút chủ lực quân đội nhân dân Việt Nam tấn công, sau đó quân Pháp sẽ dùng ưu thế hỏa lực vượt trội để tiêu diệt đối phương. Tướng Navarre cũng như chính quyền thực dân Pháp đã tự tin tuyên bố tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”, đây sẽ là “nơi nghiền nát chủ lực Việt Minh”. Chính vì vậy, khi quân đội Việt Nam tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, bắt sống tướng De Castries và toàn bộ quân chỉ huy của giặc Pháp vào chiều 7-5-1954, chính quyền thực dân Pháp và phương Tây đã choáng váng. “Cả nước Pháp bàng hoàng. Tại Paris dân chúng tập trung thành đám đông tấn công đoàn xe chính phủ đi dự lễ kỷ niệm và ném đá vào ô tô. Khắp nơi trong nước hàng nghìn cuộc mít-tinh đòi hòa bình… Tại quốc hội, các nghị sĩ la hét dữ dội từ chối bỏ phiếu tín nhiệm, đến mấy ngày sau Laniel (Thủ tướng Pháp) phải từ chức”, nhà sử học Cecil B.Currey thuật lại trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thất bại ở Điện Biên Phủ đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người Pháp nói riêng và phương Tây nói chung. Sau này, trong cuốn sách Tấn thảm kịch Đông Dương, Thủ tướng Pháp Joseph Laniel đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những cái tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà... Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”. 

Một số tác phẩm của phương Tây viết về trận Điện Biên Phủ
Một số tác phẩm của phương Tây viết về trận Điện Biên Phủ

Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc Việt Nam đã khích lệ nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đứng lên giành độc lập. Chỉ trong 6 năm sau sự kiện "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của Việt Nam, trên thế giới đã có thêm 36 nước giành được độc lập, riêng châu Phi (phần lớn là thuộc địa của Pháp) có tới 20 nước. “Trên toàn thế giới, trận Waterloo (trận thảm bại của Napoléon trước liên quân Anh - Đức năm 1815) cũng ít có tiếng vang hơn. Điện Biên Phủ thất thủ gây ra một sự kinh hoàng ghê gớm. Đó là một trong những thất bại lớn của phương Tây, báo hiệu sự tan rã của các thuộc địa và sự cáo chung của một nền cộng hòa. Tiếng sấm của sự kiện Điện Biên Phủ vẫn còn âm vang”, sử gia người Pháp Jules Roy viết trong sách Trận Điện Biên Phủ (bản dịch tiếng Việt được mang tên Trận Điện Biên Phủ - dưới con mắt người Pháp). 20 năm sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Jean Pouget (sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của Navarre) đã viết trên báo Le Figaro: "Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của thời đại chủ nghĩa thực dân và dấy lên thời đại độc lập của thế giới thứ ba. Ngày nay ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ không có một cuộc nổi dậy hoặc một cuộc khởi nghĩa nào là không chịu tác động bởi chiến thắng của tướng Giáp. Nếu ngày 14 tháng 7 (quân Pháp phá ngục Bastille) đã trở thành ngày Quốc khánh Pháp thì ngày 7 tháng 5 cũng trở thành ngày phi thực dân hóa trên toàn thế giới". 

Sức mạnh của dân tộc Việt Nam

70 năm qua, các tướng lĩnh của Pháp cùng nhiều sử gia, nhà báo phương Tây đã dành nhiều công sức để viết về trận chiến Điện Biên Phủ. Tất cả đã cố gắng trả lời câu hỏi, vì sao một đất nước vừa giành độc lập, tiềm lực yếu như Việt Nam lại có thể đánh bại đội quân hùng hậu của nước Pháp với sự hậu thuẫn của Mỹ. Và dù muốn hay không, tất cả đều thừa nhận đó là một cuộc chiến mà người Pháp không có cơ may chiến thắng bởi quân và dân Việt Nam ra trận với quyết tâm sắt đá bảo vệ độc lập dân tộc, còn đội quân Pháp chiến đấu không vì một lý tưởng nào cả. Đối chọi với sức mạnh, quyết tâm của dân tộc Việt Nam là đội quân viễn chinh Pháp chiến đấu chỉ vì một thứ gọi là “danh dự nhà binh” rất mơ hồ như Đại tá P. Langlais (chỉ huy phó của De Castries ở trận Điện Biên Phủ) thừa nhận về sau.  

Quân và dân Việt Nam ra trận với quyết tâm cao nhất. Có cảm tưởng như cả nước cùng ra trận, tất cả đều hướng lên Điện Biên. Không gì có thể ngăn nổi luồng gạo và đạn suốt đêm từ từ chảy ngược lên phía tập đoàn cứ điểm của đế quốc Pháp. Đêm nào cũng có tới hàng chục ngàn người gồng gánh tiếp viện trên tuyến đường thiêng liêng… Và như Jean Pouget thuật lại trong cuốn sách Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp đến Mường Phăng để chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Navarre ngồi trong văn phòng máy lạnh ở Hà Nội chờ “con nhím khổng lồ Điện Biên Phủ” nghiền nát đội quân Việt Minh. Trong khi quân đội nhân dân Việt Nam vào trận với “gan không núng, chí không mòn” thì tướng De Castries - người chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vẫn tơ tưởng đến đàn bà khi sử dụng tên người tình để đặt cho các cứ điểm như: Gabrielle (đồi Độc Lập), Béatrice (Him Lam), Anne - Marie (Bản Kéo), Eliane 2 (đồi A1), Dominique 1 (đồi E1)… Đến khi người Pháp phát hiện chiếc thòng lọng ngày càng chặt thì họ đã không thể nào ngăn chặn được bước tiến của quân đội Việt Minh. Để rồi như Bernard B.Fall đã mô tả lại trong sách Điện Biên Phủ - một góc địa ngục, quân viễn chinh Pháp đã có những ngày tháng sống như “địa ngục” trong vòng vây của đội quân giải phóng ở lòng chảo Điện Biên, với những hầm hào ngập nước, dưới những công sự bị đổ sập, trong tiếng rít của đạn bay, tiếng bom đạn nổ ầm ầm… Chiều 7-5-1954, De Castries cùng bộ sậu của quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị quân ta bắt giữ.

Trong rất nhiều tác phẩm, các nhà nghiên cứu phương Tây đều cho rằng, tướng Navarre cũng như giới chóp bu của Pháp đã không đánh giá hết sức mạnh, nỗ lực vượt khó của quân đội nhân dân Việt Nam; tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Những người có trách nhiệm của Pháp hình như đã ba lần tính sai. Một là quân số đối phương rất đông, hai là sức mạnh của các loại pháo giữa hai bên không hề mất cân đối, ba là khả năng tiếp tế”, nhà sử học Cecil B.Currey đã chỉ ra trong tác phẩm Chiến thắng bằng mọi giá - Thiên tài quân sự Việt Nam: Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cũng không quên ca ngợi tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng những cụm từ như “con người có tư duy xuất sắc, giàu óc sáng tạo”, “bậc thầy về chiến thuật, hậu cần và chiến lược” và cao nhất là “thiên tài quân sự”.

Mới nhất, trong cuốn sách “Điện Biên Phủ: 13/3 - 07/5/1954", tiến sĩ sử học người Pháp Ivan Cadeau đánh giá chiến thắng Điện Biên Phủ là nghệ thuật kinh điển của quân sự thế giới. Theo Ivan Cadeau, Việt Nam giành chiến thắng là do biết tận dụng và huy động mọi nguồn lực, sức mạnh của toàn dân và toàn quân; tham mưu của Việt Minh có chiến lược co giãn linh hoạt trong mỗi đòn tiến công khiến phía Pháp không thể đoán định... Nhưng có lẽ, người nói hay nhất, ngắn gọn về nguyên nhân thất bại của quân Pháp vẫn là Jules Roy trong tác phẩm Trận Điện Biên Phủ: "Không phải những phương tiện này khác đã đánh bại tướng Navarre mà chính là cái trí thông minh, cái ý chí quyết thắng của đối phương đã quật ngã ông ta”!

XUÂN THÀNH