Việt Nam là quốc gia có truyền thống đặc biệt coi trọng giáo dục. Thời đại Hồ Chí Minh, giáo dục là quốc sách hàng đầu của Việt Nam, là tiền đề quan trọng định vị cho nền kinh tế tri thức của quốc gia phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, việc xác định giáo dục hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất con người Việt Nam được Đảng và Nhà nước đặc biệt coi trọng, để mỗi con người Việt Nam là một chủ thể yêu nước - có những phẩm chất tốt đẹp phát huy truyền thống dân tộc - lấy đó làm nền tảng rèn luyện, tu dưỡng, trở thành người có khả năng làm chủ đất nước trong bối cảnh hiện đại. Những điều đó được thể hiện trong các văn bản: Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết và các văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Kết luận số 51- KL/TW, ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; …
Thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) đã được ban hành, trong đó tập trung vào hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: yêu nước nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm; những năng lực cốt lõi gồm: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Lần đầu tiên, trong Chương trình giáo dục phổ thông quy định thời lượng cho giáo dục trải nghiệm và chương trình giáo dục địa phương. Đây được coi là giải pháp căn cơ để việc thực thi chương trình giáo dục có gốc rễ vững chắc từ truyền thống và bản sắc; đồng thời đây cũng là phương pháp giáo dục khoa học để vừa khai thác giá trị văn hoá, lịch sử vào giáo dục, vừa tạo điều kiện để học sinh được trải nghiệm môi trường giáo dục có bối cảnh thực tiễn. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, những thành tựu nổi bật của khoa học kỹ thuật đã tạo ra những thay đổi nhanh chóng và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống con người; tạo ra không ít những thách thức bởi việc giới trẻ trực tiếp tương tác với các tư liệu đã được số hóa, thì việc giáo dục dựa vào văn hóa, vào ý nghĩa lịch sử cho các em vừa là một yêu cầu vừa là một giải pháp, đồng thời đòi hỏi giáo dục thay đổi, không chỉ dựa vào “tri thức” đã được “giáo dục hóa” mà cần được “đời sống hóa” trong một hệ sinh thái giáo dục.
Khánh Hòa là một trong những địa phương có vị trí đặc biệt của quốc gia cả về an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ độc lập dân tộc, mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa được Trung ương Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm, bởi, nơi đây mảnh đất này trấn giữ con đường giao thông huyết mạch Bắc – Nam chi viện cho Nam Bộ, bảo vệ vùng tự do “Nam – Ngãi – Bình – Khánh”, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung. Trong những tháng ngày kháng chiến, Căn cứ Đá Bàn, nơi Tỉnh ủy Khánh Hòa cơ quan đầu não kháng chiến luôn là mục tiêu tấn công của kẻ thù. Cũng chính nơi đây, có những trận đánh lẫy lừng, khiến kẻ thù khiếp sợ. Trong số đó, trận Vườn Gòn – Đá Bàn của Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803 – Chủ lực cơ động Liên khu V là một huyền thoại về hiến công hào hùng, biểu hiện sinh động tư tưởng tiến công cách mạng, đường lối chiến tranh Nhân dân, tinh thần đoàn kết, hợp đồng chiến đấu giữa bộ đội chủ lực với các lực lượng địa phương, giữa quân và dân ta.
Trong khuôn khổ Hội thảo, bài viết này bàn luận cụ thể về việc khai thác “Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn” trong phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh dựa vào bối cảnh văn hóa từ việc phân tích cơ sở lý luận của lý thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh, giá trị lịch sử và thực tiễn của chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn với những sự kiện, nhân vật tiêu biểu như là một gợi ý về mô hình giáo dục hiệu quả ở Khánh Hòa.
1. Sơ lược về lý thuyết giáo dục dựa vào bối cảnh và vai trò của văn hóa đối với giáo dục
1.1 Giáo dục dựa vào bối cảnh (GDDVBC)
GDDVBC được hiểu là việc sử dụng bối cảnh để thực hiện các hoạt động giáo dục, nhằm giúp đạt được các mục tiêu về kiến thức khoa học, kỹ năng, thái độ đề ra cho người học, qua đó hình thành, phát triển ở người học những năng lực cần thiết và hoàn thiện nhân cách. Theo John Gilbert, bối cảnh là một thực thể văn hóa trong xã hội có tính thời gian, không gian, và liên quan đến hoạt động của con người [6]. Với cách hiểu đó, bối cảnh giáo dục có thể là một dữ kiện, sự kiện, một vấn đề, hay một tình huống nào đó có ẩn chứa nội dung kiến thức khoa học, có thể xây dựng và phát triển thành bài học giúp người học hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết.
GDDVBC là một cách tiếp cận đã và đang được chú trọng thực hiện ở nhiều nước phát triển do ý nghĩa to lớn của nó. Nó đã được thực hiện trong nhiều chiến lược giáo dục có quy mô lớn và lâu dài ở châu Âu, thu hút sự tham gia và nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, giáo dục hàng đầu của các nước phương Tây như Anh, Đức, Mỹ, Hà Lan... thông qua việc sử dụng bối cảnh thực tế có kết nối với kiến thức bài học trong sách [4]. GDDVBC chú trọng sự kết nối việc học với thế giới thực. Người học thực hiện sự kết nối ấy bằng những vai trò khác nhau, ví dụ như là: công dân, thành viên gia đình, người tham gia thiết kế, thực hiện dự án, …. Các nhà khoa học giáo dục cho rằng GDDVBC giúp người học hiểu được vì sao cần phải học chứ không chỉ là việc biết được học cái gì và học như thế nào, do đó, các em tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và có chiều sâu hơn [5]. Thông qua các bối cảnh giáo dục, vốn là những quá trình mang tính tình huống giàu thực tiễn, người học được tham gia vào các hoạt động học tập một cách có ý nghĩa. Nhiều nhà khoa học đã khẳng định việc quyết định học nội dung gì giờ không quan trọng bằng việc chọn bối cảnh gì để dạy cho người học. Hồ Chủ Tịch đã dạy: “học đi đôi với hành”, “dân ta phải biết sử ta”, … Những lý luận và bài học thực tiễn khẳng định, để đạt được mục tiêu “năng lực, phẩm chất người học” chứ không phải là “rót đầy vào thùng rỗng” những kiến thức thì việc nghiên cứu những bối cảnh thực về văn hoá, lịch sử để đưa vào giáo dục là yêu cầu bắt buộc của mỗi địa phương.
1.2 Vai trò của văn hóa, lịch sử đối với hệ sinh thái giáo dục
Theo nhu cầu mở rộng không gian và cấu trúc của học tập, cùng với mô hình môi trường sinh thái học tập, một số tác giả cũng đưa ra khái niệm hệ sinh thái học tập - Learning Ecosystem. Khi giáo dục ngày càng trở nên giống như một hệ sinh thái – diễn ra cả bên trong lẫn bên ngoài nhà trường, tác động vào trong và xuyên qua toàn cộng đồng – thì môi trường càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cấu trúc và mô hình phát triển hệ sinh thái học tập/giáo dục thường bao gồm các thành phần sau: (1) Chủ thể học tập (Con người); (2) Tri thức học tập (Nội dung); (3) Công nghệ học tập (Công nghệ); (4) Bối cảnh học tập và (5) Văn hóa, chiến lược, khả năng kết nối tri thức giữa các thành phần bên trong hệ sinh thái và các kết nối ra bên ngoài với hệ sinh thái lớn hơn[1]. Trên thế giới, mô hình này cũng đã được nhiều nước (Anh, Nga, Australia, Mỹ, Pháp, …) triển khai như: hệ sinh thái giáo dục toàn cầu[2], trường học thông minh[3], hệ sinh thái học tập STEM[4], …
Theo Nguyễn Trọng Chuẩn [2]: “Văn hóa chính là trình độ phát triển lịch sử của xã hội và của con người biểu hiện trong các kiểu, trong các cách thức tổ chức đời sống và hành động của con người, cũng như trong tổ hợp các giá trị vật chất, các giá trị tinh thần cùng các chuẩn mực hành vi do con người sáng tạo ra để điều chỉnh hành vi con người và được tích lũy lại, được làm phong phú thêm trong quá trình con người tương tác với thiên nhiên và trong quan hệ với nhau trong xã hội”. Văn hoá, lịch sử đóng vai trò quyết định trong việc hình thành các phẩm chất, nhân cách ở con người; nuôi dưỡng và phát triển các khả năng của con người; góp phần ổn định và thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Những nghiên cứu đã cho thấy vai trò quan trọng của văn hóa đối với giáo dục, tham chiếu trên lý thuyết GDDVBC, văn hóa là một bối cảnh cho giáo dục.
Giáo dục đóng vai trò quan trọng để cung cấp các trình độ chuyên môn và khai phá năng lực sáng tạo ở mỗi con người. Yêu cầu của giáo dục ngày nay không chỉ dừng lại ở việc truyền thụ cho người học những kiến thức, những kinh nghiệm loài người tích lũy trước đây mà còn phải phát hiện và bồi dưỡng năng lực sáng tạo cho người học để họ có thể tự tạo ra những kiến thức mới, phương tiện mới, cách giải quyết mới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dành thời lượng không nhỏ thời gian để “sáng tạo chương trình địa phương, chương trình nhà trường”. Chỉ tính riêng thời lượng cho Hoạt động trải nghiệm (được xác định như một môn học, là không gian chính để sáng tạo nội dung, phương pháp giáo dục), ở tiểu học có 105 tiết/năm; THCS và THPT nội dung Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp có 105 tiết/năm; 35 tiết/năm cho giáo dục địa phương, ... Đây là điều kiện cần thiết, đồng thời mang tính định hướng GDDVBC, cụ thể bối cảnh văn hóa, lịch sử.
2. Ý nghĩa của chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn trong giáo dục con người
2.1 Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn là biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, chiến đấu anh hùng bất khuất của quân và dân
Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn được coi là trận đánh lớn của quân và dân Khánh Hòa trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược. Bối cảnh của trận đánh này được các nhà nghiên cứu lịch sử chỉ ra có những điểm rất tiêu biểu: (1) Mùa xuân 1953, căn cứ Đá Bàn – nơi cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa, quân địch có trên 4.000 người, có lực lượng Âu, Phi thiện chiến từ Bình Trị Thiên đưa vào tham chiến, có phi cơ và pháo binh yểm trợ, do thiếu tướng Le Blance người Pháp chỉ huy với mong muốn đánh phá vào các căn cứ của cách mạng, hòng tiêu diệt, đẩy lùi, bộ đội, cán bộ ta lên núi xa để cứu vãn tình thế; (2) Ở huyện Ninh Hòa, sau khi các đồn, bót ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn, Mỹ Lệ, Hội Bình bị ta tiêu diệt thì nhân dân nổi dậy đấu tranh không chịu ngủ đồn, đòi mang lúa gạo tài sản về nhà. Hệ thống kìm kẹp như các tháp canh, đồn, bót nhỏ lẻ binh lính hoang mang không dám ngủ đêm trong đồn, lực lượng của địch ở tại địa phương cũng không còn đủ sức đàn áp, ngăn chặn nhân dân; (3) Yếu tố bất ngờ đó là sự tham chiến của Tiểu đoàn 59 - Chủ lực cơ động của Liên khu 5 được đưa vào phối hợp hoạt động ở chiến trường Khánh Hòa đang có mặt tại căn cứ và sự mưu trí, kiên cường của chỉ huy – Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió ra vòng ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của sở “Thằng Lô” cũ, cách Bến Ghe khoảng nửa cây số để chặn đánh đường rút quân của địch. Ta chủ động phối hợp quân chủ lực và du kích bố trí đánh địch từ xa, gây thương vong, làm tinh thần địch căng thẳng, mệt mỏi.
Ba đặc điểm trên cho thấy chiến thắng này vận dụng linh hoạt đường lối chiến tranh cách mạng của Việt Nam tiêu biểu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Những sự hy sinh và kỹ thuật chiến đấu thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất của quân và dân ta. Chiến thắng giòn giã của quân ta tiêu diệt gọn một đội quân Âu, Phi nhà nghề thiện chiến của quân đội viễn chinh đế quốc Pháp lúc bấy giờ. Chiến thắng Vườn Gòn đã trở thành cơn ác mộng đối với quân Pháp, ngụy tại Ninh Hòa, góp phần chiến thắng chung của toàn dân tộc tiến tới Hiệp định Giơ ne vơ. Chiến thắng Vườn Gòn hiển hách mãi mãi âm vang trong lịch sử của mảnh đất quê hương Ninh Hòa thời kỳ kháng chiến chống quân Pháp xâm lược.
2.2 Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn (xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) địa chỉ đỏ giáo dục trải nghiệm lịch sử, bồi dưỡng phẩm chất và giáo dục an ninh, quốc phòng
Khánh Hòa là mảnh đất hội tụ đa văn hoá, giữ vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng và kinh tế xã hội. Đặc điểm này dẫn đến tính đa dạng trong bối cảnh giáo dục ở Khánh Hoà. Đồng thời, cũng tạo ra thách thức trong thiết kế nội dung giáo dục, đảm bảo tính hấp dẫn, thuyết phục và đặc biệt có ý nghĩa.
Theo báo Khánh Hoà: Năm 2023, để kỉ niệm 70 năm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn được xây dựng nhằm ghi dấu, tôn vinh chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 59 đã anh dũng, mưu trí phá tan âm mưu của địch, góp phần mở rộng vùng kháng chiến, lan tỏa ý chí kiên trung và tinh thần quyết thắng của quân và dân địa phương. Khu lưu niệm bao gồm Công viên Chiến thắng với những hạng mục: Đài tưởng niệm chiến thắng, Phòng truyền thống, không gian công viên…; được xây dựng với diện tích khoảng 1ha, sân lễ đài cao 3,4m, biểu tượng chiến thắng cao 15,5m, tổng mức đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Đặc biệt, khu lưu niệm có không gian ghi công những anh hùng đã hy sinh trong trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn.
Điểm nhấn đài chiến thắng được xây dựng từ ý tưởng phần gốc ăn sâu vào lòng đất, bám rễ, dựa vào sức mạnh lòng dân; phần đỉnh tháp vươn cao, tỏa sáng với ngôi sao vàng 5 cánh trên Quốc kỳ thể hiện chiến công của các chiến sĩ cách mạng lấp lánh trên ngực áo. Kiến trúc đỉnh đài lấy hình ngôi sao làm biểu tượng chiến thắng tự hào, sử dụng nghệ thuật điêu khắc tạo hình ảnh ngôi sao 3D chuyển động, luôn hướng về phía trước như tinh thần quyết thắng của người chiến sĩ. Hạng mục phòng truyền thống sẽ lưu giữ tư liệu lịch sử - những chiến tích oai hùng của Tiểu đoàn 59. Đặc biệt, khu lưu niệm có không gian ghi công 14 anh hùng hy sinh tại trận chiến Vườn Gòn - Đá Bàn ngày 20-4-1953. Khu lưu niệm hoàn thành sẽ là một địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng, nơi lưu giữ chiến công oai hùng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, xả thân cho Tổ quốc. Đây sẽ là nơi để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương. Ngoài ra, địa phương sẽ thường xuyên tu bổ, chỉnh trang tạo thành khu lưu niệm kết hợp du lịch kết nối với các điểm khác như: Căn cứ Đá Bàn, du lịch thác Bay…
Với những mô tả trên đây, khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn có đủ tiềm năng về nội dung, thiết kế, không gian để trở thành không gian học tập trải nghiệm cho hàng trăm học sinh/lần. Bên cạnh đó, với hệ sinh thái Sách bao gồm: Lịch sử Tiểu đoàn 59 Trung đoàn chủ lực 803 Liên khu V, Tiểu đoàn 59 anh hùng của lòng dân; …Kỉ yếu Hội thảo; Phim tài liệu: Tiểu đoàn 59 – Họ đã sống và chiến đấu; Chiến thắng huyền thoại Vườn Gòn; tranh, ảnh, kỉ vật của các cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 59 sẽ tạo nên hệ sinh thái giáo dục lịch sử sống động, hấp dẫn về Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, về Tiểu đoàn 59, về những nhân vật lịch sử tham gia trận đánh…
2.3 Giáo dục phẩm chất, lối sống qua tấm gương những nhân vật lịch sử điển hình trong Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn
Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn là kết tinh sức mạnh của trí tuệ, lòng yêu nước, tình đoàn kết gắn bó và sự hy sinh của quân và dân Ninh Hoà. Đặc biệt, yếu tố làm nên chiến thắng chính là Tiểu đoàn 59 và Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu – người chỉ huy mẫu mực, anh dũng, mưu lược với nhiều phẩm chất tốt đẹp.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là tấm gương về yêu nước, nhân ái và lối sống cao đẹp: Trong ký ức của các chiến sĩ, ông là con người giản dị, quân tư trang chỉ có 1 bộ quân phục, 1 bộ quần áo bà ba đen, đầu đội mũ bê rê và chiếc khăn vắt vai. Theo quy định về chế độ Tiểu đoàn trưởng được ăn bếp riêng, nhưng đồng chí Nguyễn Lựu đã ăn cùng với chiến sĩ, mặc dù có tiền lương nhưng không tiêu pha gì cho bản thân mà gửi về cho gia đình ở quê vì có mẹ già, vợ và các con nhỏ; phần còn lại để dành cho chiến sĩ liên lạc cắt tóc, … Đồng chí Nguyễn Lựu có lối sống giản di, thương yêu đồng chí, đồng đội, nghiêm khắc mà ấm áp nghĩa tình. Lối sống này khiến cho ông luôn là niềm tin, niềm tự hào và được ví như linh hồn của Tiểu đoàn 59.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là tấm gương về ý chí và kỉ luật, trách nhiệm: Từ khi được thành lập cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn 59 chỉ có duy nhất một Tiểu đoàn trưởng. Các chiến công của Tiểu đoàn có ảnh hưởng rất lớn từ tài chỉ huy và kỉ luật mà ông rèn quân mà thành. Ông nổi tiếng rèn quân, luyện cán. Theo lời kể của Trung tá Nguyễn Kháng, Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 ([1, tr153]): “Trong kí ức của tôi, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là hình ảnh mẫu mực của người chỉ huy, chững chạc và uy dũng. … Tiểu đoàn trưởng luôn ở trên thao trường với anh em, cùng học cách đánh công kiên, lập ra lô cốt rồi tập đánh, mang cả thang ra đánh. … Mồ hôi đầm đìa, ngày đêm luyện tập… , mới biết thủ trưởng của mình là người kiên cường trong rèn quân thế nào. Có lẽ vì vậy mà Tiểu đoàn 59 đánh đâu thắng đó, tổn thất hy sinh cũng hạn chế được nhiều.”.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là tấm gương mưu trí, kiên trung: Theo lời kể của Trung tá Lữ Tấn Xa – Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 ([1, tr 176, 177]): “Tiểu đoàn 59 giỏi nhất đánh điểm, với lối đánh bất ngờ. Mặc dù quân số ít nhưng Tiểu đoàn đã đánh là chắc thắng vì khi huấn luyện, chỉ huy ra tình huống cho chúng tôi xử trí, phải đối mặt với kẻ thù được trang bị vũ khí đến tận răng mà mình chỉ có vũ khí thô sơ thì phải mưu trí, …”. Đặc biệt, trong miêu tả chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn, nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra sự mưu trí, kiên trung của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu có tính chất quyết định đến thắng lợi như thế nào: “Điều địch không ngờ, lúc này Tiểu đoàn 59 của Quân khu 5 đưa vào phối hợp hoạt động ở chiến trường Khánh Hòa đang có mặt ở căn cứ. … Tiểu đoàn 59 do đồng chí Nguyễn Lựu chỉ huy bí mật hành quân qua đường hẻm Eo Gió ra vòng ngoài phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của sở “Thằng Lô” cũ, cách Bến Ghe khoảng nửa cây số để chặn đánh đường rút quân của địch. Mặc dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng không hay biết gì.” (trích Mai Xuân Hồng, Chiến Thắng Vườn Gòn – Đá Bàn).
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu là tấm gương về phẩm chất ham học, không ngừng rèn luyện năng lực: Theo lời kể của của ông Nguyễn Xuân Cường – Nguyên Tổng biên tập báo Quân khu 5 ([1, tr147, 148]): “Tôi thấy Cụ là một người rất ham học. Lúc đó, Cụ khoảng ngoài 50 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong lớp học của tôi nhưng lại rất ham học, không bỏ sót một buổi nào, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, ý thức học tập rất cao. Gần như không buổi học nào Cụ vắng mặt, kể cả những ngày mưa gió, rét mướt. Trong giờ học, Cụ thường gương mẫu phát biểu, tranh luận, thảo luận, nói chung rất kỹ và sâu”. Ngoài ra, trong lịch sử cũng đã ghi lại, chỉ trong thời gian ngắn, để chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân 1951-1951 tại Nam Tây Nguyên, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã triển khai cho đơn vị học các bài học mới về kỹ thuật chiến đấu như kỹ thuật gói bộc phá, đánh trận nội, phát triển trung tâm, tảo trừ, diệt các ổ đề kháng của địch; cách đánh thủ pháo, cách đánh bộc phá, cách sử dụng thang mê, … trong chiến thuật công kiên; học các hình thức chiến thuật tập kích, phục kích, …Cách đánh mới, chính trị tư tưởng được tăng cường, kỹ thuật chiến đấu được nâng cao, toàn thể cán bộ, chiến sĩ phấn khởi đón chờ thời cơ lập công ([1, tr25]).
Như vậy, với những phẩm chất, năng lực, bản thân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đã là một nhân vật lịch sử hấp dẫn đối với giáo dục thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, những minh chứng lịch sử đi kèm là những trận đánh vang dội; những quyết định của chỉ huy mưu lược; những hành động hàng ngày trong cuộc sống, trong luyện tập kỉ luật, giản dị, chăm chỉ; … tạo thành hệ sinh thái nhân vật – sự kiện sống động. Những tư liệu này có thể trở thành những nội dung giáo dục an ninh quốc phòng về kỹ thuật chiến đấu, chiến thuật. Bằng phương pháp học tập qua kể chuyện, xem tư liệu, đóng vai, … học sinh có thể tự mình trải nghiệm nhân cách, bài học cuộc đời của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu. Thông qua đó, chắc hẳn những mục tiêu về giáo dục đạo đức, lối sống, phẩm chất tích hợp với kiến thức an ninh, quốc phòng cho học sinh sẽ đạt được một cách hiệu quả.
1. Kết luận và khuyến nghị
Hiện nay, việc xây dựng chương trình giáo dục trong một hệ sinh thái học tập gắn liền với thực tiễn văn hoá, lịch sử, kinh tế xã hội là một xu hướng tất yếu của giáo dục 4.0, được định hướng trong các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Đối chiếu trong phạm vi tỉnh Khánh Hoà, chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn là một điển hình để khai thác trong xây dựng nội dung giáo dục địa phương trên cả phương diện vật chất và phi vật chất. Khu lưu niệm chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn có thể trở thành không gian giáo dục trải nghiệm sáng tạo. Những giá trị tinh thần: ý nghĩa lịch sử, bài học chiến đấu, những tấm gương anh dũng, …là những tư liệu quý giá trong giáo dục phẩm chất, giáo dục an ninh quốc phòng cho nhiều lớp học sinh. Trên phạm vị quốc gia, với sự phát triển của công nghệ và truyền thông, các tư liệu lịch sử này cần được cập nhật để trở thành nội dung giáo dục lịch sử, văn hoá hấp dẫn. Khánh Hòa có thể đầu tư xây dựng hệ sinh thái giáo dục dựa vào bối cảnh văn hóa điển hình từ Chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn theo tiếp cận đa chiều trong mô hình Di sản – Khoa học kỹ thuật – Giáo dục – Xã hội. Trong hệ quy chiếu đó, chúng ta sẽ nhận ra: Công nghệ mới trong trưng bày, trong/bằng số hóa sẽ nâng tầm giá trị văn hóa; Giá trị/di sản văn hóa sẽ trở thành nội dung/hoạt động giáo dục đặc biệt là giáo dục trải nghiệm; Người học sẽ tiếp nhận và phát triển văn hóa ngay trong quá trình học và dựa vào đó mà kiến tạo ra kết quả học tập của mình, thay đổi chính mình; … Đưa các trưng bày tư liệu và không gian di tích trở thành ngữ liệu giáo dục hàng năm trong chương trình giáo dục địa phương, đầu tư để nghiên cứu phát triển các nội dung cụ thể của di tích vào thực tế trong các môn học: Mỹ thuật, Văn học, Lịch sử, Chính trị, Giáo dục công dân; An ninh Quốc phòng, … Công nghệ hóa di sản tiêu biểu này cũng với nhiều di sản lịch sử, văn hoá khác trên địa bàn để chúng dễ dàng trở thành nội dung/phương tiện giáo dục toàn cầu hóa. Làm được như vậy, văn hóa lịch sử sẽ là sợi dây xuyên suốt kết nối nhà trường với xã hội, mỗi công dân tương lai sẽ được rèn luyện để trở thành chủ thể của văn hóa Việt Nam giàu bản sắc đồng thời hội nhập quốc tế thành công.
PGS. TS Chu Cẩm Thơ,
Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
_________________________________________
Tài liệu tham khảo
1. Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 59, 2022, Tiểu đoàn 59 – anh hùng của lòng dân, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.
2. Nguyễn Trọng Chuẩn, 2021, Vai trò của văn hóa trong phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới, Tạp chí Tuyên giáo
3. Đinh Xuân Dũng, 2021, Bàn thêm về vai trò của văn hóa từ chiều cạnh hệ động lực nội sinh và hệ điều tiết hài hòa sự phát triển, Tạp chí cộng sản.
4. Ngô Vũ Thu Hằng, Giáo dục dựa vào bối cảnh: Một cách tiếp cận giáo dục tiên tiến, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Nghiên cứu Giáo dục, Tập 32, Số 3 (2016) 11-17
5. Albert Pilot & Astrid M. V. Bulte, Why do you “Need to Know”? context-based education, International Journal of Science Education, 28(9), 2006, 953-956.
[1] Shrivastava, 1998; Wilkinson, 2002; Brodo & Uden, 2006; Ismail & Maneschijn, 2001; Chang & Gütl, 2007
Christian Gütl 1, Vanessa Chang, Ecosystem-based Theoretical Models for Learning in Environments of the 21st Century, iJET - Volume 3, Special Issue 3: "ICL2008", December 2008
[2] Trường đại học University of Greenwich
[3] Mô hình của Mỹ, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Phần Lan, Australia…
[4] Mô hình của Mỹ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin