23:22, 18/04/2023

Nghệ thuật quân sự đặc sắc trong trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn và những bài học rút ra trong chiến tranh tương lai

 

Sau thất bại nặng nề ở Tây Bắc (tháng 12/1952), Thượng Lào (tháng 4/1953), hòng giành lại thế chủ động chiến lược trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp triển khai thực hiện bước 1 “Kế hoạch Nava”: giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở Bắc vĩ tuyến 18, tránh đương đầu với quân chủ lực của ta, xây dựng quân chủ lực của chúng. Đồng thời, địch đẩy mạnh tiến công ở Nam vĩ tuyến 18 bình định miền Nam, miền Trung Đông Dương, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V của ta.

Để đánh bại âm mưu của thực dân Pháp, Bộ Tư lệnh Liên khu V chủ trương mở Chiến dịch Hè 1953 tiến hành các hoạt động tác chiến rộng khắp nhằm “tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”.

Sau chiến thắng An Khê, Tiểu đoàn 59 thuộc Trung đoàn 803 là đơn vị bộ đội chủ lực của Liên khu được giao nhiệm vụ: tách khỏi đội hình chiến đấu của trung đoàn; bí mật cơ động vào chiến trường Bắc Khánh Hòa, phối hợp với lực lượng địa phương tại chỗ mở đợt hoạt động nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch; bồi dưỡng lực lượng ta, gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong nhân dân, tạo điều kiện giúp địa phương phát triển cơ sở, mở rộng phong trào chiến tranh du kích sau lưng địch; tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang ở địa phương; phối hợp với chiến trường phía Nam của Liên khu phá thế uy hiếp của địch với vùng tự do Phú Yên.

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ trên giao, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, Chính trị viên Tiểu đoàn Phạm Đạo và cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 59 đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chủ động khắc phục khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Sau 7 ngày đêm trèo đèo, băng rừng, vượt sông, lội suối, cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn cơ động từ An Khê vào đến chiến khu Đá Bàn. Theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 cùng với địa phương tham gia “Ban Chỉ huy chung” để chỉ đạo đợt hoạt động, thành phần gồm đại diện: Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tỉnh đội và Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59. Ban Chỉ huy chung thực hiện nhiệm vụ dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Tiểu đoàn 59 đã chủ động bám dân, nắm địa bàn tiến hành công tác tổ chức chuẩn bị cho đợt hoạt động tiến công rộng khắp, làm thất bại chính sách tập trung dân, thu gom lương thực của địch và đánh địch càn quét vào chiến khu Đá Bàn, bảo vệ an toàn căn cứ. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy mà trực tiếp là Ban Chỉ huy chung, từ ngày 06/4 đến 15/4/1953, Tiểu đoàn đã phối hợp với Lực lượng vũ trang địa phương tập kích tiêu diệt 05 tháp canh (ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Cầu Lớn, Mỹ Lệ, Hội Bình) tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bắt sống gần 100 tù binh, giải phóng nhân dân, thu nhiều vũ khí trang bị của địch.

Để cứu vãn tình thế và biết thông tin lực lượng chủ lực của ta đang hoạt động tại Khánh Hòa, địch sử dụng một trung đoàn hỗn hợp lính Âu - Phi - Ngụy (trên 4.000 quân), được hỏa lực không quân, pháo binh chi viện do tên Thiếu tướng LeBlanc chỉ huy, mở cuộc tiến công quy mô lớn vào căn cứ Đá Bàn, nơi cơ quan đầu não của tỉnh Khánh Hòa đang đóng.

Nắm chắc âm mưu và thủ đoạn của giặc Pháp, Tiểu đoàn 59 phối hợp với lực lượng địa phương đánh giá tình hình, bố trí chiến đấu bí mật, hình thành thế trận vững chắc, cài xen, làm hạn chế khả năng chi viện hỏa lực của địch; sử dụng chông, mìn cạm bẫy, đánh tiêu hao địch từ xa, làm chậm tốc độ tiến công, càn quét của chúng; tập kích hỏa lực vào đội hình địch tạm dừng trong đêm, gây cho chúng thương vong, rối loạn. Từ trạng thái chủ động tiến công, bị ta đánh tiêu hao, lực lượng tổn thất, tinh thần địch căng thẳng, mệt mỏi, phải liên tục căng kéo đối phó với hoạt động tác chiến của ta.

Được sự phối hợp chỉ dẫn đường của Đại đội 700 địa phương, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy đơn vị bí mật cơ động qua đường hẻm Eo Gió, bố trí lực lượng phục kích trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong khu vực Vườn Gòn, chặn đánh đường địch rút quân. Bộ đội ta đã sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị, thực hiện bám sát, đánh gần, dũng cảm chiến đấu, quyết tâm tiêu diệt địch. Mặc dù thời gian chiến đấu chỉ kéo dài từ 13 giờ đến 16 giờ, Tiểu đoàn đã tiêu diệt hơn 1 đại đội lính Âu, Phi; thu 1 đại liên, hơn 100 súng cùng các trang bị khác của địch. Trận đánh có hiệu suất chiến đấu rất cao, gây tiếng vang lớn trên chiến trường; động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội, niềm tin của nhân dân vào sức mạnh, lòng yêu nước, khả năng chiến đấu của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Sau gần 2 tháng hoạt động độc lập trên chiến trường Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 đã được cấp ủy lãnh đạo, nhân dân giúp đỡ, lực lượng vũ trang địa phương phối hợp diệt 10 tháp canh; đánh thiệt hại nặng quân địch càn quét, bảo vệ an toàn chiến khu Đá Bàn; tổ chức xây dựng, huấn luyện chiến đấu đặc công cho bộ đội tỉnh Khánh Hòa; góp phần phát triển chiến tranh ở vùng hậu cứ.

Đợt hoạt động nói chung, trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn của Tiểu đoàn 59 nói riêng, để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu, có thể vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai.

Một là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để đánh địch.

Đây là truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc ta, được Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo trong điều kiện cụ thể trên chiến trường Khánh Hòa vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ngay sau khi cơ động tới địa bàn, được sự chỉ đạo của trên, Tiểu đoàn 59 đã chủ động liên hệ với cấp ủy, Ban Chỉ huy tỉnh đội Khánh Hòa và lực lượng chiến đấu tại chỗ khác để thành lập Ban Chỉ huy chung. Qua đó, Tiểu đoàn thường xuyên nhận được sự giúp đỡ, phối hợp chiến đấu hiệu quả của Lực lượng vũ trang địa phương; sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân làm công tác địch vận để thực hiện thắng lợi các trận “công kiên” tiêu diệt tháp canh, đồn bốt của địch. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn đã chủ động họp bàn với Ban Chỉ huy Tỉnh đội xây dựng quyết tâm sát, đúng và phương án phối hợp tác chiến linh hoạt, sáng tạo giữa bộ đội chủ lực với lực lượng địa phương đánh bại trận càn của quân Pháp, bảo vệ an toàn chiến khu Đá Bàn.

Thắng lợi đợt hoạt động của Tiểu đoàn 59 nói chung, thắng lợi trận Vườn Gòn - Đá Bàn nói riêng cho chúng ta hiểu sâu sắc hơn về quan điểm, đường lối chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tương lai. Đây là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện; lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt, dưới sự lãnh đạo của Đảng; là cuộc chiến tranh chính nghĩa, tự vệ cách mạng, nhằm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc; bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân và thành quả của cách mạng. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương lai có sự kế thừa nghệ thuật quân sự độc đáo của dân tộc; kinh nghiệm quý báu của ông cha trong chiến tranh giải phóng mà còn được bổ sung, phát triển với nội hàm rất phong phú, phù hợp với tiềm lực quốc phòng của đất nước; thế, lực khu vực phòng thủ cũng như khả năng, sức mạnh của lực lượng vũ trang cách mạng. Theo đó, ta kết hợp giữa tác chiến của lực lượng vũ trang địa phương đánh tiêu hao với tác chiến của các quân binh chủng, binh đoàn chủ lực tiêu diệt lớn sinh lực địch.

Hai là, coi trọng tổng kết kinh nghiệm chiến đấu với nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Chiến tranh giải phóng kết thúc đã lâu. Các thế hệ cán bộ, chiến sỹ, nhân dân tham gia hai cuộc kháng chiến vĩ đại, trường kỳ của dân tộc - những nhân chứng lịch sử phần lớn tuổi đời đã cao; nhiều người đã mất hoặc sinh sống trên khắp các vùng miền của đất nước nên việc kết nối, liên hệ còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu lịch sử của các cơ quan, đơn vị có kiến thức, phương pháp nghiên cứu tốt; rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm với lịch sử của cha ông. Tuy nhiên, lực lượng mỏng, nhiều người sinh ra sau chiến tranh nên việc sưu tầm tài liệu, thu thập thông tin qua các nhân chứng lịch sử gặp những khó khăn nhất định. Những khó khăn trên có ảnh hưởng tới công tác tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, phục vụ cho nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Để có được các tư liệu quý về chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, chúng tôi rất vinh dự được cung cấp những thông tin giá trị có được từ các tài liệu: “Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 - 1975)”, “Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Ninh Hòa  (1930 - 2005)”; tác phẩm: “Tiểu đoàn 59 - Anh hùng trong lòng dân”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành năm 2022 và một số bài viết khác. Thông tin quý báu từ các tài liệu giúp chúng tôi hiểu sâu thêm về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy các Lực lượng vũ trang địa phương, công tác dân vận, địch vận của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Huyện ủy Ninh Hòa; về sự phối hợp có hiệu quả với bộ đội chủ lực trong chiến tranh giải phóng.

Các tài liệu cũng cung cấp nhiều tư liệu quý về công tác tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu trận Vườn Gòn - Đá Bàn. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 cũng như Tiểu đoàn trường Nguyễn Lựu đã vận dụng rất linh hoạt, sáng tạo cách đánh phục kích đúc kết trong “Bình Ngô đại cáo” của nhà chính trị - quân sự, đại thi hào, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi để tiêu diệt quân địch rút lui:

“Thế trận xuất kỳ, lấy yếu chống mạnh

Dùng quân mai phục, lấy ít địch nhiều”.

Đây là những luận cứ khoa học rất quan trọng để các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường Quân đội nghiên cứu vận dụng, phát triển nghệ thuật quân sự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Quân đội xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi đất nước có chiến tranh.

Ba là, giáo dục truyền thống đánh giặc của ông cha cho đội ngũ cán bộ trẻ trong Quân đội.

Đợt hoạt động của Tiểu đoàn 59 trên chiến trường Khánh Hòa, cũng như các trận đánh “công kiên” tiêu diệt tháp canh, đánh địch càn quét bảo vệ chiến khu Đá Bàn là bài học thực tiễn sinh động về phẩm chất đạo đức của “Bộ đội Cụ Hồ” thế hệ trước trao gửi lại cho thế hệ trẻ hôm nay về ý chí, quyết tâm chiến đấu; tình yêu Tổ quốc, tình đồng chí, đồng đội của cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 59 cũng như tác phong công tác sâu sát, linh hoạt, sáng tạo của thế hệ ông cha, trong đó có tấm gương ngời sáng của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu.

Ý chí, quyết tâm chiến đấu cao được biểu hiện ở sự khắc phục khó khăn, gian khổ, hy sinh, mất mát hành quân trong thời gian ngắn từ An Khê vào Khánh Hòa chiến đấu; ở tinh thần quyết tâm diệt giặc, đánh giặc từ xa bằng vũ khí tự tạo, bằng sự dũng cảm quên thân, đánh giáp lá cà trong trận phục kích Vườn Gòn. Tình yêu thương đồng chí, đồng đội thể hiện ở sự gương mẫu xông pha đi đầu, nhường cơm sẻ áo, không nhận ưu đãi, thuận lợi về mình mà dành cho đồng chí, đồng đội, chiến sĩ. Tác phong công tác sâu sát thể hiện là sự mẫu mực của người chỉ huy trong rèn luyện kỷ luật, huấn luyện chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền. Những phẩm chất đạo đức cách mạng ngời sáng ấy của người Tiểu đoàn trưởng đã truyền cảm hứng về tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí, đồng đội biến thành hành động chiến đấu quả cảm trên chiến trường; để Tiểu đoàn 59 của những người nông dân, công nhân, trí thức mặc áo lính trở thành “Tiểu đoàn anh hùng trong lòng dân” đánh bại 1 trung đoàn thiện chiến lính Âu - Phi - Ngụy, do một viên tướng Pháp dày dạn kinh nghiệm trận mạc chỉ huy và nhiều trận đánh lẫy lừng khác.

Ngày nay, giáo dục truyền thống đánh giặc của ông cha cho đội ngũ cán bộ trẻ trong Quân đội đã và đang được các đơn vị trong toàn quân chú trọng triển khai thực hiện với nhiều nội dung, biện pháp mang lại hiệu quả thiết thực. Thông qua chương trình giáo dục, đào tạo tại các học viện, nhà trường Quân đội cũng như giáo dục thường xuyên tại đơn vị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ của Quân đội ta có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, xứng đáng với sự tin tưởng, yêu mến của nhân dân, trở thành những cán bộ ưu tú, mẫu mực vừa “hồng”, vừa “chuyên” của Đảng hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Đây là yếu tố con người, mang tính quyết định để Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vững bước tiến lên hiện đại vào năm 2030.

 

      . Thiếu tướng, TS Tống Phú
- Phó Giám đốc Học viện Lục quân