23:08, 18/04/2023

Nhớ về Bắc Khánh

. (Ghi theo lời kể của ông Huỳnh Năm – CCB Tiểu đoàn 59)

Năm tôi theo Thủ trưởng Nguyễn Lựu cùng anh em Tiểu đoàn 59 về Khánh Hòa, còn trẻ lắm, mới ngoài 20. Về đó đi đánh giặc, vẫn nghe câu ca:

“Mây Hòn Hèo

Heo Đất Đỏ

Mưa Đồng Cọ

Gió Tu Hoa

Cọp Ổ Gà

Ma Đồng Lớn”

Đến rồi thì sau bao năm vẫn nhớ mây, nhớ gió, nhớ mưa Khánh Hòa, nhớ những dấu chân cọp to bằng bát sắt của Trung Quốc rình quanh lán đóng quân, nhớ những bữa cơm ăn với rau rừng luộc chấm mắm, nhớ khô cá của Vạn Giã, muối tiêu Ninh Diêm bọc lá chuối non mang theo ăn cơm vắt luồn rừng.

Ngày chúng tôi đi về Khánh Hòa, đường đi Căn cứ Đá Bàn (Ninh Hòa)con đường hành quân của lực lượng chủ lực, của dân công tiếp vận từ Phú Yên vào chiến trường, đi trong rừng, ven sông suối, bám lấy núi mà đi. Lúc bấy giờ chỉ biết là đi Căn cứ 148, đâu có rõ là gì, sau mới biết là về Đá Bàn. Trong đường rừng ở Khánh Hòa đi ít nhất phải một tổ 3 người, chứ đi một người hai người là không được, cọp nó đến nó rinh đi ngay. Những lán trại thương binh, phải có người canh, không ngửi mùi máu là cọp nó đến, những ai mà thương binh là cọp nó đến ngay. Mình thấy cọp, mình sợ cọp, nhưng mình không dám nổ súng, nổ súng là lộ. Nó thấy thế nó mới lấn lên, vồ người. Cho nên đi Khánh Hòa là sợ cọp nhất.

Đó là rừng thiêng. Còn về địa hình thì căn cứ Đá Bàn nằm trên trục giao thông Bắc - Nam của Liên khu V nên có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn cán bộ qua lại trên địa bàn. Lúc chúng tôi tập kết về đây, có du kích ra dẫn đường vào, trong căn cứ có hai tiểu đội vũ trang tập trung cơ động, có nhiệm vụ canh gác các trục đường chính dẫn vào căn cứ, rồi có tổ chức hệ thống thông tin, báo động bằng hiệu kẻng mỗi khi máy bay, bộ binh địch xâm nhập căn cứ. Bảo vệ từ xa có du kích các xã vùng ven, các chốt, các đài quan sát của trinh sát, của quân báo huyện, tỉnh. Dân quân du kích trồng rau màu, mì, rồi nhận lương thực từ Phú Yên, phần dành ăn hàng ngày, phần thì cất vô hang dự trữ.

Chúng tôi về đó, tuân thủ kỷ luật chiến trường, ai biết nhiệm vụ người đó, câu mà Thủ trưởng Lựu căn dặn chúng tôi: “Ở đây tai vách mạch rừng, những chuyện bí mật xin đừng nói ra”. Ban ngày thì huấn luyện chiến đấu không ngừng nghỉ, đêm xuống là các nhóm trinh sát du kích đón đi địa bàn. Đơn vị của tôi ngày đó như bây giờ gọi là chuyên môn hóa rất cao. Đại đội 11 đánh đồn, đại đội 6 đánh quân cơ động. Còn đại đội đóng quân cơ động thì nằm phục kích phía trước, để địch xuống nó tiếp viện thì đánh chặn.  Còn đại đội đánh đồn thì tâp bộc phá ống, thủy lôi, bộc phá trụ, cách giật nụ xòe thế nào, lên mở hàng rào thế nào, giật thế nào, tập sao đến lúc thành thạo vào trận là đánh, chỉ thắng không lùi. Tôi được giao đánh bộc phá ống, bộc phá khói, mở hàng rào, nên mỗi ngày phải tập liên tục, tập miết thôi tập cho nhuần nhuyễn rồi sau đó vác súng đi. Ngày đó, cấp trên bảo đi đánh thì mình đi đánh ít khi nói toàn bộ chiến dịch ra lắm. Chiến sỹ không được biết toàn bộ kế hoạch của Tiểu đoàn. Anh trợ lý tác chiến sẽ phổ biến mệnh lệnh chỉ huy xuống dần cấp dưới. Anh ấy đi đâu cũng mang theo máy bộ đàm đi theo, anh với Tiểu đội trưởng Nguyễn Lựu như hình với bóng.

Khi Tiểu đoàn 59 ở ngoài này vào phía bắc Khánh Hòa, bắt đầu đánh Tân Phong Nhĩ Sự. Đánh hai cái bót đó vào buổi tối, tôi được giao nhiệm vụ đánh bộc phá, ông đánh tối, mà ông đó là bộc phá nhé. Khi phá xong hàng rào dây thép gai, cửa vòng ngoài mở.  Khi mở được cái cửa ra, đơn vị xông vào chiếm tháp canh, bọn giặc phần trúng đạn chết, còn lại chạy sạch hết trơn chỉ có cái bốt không.

Trước khi đi vào đánh tháp canh, thì du kích đưa đi trinh sát, đi vào các bốt điều tra. Mình mặc quần cộc, chỉ mang độc con dao găm theo người, bám sát du kích đi vào các bốt, đêm tối thấy ở dưới này dân nằm la liệt hết. Giặc bắt dân nằm ra vành ngoài của đồn để ta không dám đánh chúng. Thấy tội quá, dân già trẻ lớn bé nằm ngủ la liệt dưới cái nền sân bốt. Giặc nó làm thế để ngụy trang, làm lá chắn bảo vệ cái bốt. Du kích dẫn mình đi, thì toàn là người thân của họ cả, nên không có ai la lên. Đảm bảo an toàn cho trinh sát. Cho nên bây giờ, đêm không ngủ được, tôi lại nghĩ, chúng tôi ngày đó, đi đánh giặc, được lòng sống trong lòng dân, được nhân dân tín nhiệm và tin yêu. Điều đó rất là vinh dự cho cuộc đời của tôi khi ở Tiểu đoàn 59.

Trận Vườn Gòn – Đá Bàn thì tôi lại không tham gia, lúc đó, ở lại dưới Hòn Hèo, đánh xong rồi thì chúng tôi về lại căn cứ, chuẩn bị rút ra Phú Yên. Tôi vẫn còn nhớ bài hát ngày đó:

Bắc Khánh quê nhà mến yêu. Bát ngát cánh đồng, ngô khoai lúa với lúa vàng còn đâu, một chiều về đây trong dân. Ra vác súng ôm mìn về diệt đồn tây, Tân phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn âm thầm ra tro, Tây ra ma. Quân dân ta kết đoàn kháng chiến, một mùa từ đây. Vui tin yêu. Bắc Khánh vùng lên, Bắc Khánh vùng lên…”

Đánh ở Khánh Hòa tổ trinh sát của tôi không có ai hy sinh. Đó là một thành công lớn. Hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi về Bình Định, tiếp tục huấn luyện chuẩn bị cho đánh Tây Nguyên.

70 năm rồi, đơn vị của tôi, còn lại mấy người, đều ngoài 80 cả. Người thì yếu đau, bệnh tật, người còn minh mẫn, nhưng tất cả vẫn tràn đầy niềm tin vào Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Xin cảm ơn đồng bào Khánh Hòa kháng chiến đã che chở chúng tôi để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù xâm lược, lập chiến công trên mảnh đất này. Xin cúi đầu trước anh linh Thủ trưởng Nguyễn Lựu, Phạm Đạo, anh linh các đồng đội đã ngã xuống.

Trân trọng cảm ơn.
 

Thanh Hương – Sỹ Bằng – Tuấn Anh thực hiện