Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, Đại đoàn 312 (nay là Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu và đánh trận mở đầu chiến dịch. Trong 56 ngày đêm của chiến dịch, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã tham gia 20 trận đánh lớn. Nhờ vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và bộ đội chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, Đại đoàn 312 đã tiêu diệt 17 đại đội địch, bắt hơn 4.000 tù binh, góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng...
Là một trong những đại đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại đoàn 312 từng tham gia nhiều chiến dịch lớn trước Chiến dịch Điện Biên Phủ như: Chiến dịch Trần Hưng Đạo (tháng 12-1950); Chiến dịch Lý Thường Kiệt (tháng 9-1951), Chiến dịch Hòa Bình (1952), Chiến dịch Thượng Lào (1953)... Tháng 12-1953, Bộ Chính trị "chấp nhận" đánh trận cuối cùng với Pháp tại Điện Biên Phủ trong thế giằng co dai dẳng kéo dài nhiều năm, Đại đoàn 312 cùng với những đơn vị khác hành quân lên Tây Bắc với 3 Trung đoàn 141, 165 và 209 dưới sự chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn.
Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết chiến, quyết thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13-3-1954. Ảnh tư liệu/TTXVN |
Cùng với Đại đoàn 351, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ kéo pháo bằng tay vào trận địa trên con đường dài khoảng 15km và phải vượt qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m. Dự kiến kéo pháo phải hoàn thành trong 3 đêm nhưng sau 7 đêm, pháo vẫn chưa tới vị trí đã định, bởi con đường kéo pháo khá dài, nằm trên địa hình hiểm trở, nhiều dốc cao, vực sâu. Có những cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để cứu pháo khỏi lăn xuống vực sâu. Ngày nổ súng được hoãn lại nhiều lần trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp có quyết định lịch sử, chuyển từ phương châm "Đánh nhanh, thắng nhanh" trong 3 đêm 2 ngày sang "Đánh chắc, tiến chắc" trong nhiều ngày nhằm chắc thắng trong trận đánh quan trọng này. Đại đoàn 312 tiếp tục nhiệm vụ xây dựng trận địa và làm đường cơ động cho pháo.
Gần 2 tháng chuẩn bị sau khi thay đổi phương án tác chiến với Pháp, ta bắt đầu những ngày tháng kiên cường chiến đấu với một trong những quân đội mạnh nhất trên thế giới. Các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn, tuy vậy họ ít nhiều đều bị tiêu hao lực lượng trong những trận truy kích trước đó, riêng Đại đoàn 312 vẫn còn nguyên vẹn lực lượng, được Bộ chỉ huy mặt trận chọn làm đơn vị chủ công mở màn chiến dịch.
Trung tâm đề kháng Him Lam sẽ là cứ điểm mở màn cho trận đánh. Đây là cụm cứ điểm phía Đông Bắc trên con đường 41 từ Tuần Giáo vào, được coi là "cửa mở" vào trung tâm. Địch cũng dự kiến đây là hướng tiến công chính của quân ta, nên bố trí lực lượng rất thiện chiến. Để đảm bảo nguyên tắc "trận đầu phải thắng”, quân ta bố trí lực lượng mạnh, có cả dự phòng; kế hoạch phòng pháo, phòng không, phòng địch phản kích, dự kiến các tình huống cơ bản và cách xử lý trong quá trình diễn biến chiến đấu. Trung đoàn 141 sử dụng một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 1, một tiểu đoàn đánh cứ điểm số 2, một tiểu đoàn làm dự bị. Trung đoàn 209 sử dụng một tiểu đoàn tiêu diệt cứ điểm số 3, một tiểu đoàn làm nhiệm vụ dự bị, một tiểu đoàn chặn quân địch phản kích trên đường 41 và toàn bộ hỏa lực trong biên chế và tăng cường 8 khẩu lựu pháo 105mm, 6 khẩu sơn pháo 75mm và DKZ 57mm, 7 khẩu cối 120mm, 32 khẩu cối 82mm.
Trận địa xuất phát xung phong được tiến hành đào từ đêm 11-3. 17 giờ ngày 13-3-1954 cuộc tấn công lịch sử vào Tập đoàn cứ điểm chính thức bắt đầu. Từng đợt pháo kích liên tiếp nhằm thẳng Him Lam và phân khu trung tâm. Chưa bao giờ kẻ thù phải nếm những đòn khủng khiếp đến vậy. Trong khi pháo ta vẫn đang bắn cấp tập vào các vị trí mục tiêu, quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh cứ điểm 2 báo cáo mở cửa xong, bắt đầu xung phong. 10 phút sau, đơn vị đánh cứ điểm 3 báo cáo xung kích đã tiến vào đồn. Riêng đơn vị đánh cứ điểm 1 còn gặp nhiều khó khăn do phải vượt qua nhiều hàng rào đại bác của địch, lực lượng bị tiêu hao, vào xuất phát trận địa xung phong chậm.
Bộ đội ta giương cao cờ chiến thắng trên cứ điểm Him Lam vừa chiếm được trong trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, chiều 13-3-1954. Ảnh tư liệu/TTXVN |
Lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3 sau hơn 1 giờ chiến đấu cùng với việc tiêu diệt gọn Đại đội Lê dương số 11 của địch. 22 giờ 30 phút, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. Các đơn vị đánh cứ điểm 2 và 3 được lệnh tăng cường sang cứ điểm 1. 23 giờ 30 phút ngày 13-3, đồng chí Lê Trọng Tấn báo cáo Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Như vậy sau hơn 5 giờ chiến đấu, ta đã hoàn toàn làm chủ được trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo thời cơ thuận lợi tiến công đánh chiếm hai cứ điểm còn lại trong kế hoạch của đợt tấn công thứ nhất là Độc Lập và Bản kéo.
Tiêu diệt được cứ điểm Him Lam đã tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta tại tất cả các đơn vị, trên tất cả các mặt trận; việc tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này không phải là “bất khả thi” và việc bắt sống De Castries cùng toàn bộ Bộ chỉ huy của Pháp sẽ là quyết tâm lớn nhất trong trận công kiên lớn nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam lúc này.
Phát huy tinh thần chiến thắng trong trận mở màn, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 đã phối hợp tốt với Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 đánh chiếm Đồi Độc Lập, một cứ điểm nằm ở phân khu Bắc nằm án ngữ đường từ Lai Châu vào Điện Biên. 3 giờ 30 phút ngày 15-3 trận tấn công đồi Độc Lập bắt đầu. Lựu pháo của ta bắn vào các cứ điểm địch, yểm trợ cho bộ binh xung phong. Sau gần 4 giờ chiến đấu, đến sáng ngày 15-3 trận đánh mới kết thúc khi quân ta đánh lui bộ binh, xe tăng địch đến giải vây, tiêu diệt Tiểu đoàn lính Bắc Phi số 5, bắt sống 200 lính Pháp. Như vậy chỉ qua 1 đêm thực dân Pháp đã mất gần 1.000 binh sĩ. Trận thắng đồi Độc Lập cùng với trận thắng Him Lam đã mở gần thông đường vào phân khu trung tâm Mường Thanh, ta đã tiêu diệt những đơn vị bộ binh, lê dương tinh nhuệ của quân Pháp.
Bộ đội ta cắt dây thép gai, đào giao thông hào, lấn sâu vào các cứ điểm của địch. Ảnh tư liệu |
18 giờ ngày 30-3-1954, trận tấn công thứ 2 bắt đầu. Đại đoàn 312 được phối thuộc 2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội súng cối 120mm, 1 đại đội súng cối 82mm, có nhiệm vụ tiêu diệt các cao điểm E, D1, D2 và cao điểm 210. Những giờ đầu của cuộc chiến đấu tiến triển khá thuận lợi. 19 giờ 45 phút, hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt đồi E. 15 phút sau, D1 cũng hoàn toàn nằm dưới sự khống chế của ta. Thừa thắng xông lên, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn điều lực lượng dự bị của Trung đoàn 209 đánh xuống D2 nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt của trận địa pháo địch trên cao điểm 210 nên phải ngừng lại để củng cố và tiếp tục tổ chức tốt trận địa phòng ngự trên những cao điểm đã chiếm được. Trung đoàn 165 tiến công tiêu diệt cứ điểm 105, cùng với các đơn vị bạn uy hiếp mạnh quân địch, tạo điều kiện cho các đơn vị ở khu Đông hoàn thành nhiệm vụ.
Trong thời gian này, Đại đoàn 312 tiếp tục củng cố trận địa phòng ngự ở các đồi E và D, đẩy lùi nhiều cuộc phản công chiếm lại của Pháp, tiêu diệt các vị trí 203, 204, khu Tiểu đoàn ngụy Thái số 2 và phối hợp với Đại đoàn 308 đào giao thông hào cắt ngang sân bay Mường Thanh.
Khó khăn nhất trong giai đoạn 2 của cuộc chiến, ta vấp phải sự chống trả quyết liệt của địch tại cứ điểm A1. Trong khi ta tiếp tục đánh chiếm từng vị trí nhỏ, trận địa tấn công ngày càng áp sát trung tâm chỉ huy thì cuộc chiến giằng co tại A1 đã kéo dài cả tháng vẫn chưa được quyết định. Cuộc tấn công thứ 3 được ấn định phải tiêu diệt bằng được 2 cao điểm A1 và C1, thời cơ thuận lợi sẽ tiến hành tổng công kích. Trong đợt này, Đại đoàn 312 được giao nhiệm vụ tiêu diệt các cứ điểm 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía Đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm.
Bộ đội Trung đoàn 209 (Đại đoàn 312) và các đơn vị cắm cờ trên nóc hầm De Castries tại Điện Biên Phủ, chiều 7-5-1954. Ảnh tư liệu |
17 giờ ngày 1-5-1954, pháo chiến dịch tập trung nã đạn vào nhiều khu vực của tập đoàn cứ điểm. Sau gần một giờ pháo kích, các đơn vị đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Tiểu đoàn 166 (Trung đoàn 209) tiến công cứ điểm 505 là cứ điểm quan trọng nằm ở phía Đông Bắc khu trung tâm, cách hầm chỉ huy của tướng De Castries khoảng 1,5km. Sau khi đánh chiếm đầu cầu, các đơn vị của Đại đoàn 312 không thể phát triển vào sâu trong trung tâm, do địch dựa vào công sự và sự chi viện của pháo cối khống chế, ngăn chặn các đợt xung phong của ta. Để tạo xung lực mạnh, áp đảo địch, Tiểu đoàn 166 đưa hai đại đội vào chiến đấu, vừa bao vây chặt các hầm cố thủ, vừa thọc sâu chia cắt, diệt chỉ huy cứ điểm. Đến 0 giờ 30 phút ngày 2-5, đơn vị đã làm chủ cứ điểm 505. Cũng trong đêm 1-5, Tiểu đoàn 154 (Trung đoàn 209) đánh chiếm cứ điểm 505A. Sau đó, các cứ điểm 506, 507 đều bị các đơn vị của Đại đoàn phối hợp với các đơn vị bạn đánh chiếm, bắt tướng De Castries và toàn bộ chỉ huy của Pháp ở Điện Biên Phủ vào ngày 7-5-1954.
Đợt 3 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, các đơn vị của Đại đoàn 312 đã tổ chức lực lượng tập trung tiêu diệt các điểm cố định, khi địch cố thủ thì tiến hành chiến đấu giữ vững trận địa, kết hợp bao vây chặt, không cho địch phản kích; tận dụng thời cơ, phối hợp các lực lượng đánh thẳng vào trung tâm, giải quyết dứt điểm từng cứ điểm, tạo thế để đánh chiếm các điểm còn lại.
Như vậy, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phù hợp với thực tế chiến trường là yếu tố quan trọng để Đại đoàn 312 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ tập trung lực lượng, hiệp đồng binh chủng đánh chiếm các cứ điểm quan trọng đến vây hãm, đột phá các cứ điểm đơn lẻ với lực lượng ít, khoảng thời gian dài cho đến tiến công vào khu vực có bố trí phòng ngự kiên cố, phức tạp của địch. Đó còn là quá trình vây lấn kết hợp với đột phá, tiến công chính diện kết hợp với vu hồi sau lưng, bên sườn, thọc sâu, luồn sâu; chấp hành chủ trương, mệnh lệnh, bám sát thực tiễn chiến đấu để vận dụng các chiến thuật phù hợp, phát huy khả năng của bộ đội và toàn đơn vị để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
ĐỨC THẮNG (lược trích)
1. Lịch sử Sư đoàn 312 (1950-2010)/Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 Sư đoàn 312/ NXB Quân đội nhân dân.
2. Báo Quân đội nhân dân (qdnd.vn)
3. Bảo tàng chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ (btctdbp-svhttdl.dienbien.gov.vn)
3. Điện Biên Phủ những trận đánh đi vào lịch sử/Trịnh Ngọc Minh NXB Quân đội nhân dân 2004.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin