Ninh Sơn là một xã miền núi trực thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, ngày 19/11/1998, xã Ninh Sơn được thành lập trên cơ sở tách ra từ một vùng đất thuộc xã Ninh An. Xã Ninh Sơn có tổng diện tích tự nhiên trên 17.000 ha, gồm có 05 thôn, dân số hơn 6.200 người. Đảng bộ hiện có 10 chi bộ trực thuộc với 197 đảng viên. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Ninh Sơn là địa phương nằm trong vùng căn cứ cách mạng Đá Bàn - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng của tỉnh Khánh Hòa.
Đá Bàn là một thung lũng rộng hàng trăm km2 trải dài 2 bên bờ sông Đá Bàn, bốn bề có núi non bao bọc. Đá Bàn có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi; là nơi có những nhánh suối, rừng cây rậm rạp, hang, gộp tự nhiên liên hoàn; có vùng thung lũng bằng phẳng màu mỡ có thể trồng lúa và hoa màu để giải quyết lượng thực tại chỗ. Chính vì vậy, đây là căn cứ địa cách mạng vững chắc cho phong trào cách mạng, là nơi các cơ quan, đơn vị của tỉnh chọn làm địa điểm đóng quân để chỉ đạo phong trào đấu tranh.
Tháng 3/1951, nhận định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chuyển sang giai đoạn mới, quy mô, tính chất và cường độ cuộc kháng chiến phát triển cao hơn, Tỉnh ủy chuyển toàn bộ các cơ quan của tỉnh, của huyện Ninh Hòa lên Đá Bàn, xây dựng nơi này thành căn cứ của tỉnh và cho cả hai huyện Bắc Khánh. Đồng thời, Tỉnh ủy chủ trương hợp nhất 2 huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh thành Liên huyện Bắc Khánh. Tháng 8/1951, tại khu vực sông Đá Bàn, hai Huyện ủy Ninh Hòa và Vạn Ninh mở Hội nghị đại biểu, có tư cách là Đại hội hợp nhất giữa hai Đảng bộ. Đá Bàn cũng là nơi tổ chức các kỳ đại hội quan trọng của cả tỉnh và huyện, như: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 2 (tháng 12/1951); Đại hội mừng công, bầu chiến sĩ thi đua huyện và tỉnh (ngày 16/6/1953); Đại hội lần thứ IV, V của huyện ủy Bắc Ninh Hòa - Vạn Ninh và các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng bộ huyện Bắc Ninh Hòa[1]. Căn cứ Đá Bàn không chỉ là nơi che chở, bảo vệ lực lượng cách mạng của tỉnh, của vùng Bắc Ninh Hòa trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà đây cũng là nơi ghi dấu những chiến công của lực lượng bộ đội chủ lực Quân khu V như: Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn Sao Thủy); Tiểu đoàn 59 (mật danh là Tiểu đoàn 64); Tiểu đoàn 12 (Tiểu đoàn Độc Lập); Đại đội H71 và đơn vị lực lượng vũ trang Bắc Ninh Hòa. Các lực lượng vũ trang và Nhân dân căn cứ cách mạng Đá Bàn đã cùng nhau đoàn kết, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, anh dũng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh để góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, thống nhất của Tổ quốc.
Với giá trị lịch sử cách mạng, văn hóa, khoa học tiêu biểu, ngày 03/02/2021 UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 282/QĐ-CT.UBND xếp hạng Di tích lịch sử địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn, xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào của người dân Ninh An, Ninh Sơn, Ninh Hòa nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Từ một vùng đất hoang vu, cằn cỗi, dân cư từ nhiều vùng miền trong cả nước đến định cư làm ăn, sinh sống trên địa bàn xã Ninh Sơn; đời sống kinh tế của Nhân dân chủ yếu là sản xuất nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng chưa phát triển. Phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và tiềm năng, lợi thế sẵn có trên mảnh đất quê hương, cùng với sự cần cù, sáng tạo của người dân xã Ninh Sơn, đến nay, trên vùng căn cứ cách mạng Đá Bàn, bộ mặt nông thôn đã thay đổi rõ nét, kinh tế - xã hội phát triển, hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đạt chuẩn; đời sống của người dân từng bước cải thiện, đã xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,58%; thu nhập bình quân đầu người ngày càng được nâng lên, trên 41 triệu đồng/năm; hiện tại, diện tích gieo trồng cây hàng năm của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi và các tổ liên kết ra đời. Ngoài cây lúa, Nhân dân địa phương đã chủ động mở rộng diện tích trồng các loại cây hàng năm như: bắp, mía, tỏi... Chất lượng giáo dục được quan tâm, đạt chuẩn phổ cập giáo dục về mầm non cho trẻ 5 tuổi, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 2, trung học cơ sở đạt mức độ 3; y tế được đảm bảo, thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh ban đầu cho Nhân dân; cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; an ninh trật tự được giữ vững, ổn định; người dân được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ về vật chất, tinh thần.
Trong quá trình xây dựng, kiến thiết quê hương, nhiều cá nhân, hộ gia đình đã hiến đất, hiến kế và góp tiền, tự giác tháo dỡ tài sản trên đất để làm đường; đóng góp kinh phí lắp hệ thống đèn chiếu sáng trên các tuyến đường chính trong xã, cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Với những nỗ lực đó, năm 2020 xã Ninh Sơn được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vinh dự, niềm tự hào của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã nhà.
Đá Bàn xưa kia che chở bộ đội, vây ráp quân thù, Đá Bàn ngày nay đã đưa dòng nước mát về tưới những cánh đồng xanh tươi, đem lại những vụ mùa bội thu, những vườn cây trĩu quả. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Đá Bàn vẫn sừng sững hiên ngang, đem đến hương thơm vị ngọt cho đời, ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân xã Ninh Sơn nói riêng và thị xã Ninh Hòa nói chung.
Nhận thức sâu sắc về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của căn cứ Đá Bàn và trách nhiệm của địa phương trong việc phát huy những giá trị lịch sử, văn hóa của căn cứ Đá Bàn xây dựng quê hương Ninh Sơn ngày càng giàu đẹp trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ninh Sơn tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về lịch sử - văn hóa. Nâng cao hơn nữa vai trò, sự chủ động, tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã Ninh Sơn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị Di tích lịch sử địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn và Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, gắn với thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển kinh tế du lịch, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, bảo đảm mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, giữa bảo tồn, phát huy và phát triển.
Thứ hai, thường xuyên tổ chức các các hoạt động, chương trình về nguồn, báo công, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm... tại Căn cứ cách mạng Đá Bàn, Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, các em học sinh, sinh viên, nhằm nâng cao nhận thức về lịch sử vẻ vang của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa, thị xã Ninh Hòa nói chung và lịch sử cách mạng của địa phương Ninh Sơn nói riêng, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, cùng chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển.
Thứ ba, thực hiện tốt các giải pháp huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị di tích để cùng góp phần bảo vệ, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo người dân tại địa phương có tay nghề, có kiến thức hiểu biết về di tích trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, hướng dẫn du khách tham quan di tích, thực hành các trải nghiệm du lịch sinh thái; khuyến khích tạo ra những sản phẩm đặc thù của địa phương.
Gìn giữ và phát huy giá trị di tích cách mạng Đá Bàn là gìn giữ lịch sử, văn hóa của quê hương, là bảo tồn cho thế hệ mai sau chứng tích về sự mưu trí, dũng cảm, kiên trung của các thế hệ cha, anh. Với điểm tựa là lịch sử hào hùng, vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Ninh Sơn luôn nỗ lực, tích cực thi đua, lao động, sản xuất kinh doanh góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, cùng thị xã Ninh Hòa dựng xây đất nước, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
. Phạm Minh Long, Bí thư Đảng ủy -
Xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa
[1] Sau Đại hội Đảng bộ lần thứ V, (tháng 8/1966) Huyện ủy Bắc Ninh Hòa - Vạn Ninh tách thành 2 huyện ủy.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin