16:22, 29/04/2024

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 29-4-1954, địch vẫn loay hoay tìm lối thoát

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Ngày 29-4-1954, cuộc hành binh "Chim kền kền" ngày càng xa vời. Bộ chỉ huy quân viễn chinh phải tính cách tự cứu.

Về phía địch: Ngày 29-4, De Castries điện cho Cogny báo tin: "Bùn trong những chiến hào ở Điện Biên Phủ đã sâu tới 1m, trong ngày Điện Biên Phủ chỉ nhận được 30 tấn hàng tiếp tế và không được tiếp viện một tên lính nào".

Ngày 29-4-1954, tại Thủ đô Washington D.C, Tổng thống Mỹ Eisenhower họp với Radford cùng các tham mưu trưởng 3 quân chủng và nhiều sĩ quan cao cấp khác để xem xét tình hình chiến sự. Radford là người duy nhất ủng hộ một cuộc can thiệp của Mỹ dù là đơn phương để tránh sự thất trận ở Điện Biên Phủ. Các tham mưu trưởng hải quân, không quân tỏ vẻ không mặn mà. Riêng Tham mưu trưởng Lục quân Matthew Ridgway phản đối quyết liệt. Matthew Ridgway viện dẫn sự thất bại thảm hại từ cuộc hành binh "Bóp nghẹt" (Strangle) của Mỹ ở Triều Tiên, nhằm tiêu diệt con đường tiếp tế, để chứng minh sự hạn chế của những hành động bằng không quân trong loại chiến tranh này. Matthew Ridgway cho rằng những cuộc ném bom sẽ dẫn Hoa Kỳ vào một cuộc chiến tranh mới bằng bộ binh tốn kém với lối thoát không rõ ràng ở lục địa châu Á. Ý kiến của Matthew Ridgway được nhiều người tán đồng.

Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 
Lính Pháp tại Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu 

Eisenhower không phải không biết nghe lời nói đúng. Ông ta quyết định ngừng xúc tiến kế hoạch "Chim kền kền". Nhưng 10 năm sau, cũng tại Việt Nam, nhà cầm quyền Mỹ đã quên những kinh nghiệm này.

Chính quyền Pháp thời đó cho rằng tất cả mọi biện pháp cứu nguy cho Điện Biên Phủ đều đã được bàn bạc rất kỹ lưỡng. Một số người Pháp coi nước Anh là ích kỷ. Nhiều người chê trách Mỹ, nói Mỹ đã khôn khéo gạt trách nhiệm cho đồng minh, trong khi quyết định không can thiệp bằng không quân chiến lược vào Điện Biên Phủ đã được đề ra ở cấp cao nhất trong chính quyền Mỹ. Người Anh tự hào mình đã có thái độ đúng trong thời điểm lịch sử này. Thực ra ở nước Mỹ, những người thuộc phái diều hâu không phải cứ muốn điều gì đều có thể làm.

Cuộc hành binh "Chim kền kền" ngày càng xa vời. Bộ chỉ huy quân viễn chinh phải tính cách tự cứu. Có ý kiến: Mở một cuộc hành binh đánh vào hậu phương chiến dịch của Việt Minh ở khu vực Yên Bái - Tuyên Quang. Nhưng cuộc hành binh này cần tới những lực lượng và phương tiện lớn, chỉ có thể lấy từ Đồng bằng Bắc Bộ, như vậy sẽ làm cho Đồng bằng Bắc Bộ nhanh chóng sụp đổ. Một ý kiến khác, cho De Castries tự đánh giải vây. Navarre quay lại với ý định từ ngày đầu chấp nhận chiến đấu ở Điện Biên Phủ bằng một hành động bắt đầu từ sông Nậm Hu. Nhưng, theo Yvơ Gra, nó không còn là một cuộc hành binh giải tỏa như kế hoạch Xenophon, vì người Pháp không có đủ máy bay vận tải và máy bay chiến đấu, mà chỉ còn là một hành động nghi binh để nâng đỡ Điện Biên Phủ.

Cuộc hành binh này cũng mang tên "Chim kền kền" (Condor nhưng là loại chim ở Nam Mỹ). Cuộc hành binh gồm: 7 tiểu đoàn, trong đó có 3 tiểu đoàn được thả dù. Tuy nhiên vẫn phải huy động toàn bộ những chiếc Dakota còn lại trong vòng 24 giờ, sau đó những máy bay này còn phải đảm nhiệm thả dù hằng ngày 45 tấn lương thực. Theo dự kiến từ ngày 14 đến ngày 29-4, cuộc hành binh sẽ được khởi đầu từ Mường Khoa tiến đến Tây Trang, rồi tràn vào Điện Biên Phủ đón binh đoàn đồn trú Tây Bắc phá vây rút chạy. Nhưng đúng thời gian này thì lực lượng máy bay vận tải bị hoàn toàn hút vào mặt trận Điện Biên Phủ. Do đó việc thả dù 3 tiểu đoàn đã không thực hiện được. Chỉ còn 3 tiểu đoàn ngụy Lào và một tiểu đoàn lê dương thực hiện cuộc hành binh với sự yểm trợ của không quân, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Goddard.

Về phía ta: Mọi công tác chuẩn bị cho đợt tiến công thứ 3 đã tiến hành rất chu đáo. Các chiến hào được củng cố tới mức bộ đội có thể di chuyển ban ngày ngay gần quân địch, cho phép các đơn vị mỗi khi tiến đánh một vị trí, nhanh chóng bỏ qua giai đoạn đột phá tiền duyên. Cán bộ, chiến sĩ thuộc địa hình cứ điểm mục tiêu như những đồn đã diễn tập nhiều lần. Chiến sĩ vừa điều trị khỏi vết thương, chiến sĩ mới, nô nức về đơn vị để được có mặt trong đợt tiến công cuối cùng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 4, tại căn nhà nhỏ giữa núi rừng Việt Bắc, Bác tiếp chuyện nhà báo Burchett. Burchett hỏi thăm về Điện Biên Phủ. Bác lật ngửa chiếc mũ đặt trên bàn tre, đưa mấy ngón tay vòng quanh vành mũ, nói: "Đây là rừng núi, nơi có lực lượng của chúng tôi". Rồi Người nắm tay lại, đấm vào lòng mũ và nói tiếp: "Còn đây là quân Pháp. Họ không thể thoát khỏi chỗ này!".

THÀNH VINH (lược trích)

--------------------------------

1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tổng tập Hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.

2. Đại tướng Hoàng Văn Thái: Tổng tập, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.

3. Chiến dịch Điện Biên Phủ - Sự kiện và con số/Nguyễn Văn Thiết-Lê Xuân Thành, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2014.

4. Điện Biên Phủ-nhìn từ hai phía, Nxb Thanh Niên, 2004.

5. Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử/Hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện, Nxb Thông tin và Truyền thông, 2018.


Theo qdnd.vn