23:22, 18/04/2023

Nghệ thuật cơ động lực lượng trong trận Vườn Gòn - Đá Bàn năm 1953

Cách đây vừa tròn 70 năm, trên địa bàn khu vực Vườn Gòn - Đá Bàn thuộc tỉnh Khánh Hòa đã diễn ra một số trận đánh không cân sức giữa ta và địch, trong đó có trận chiến đấu ác liệt giữa một bên là Tiểu đoàn chủ lực 59 của Liên khu V, phối hợp với Đại đội 700 (Lực lượng vũ trang địa phương) của Tỉnh Khánh Hòa với một bên là Trung đoàn lính hỗn hợp Âu - Phi và quân ngụy (khoảng 4000 tên) do Thiếu tướng Le Bờ Lan chỉ huy, có hỏa lực mạnh yểm trợ, tiến hành tiến công (càn) vào Chiến khu Đá Bàn với ý đồ tiêu diệt Tiểu đoàn 59, bắt sống cán bộ chủ chốt Tỉnh ủy ở căn cứ Đá Bàn. Nhưng, thắng lợi đã không thuộc về những kẻ có quân số đông, hỏa lực mạnh, mà thuộc về những người chiến binh có tinh thần gan dạ, dũng cảm của Tiểu đoàn chủ lực 59 và Lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Khánh Hòa... Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn không chỉ góp phần khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Tư lệnh Liên khu V; đánh dấu sự trưởng thành của chủ lực Liên khu, Lực lượng vũ trang Khánh Hòa, mà còn để lại một số kinh nghiệm, trong đó có nghệ thuật cơ động lực lượng.

Nghệ thuật cơ động lực lượng trong chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn thể hiện trên mấy vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, cơ động bí mật, bất ngờ, khả năng cơ động nhanh.

Cơ động bí mật, bất ngờ, khả năng cơ động nhanh là một yêu cầu xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị và thực hành tác chiến; đồng thời, có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm cho việc cơ động lực lượng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, làm tăng sức mạnh và khả năng tác chiến. Cơ động nhanh còn là biện pháp tích cực, bảo đảm cho ta có thể bổ sung đủ lực lượng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ tác chiến trong và ngoài dự kiến, cũng như có thể tạo nên sự chuyển hóa về thế trận, làm thay đổi so sách lực lượng, sức mạnh với ưu thế vượt trội đối phương ở một khu vực, một thời điểm trong tác chiến... Do vậy, bất kể ở thời điểm nào của quá trình chuẩn bị và thực hành chiến đấu cũng đều phải quán triệt và thực hiện tốt nội dung này.

Thực tế trận đánh Vườn Gòn - Đá Bàn cho thấy, việc cơ động bí mật, bất ngờ, khả năng cơ động nhanh là một thành công lớn và có tính nghệ thuật cao của bộ đội ta. Điển hình là: Đến đầu tháng 3/1953, Tiểu đoàn chủ lực 59 - đơn vị đã lập chiến công xuất sắc ở chiến dịch An Khê (lấy mật danh là Tiểu đoàn 64) mới được Bộ Tư lệnh Liên khu V giao nhiệm vụ vào chiến trường Bắc Khánh Hòa hoạt động; nhưng, chỉ sau một tuần lễ, hành quân từ An Khê, lội Sông Ba, vượt qua các dãy núi thuộc tỉnh Phú Yên, Tiểu đoàn 59 đã cơ động đến Khánh Hòa, dừng chân ở Chiến khu Đá Bàn. Sau đó, theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khánh Hòa, Tiểu đoàn 59 chia làm 2 bộ phận hoạt động ở hai khu vực: Bộ phận thứ nhất đứng chân tại Hòn Hèo; bộ phận còn lại (gồm 3 đơn vị: Đại đội 4, Đại đội 6, Đại đội 8) ở tại căn cứ Đá Bàn. Ở thời điểm đó, chủ trương của Huyện ủy là đẩy mạnh chống kế hoạch bình định của địch, lấy vùng Tây làm trọng điểm chính; mục tiêu tấn công đầu tiên của quân chủ lực là phối hợp với du kích xã Hòa Trí tấn công tiêu diệt 2 tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự (mỗi tháp canh do một tiểu đội lính hương vệ đóng giữ). Thực hiện chủ trương đó, vào đêm 06/4/1953, bộ đội ta mở màn đợt tiến công vào các mục tiêu của địch. Tiểu đoàn 59 tấn công tiêu diệt 2 tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự; Đại đội 700 bao vây đồn Quảng Cư, xã Ninh Thượng (nay thuộc xã Ninh Trung) để kiềm chế lực lượng và khống chế hỏa lực của địch, yểm trợ cho mục tiêu chính ở tháp canh Tân Phong, Nhĩ Sự... Do cơ động nhanh, giữ được bí mật nên chỉ trong khoảng thời gian tác chiến ngắn, tháp canh Tân Phong đã bị ta tiêu diệt, thu toàn bộ vũ khí và bắt sống toàn bộ bọn tề điệp ở tháp canh Tân Phong; biết tin tháp canh Tân Phong đã bị ta diệt, quân địch ở tháp canh Nhĩ Sự tháo chạy, ta thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng của địch.

Sau khi phá được 2 tháp canh ở Tân Phong, Nhĩ Sự, Tiểu đoàn 59 khẩn trương cơ động, tiếp tục triển khai lực lượng tiêu diệt một số tháp canh trọng điểm khác như tháp canh Cầu Lớn (xã Ninh Thọ), tháp canh Mỹ Lệ (xã Ninh Đa), tháp canh Hội Bình (xã Ninh Phú), bắt nhiều tù binh, thu nhiều vũ khí. Đặc biệt, khi địch tiến hành bắn cấp tập, dọn đường tiến quân tiến vào căn cứ Đá Bàn trên cả 3 hướng (Bắc, Nam và chính diện), Chỉ huy Tiểu đoàn 59 đã chủ động bố trí, triển khai một bộ phận lực lượng kịp thời ngăn chặn địch; lực lượng còn lại được bổ sung một trung đội của Đại đội 700 (vũ trang địa phương) do đồng chí Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy, chờ lúc màn đêm buông xuống, bí mật hành quân qua hẻm Eo Gió (cách Bến Ghe một cây số), rồi vòng ra bên ngoài tổ chức phục kích địch trên đoạn đường Cầu Gỗ, Suối Sâu trong Vườn Gòn của Sở Thằng Lô (mặc dù địch có bộ phận gác ở Bến Ghe nhưng chúng không hề hay biết)... Rõ ràng, do làm tốt nội dung cơ động bí mật và khả năng cơ động nhanh, Tiểu đoàn 59 đã tạo nên bất ngờ khi tiến công địch và đã giành được thắng lợi nhanh, gọn trong các trận đánh.

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy: Việc giữ được bí mật, tạo được yếu tố bất ngờ và cơ động nhanh là nghệ thuật dùng binh, nghệ thuật điều khiển quá trình hành binh của người chỉ huy nhằm đưa lực lượng cơ động vào thực hiện nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện có lợi. Để có được thành công ấy, trong quá trình cơ động lực lượng cần giữ được bí mật và tiến hành cơ động lực lượng nhanh để tạo nên yếu tố bất ngờ với địch, buộc địch rơi vào trạng thái bị động đối phó… Do đó, ngay từ khi làm công tác tổ chức chuẩn bị đến khi thực hành cơ động lực lượng, cần bảo đảm tuyệt đối về yếu tố bí mật, bất ngờ và cơ động nhanh... Đây là một kinh nghiệm quý, vẫn còn nguyên giá trị trong hoạt động tác chiến hiện đại, khi quân và dân ta buộc phải tiến hành một cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không cân sức với đối phương (nếu xảy ra). Tuy nhiên, trong điều kiện mới, để giữ được bí mật, tạo được bất ngờ và cơ động nhanh thì trong quá trình thực hành cơ động lực lượng cần kết hợp tiến hành nhiều biện pháp nghi binh, lừa địch; kết hợp nghệ thuật với kỹ thuật, thô sơ với hiện đại; giữa bố trí, triển khai lực lượng giả với bố trí, triển khai lực lượng cơ động trên các hướng, địa bàn tác chiến; đồng thời, cần thực hiện tốt những quy định về phòng gian, bảo mật tài liệu, thông tin liên lạc; các quy định trong hành, trú quân, cũng như tổ chức ngụy trang kín đáo khu vực trú quân, đường cơ động, vị trí triển khai thực hiện nhiệm vụ (có thể lợi dụng địa hình, địa vật để ngụy trang, che mắt địch). Nhất là, những người lãnh đạo, chỉ huy dự kiến được nhiều phương án cơ động khác nhau, có công tác tổ chức chuẩn bị, bảo đảm cơ động chu đáo. Ngoài ra, cần có kế hoạch phòng tránh, đánh địch trên chặng đường hành quân, cơ động, kịp thời khắc phục vật cản, đẩy mạnh những hoạt động tác chiến của lực lượng tại chỗ đánh địch rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi, chu đáo nhất cho việc cơ động lực lượng, triển khai, tập trung bộ đội nhanh theo đúng quyết tâm tác chiến; đó cũng là cơ sở quan trọng để trận chiến đấu giành được thắng lợi với tổn thất, hy sinh thấp nhất.

Thứ hai, cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt.

Cơ động chuyển hóa thế trận để đánh địch là một quá trình đấu trí, đấu lực gay gắt, quyết liệt giữa ta và địch; do đó, nó cũng đòi hỏi phải có tính nghệ thuật cao. Thế trận được lập trong giai đoạn tổ chức chuẩn bị chiến đấu dù được chuẩn bị kỹ đến đâu cũng mới chỉ là những tính toán, dự kiến ban đầu, là cơ sở để người chỉ huy và cơ quan tham mưu chuyển hóa thế trận đánh địch đạt hiệu quả cao. Đồng thời, các tình huống cũng khó có thể diễn ra theo đúng dự kiến ban đầu; vì vậy, mục đích của việc cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt là thay đổi thế trận cho phù hợp với tình hình hoặc ý định tác chiến mới; và cũng là quá trình chuyển hóa thế trận ban đầu cho phù hợp với tình hình thực tế của địch, ta theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Thực tế, trận đánh chống càn đã diễn ra ở khu vực Vườn Gòn - Đá Bàn năm 1953 cho chúng ta một số kinh nghiệm về nội dung cơ động, chuyển hóa thế trận linh hoạt. Cụ thể: ngay sau khi địch thực hành tiến công vào căn cứ Đá Bàn trên cả 3 hướng: Hướng thứ nhất (ở phía Bắc) địch sử dụng khoảng 700 quân, từ Xuân Sơn tiến vào Gò Trơ, dọc theo sông Đá Bàn tiến lên Dốc Chanh nhằm chặn đường rút lui của Tiểu đoàn 59 về Phú Yên. Hướng thứ hai (phía Nam) địch sử dụng khoảng 400 quân, từ dốc Dài tiến ra chặn mặt Nam khu căn cứ. Hướng thứ ba là hướng chủ yếu (hướng chính diện) địch sử dụng khoảng 2.500 quân; từ Quốc lộ 1 tiến lên Bến Ghe... Do phán đoán đúng và sớm nắm được ý định của địch, lãnh đạo, chỉ huy trận chiến đấu đã chủ động triển khai bố trí thế trận chống càn rất linh hoạt, bố trí Tiểu đoàn 59 có 3 đại đội được phối thuộc một trung đội của Đại đội 700, Đại đội 6 bố trí tại Vườn Gòn làm nhiệm vụ chặn đầu, Đại đội 8 bố trí tại Sở Thằng Lô làm nhiệm vụ khoá đuôi đón lõng, Đại đội 4 và Đại đội 700 đảm nhiệm đánh địch ở hai bên sườn dọc theo trục đường cơ động và tập trung lực lượng chia cắt, tiêu diệt quân địch khi chúng co cụm.

Đặc biệt, ở căn cứ chiến khu Đá Bàn, Tiểu đoàn 59 đã kịp thời bố trí, sử dụng một lực lượng ngăn chặn địch, lực lượng còn lại tổ chức, cơ động vòng ra bên ngoài khu trung tâm, triển khai phục kích địch ở khu vực quyết chiến, đó là: từ “Sở Thằng Lô” (đồn điền cũ của người Pháp) đến Vườn Gòn. Bên trong căn cứ Đá Bàn, theo kế hoạch ta triển khai đánh địch từ xa; dùng hầm chông, mìn gài sẵn gây cho địch nhiều tổn thất; do ta làm tốt việc cơ động chuyển hóa thế trận nên đến tận chiều địch mới vào được rìa căn cứ Đá Bàn. Nhất là, dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, Đại đội 6 triển khai chặn đầu đội hình chiến đấu, chặn được quân địch khi chúng vừa đến đập tràn Hòa Huỳnh (cuối Vườn Gòn); Đại đội 4 tổ chức triển khai chia cắt được lực lượng địch làm cho chúng không thể chỉ huy và liên kết được giữa các lực lượng với nhau; Đại đội 8 bố trí triển khai lực lượng khoá đuôi và đón lõng... Với thế trận được bố trí rất cơ động, linh hoạt và tinh thần chiến đấu ngoan cường của bộ đội ta, nên chỉ sau khoảng 3 giờ chiến đấu (từ 13 giờ đến 16 giờ chiều), bộ đội ta kết thúc thắng lợi trận đánh, tiêu diệt hơn 400 tên địch chết và bị thương thu 1 khẩu đại liên, hàng trăm súng các loại.

Như vậy, việc cơ động lực lượng trong trận đánh diễn ra ở khu vực Vườn Gòn - Đá Bàn dưới sự chỉ huy tài tình, mưu trí, sáng tạo, có tính nghệ thuật cao của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, bộ đội ta đã tiến hành cơ động chuyển hóa thế trận rất linh hoạt, làm cho toàn bộ lực lượng địch bị rơi vào thế trận ta đã bầy sẵn, bố trí sẵn tại khu vực Vườn Gòn - Đá Bàn... Chiến công của Tiểu đoàn 59 và Lực lượng vũ trang địa phương Khánh Hòa không chỉ cho thấy vai trò quan trọng của việc cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, mà còn góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật của bài học này trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thứ ba, bộ đội chủ lực dựa vào lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân trong cơ động lực lượng và tác chiến.

Tích cực khai thác cơ sở vật chất tại chỗ để kịp thời khắc phục khó khăn, bổ sung những thiếu thốn về hậu cần và một số mặt bảo đảm khác là một nội dung quan trọng, luôn giành được sự quan tâm của người chỉ huy và cơ quan bảo đảm trong chiến tranh. Đặc biệt, những ưu thế, sở trường của quân và dân địa phương ở khu vực, địa bàn sắp hoặc đang diễn ra chiến sự, như: thông thuộc địa hình, nắm được một số thông tin về tình hình địch đóng quân (lực lượng, vị trí bố phòng, quy luật hoạt động và thủ đoạn của chúng...); đó một “kênh thông tin” một nguồn tin rất hữu ích, có giá trị và cần thiết đối với những người lãnh đạo, chỉ huy trong quá trình nắm địch để chuẩn bị cho các trận chiến thắng lợi.

Tháng 3/1953, khi Tiểu đoàn chủ lực 59 được giao nhiệm vụ vào chiến trường Bắc Khánh Hòa, tình hình trong tỉnh, nhất là ở Ninh Hòa lúc này tuy đã có bước phát triển mới, nhưng lúa gạo còn đang bị địch tập trung, đêm đêm dân vẫn phải vào đồn ngủ. Đặc biệt, ở vùng Tây (xã Hòa Trí) địch xây dựng được bộ máy tề, điệp rất đắc lực và gian ác; nhân dân bị đầu độc, bưng bít và bị o ép rất gắt gao... Nhưng, bất chấp âm mưu thâm độc của địch, nhiều cán bộ vẫn dũng cảm bám dân, bám làng để tổ chức quần chúng kháng chiến; tuy nhiên, ở thời điểm này, trên địa bàn các xã của huyện Diên Khánh lực lượng của ta còn rất mỏng; lực lượng vũ trang địa phương cũng tương đối yếu... Vì vậy, Tiểu đoàn 59 đã gặp phải những bất lợi không hề nhỏ. Đứng trước những khó khăn đó, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chỉ đạo Tiểu đoàn 59 cùng với địa phương thành lập Ban Chỉ huy chung thực hiện nhiệm vụ, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Khánh Hòa nhằm chỉ đạo các hoạt động tác chiến; thành phần gồm Đại diện Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59. Đồng thời, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã kịp thời giao nhiệm vụ cho Đại đội 300 và Đại đội 900 phối hợp chiến đấu với lực lượng chủ lực và bổ sung một trung đội của Đại đội 700 cho Tiểu đoàn 59 (đây là lực lượng nòng cốt trong phối hợp dẫn đường và phối hợp tác chiến với chủ lực rất hiệu quả). Ngoài ra, sự phối hợp các hoạt động tác chiến của bộ đội với các hoạt động đấu tranh với địch của nhân dân trên địa bàn cũng góp phần hỗ trợ cho các trận chiến đấu giành thắng lợi...

Rõ ràng, những kinh nghiệm về bộ đội chủ lực dựa vào lực lượng vũ trang tại chỗ và nhân dân địa phương để cơ động lực lượng và tác chiến có hiệu quả cao trong trận chiến đấu ở Vườn Gòn - Đá Bàn là một minh chứng thực tế để  khẳng định những trận đánh diễn ra ở khu vực Vườn Gòn - Đá Bàn, năm 1953, là trận chiến cam go của quân và dân ta; thể hiện sự anh dũng, mưu trí và quả cảm của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59, của Lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói chung, Ninh Hòa nói riêng; thắng lợi của trận chiến đấu đã góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, tô thắm truyền thống đánh giặc cứu nước oanh liệt nhưng rất vẻ vang; đồng thời, góp phần làm phong phú thêm bề dày kho tàng kinh nghiệm tác chiến của nền nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Quá khứ dần lùi xa, sau 70 năm, rất có thể chiến trường xưa đã không còn dấu tích của trận chiến, nhưng những chiến công trong trận Vườn Gòn - Đá Bàn năm 1953 vẫn còn mãi trong trái tim mỗi người dân yêu nước của quê hương Khánh Hòa, của dân tộc Việt Nam; nhất là, những kinh nghiệm được trả bằng máu, bằng xương của những người chiến sĩ quả cảm đã ngã xuống trong các trận đánh ác liệt, cam go ở mảnh đất Vườn Gòn - Đá Bàn đã góp phần khẳng định sức mạnh của ý chí, nghị lực và tinh thần bất khuất của dân tộc ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Cho dù cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta (nếu  lại xảy ra trong tương lai) đã, đang và còn có nhiều thay đổi; cả ta và địch đều có nhiều yếu tố mới để tiến hành các trận chiến trên chiến trường, cũng như làm cho nghệ thuật chiến đấu của quân và dân ta sẽ có bước phát triển mới; nhưng, trước mắt, những kinh nghiệm được đúc rút từ trận Vườn Gòn - Đá Bàn năm 1953, cũng đã góp phần khẳng định sự sáng suốt, tính đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, tính khách quan trong xây dựng thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố theo Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 30/7/1987 của Bộ Chính trị (khóa VI) về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc; trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc để bảo vệ đất nước hiện nay... Rõ ràng, đây là những kinh nghiệm quý, có giá trị cả về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ở cả hiện tại và trong tương lai. Vì vậy, rất cần được lưu giữ, trao truyền, cũng như tiếp tục nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hơn nữa và chuyên sâu hơn nữa.

 

   . Đại tá, TS Lưu Bách Định
-
Chủ nhiệm Bộ môn Phòng không/ Học viện Quốc phòng