. (Ghi theo lời kể của Đại tá Trương Công Vọng, CCB Tiểu đoàn 59)
Sau khi chiến dịch Hè Thu 1952 tại Quảng Nam - Đà Nẵng kết thúc với những thắng lợi ở Điện Bàn, Kỳ Lam, Gò Nổi, Lệ Sơn, Đồn Nhất – Hải Vân Quan…vv, tháng 10/1952 Tiểu đoàn 59 về Hoài Nhơn - Bình Định huấn luyện. Lúc này, quân dân Liên khu V phấn khởi thi đua tăng gia sản xuất, mùa vụ bội thu, khắp nơi giăng cao khẩu hiệu: “Thực túc binh cường, ăn no đánh thắng”, quyết tâm tập trung dồn sức người, sức của ra tiền tuyến. Liên khu ủy, Bộ Tư lệnh Liên khu V quyết định mở chiến dịch Đông Xuân 1952-1953. Cuối tháng 11/1952, trong đội hình của Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 59 của chúng tôi hành quân lên An Khê tham gia tiêu diệt đồn Tú Thủy. Trên đà thắng lợi, tiêu diệt đồn Thượng An và lô cốt Đầu Đèo trên đỉnh đèo An Khê ngày 21/1/1953, thu được khẩu pháo 155mm, đại bác lớn nhất trên chiến trường Đông Dương lúc bấy giờ.
Cuối tháng 2/1953, được lệnh của Bộ Tư lệnh Liên khu V và Trung đoàn 803, Tiểu đoàn 59 hành quân vào hoạt động ở Khánh Hòa, đánh ra Bắc Khánh rồi vô Đông Khánh, phía Tây Nha Trang. Vào đó đánh từ tháng 3 đến cuối tháng 5, tiêu diệt tháp Tân Phong và Nhĩ Sự ở Bắc Ninh Hòa, tiêu diệt trung tâm hành chính của nó ở Hội Bình cũng ở Ninh Hòa. Lúc đó, chiến trường Bắc Khánh chỉ có Tiểu đoàn 59 là chủ lực quân, nhân dân tin yêu lắm. Nên trinh sát của Tiểu đoàn bám sát dân, đánh trận nào thắng trận đó.
Và trận đánh lớn nhất là ở Vườn Gòn – Đá Bàn!
Những năm đó, đường vào Đá Bàn rậm rạp, sâu trong đó là cả một thung lũng đá, toàn đá tảng to như núi, có lẽ vì thế mà người ta gọi là Đá Bàn, hùm beo có cả, rất hoang vu, sau này, thống nhất rồi Nhà nước cho thanh niên xung phong đắp cái đập thủy lợi thành hồ nước, trước đó chỉ là một thung lũng nằm giữa các dãy núi. Nơi đây rừng rậm núi cao, có những ngọn núi cao trên 1.000m như núi Mẹ Bồng con, Hòn Gục, Hòn Chảo… có ba con suối lớn, khi chúng tôi về căn cứ, qua đường Phú Yên, thấy núi non trùng trùng điệp điệp, khi đó có ông Võ Danh nói rằng, Khánh Hòa chọn Đá Bàn vì xưa là căn cứ của các cụ thủa Cần Vương đánh Pháp, kẻ thù khiếp sợ nơi này.
Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu về Khánh Hòa, khi đó ông vừa tròn 40, dày dạn kinh nghiệm trận mạc, lại thêm Trung đoàn phó Hà Vi Tùng phụ trách Tiểu đoàn trước đó đã cùng Tiểu đoàn 365 ở Khánh Hòa nên rất thông thạo địa hình và nắm bắt rõ tình hình cơ sở. Hai vị chỉ huy này đã làm kẻ thù khiếp sợ, bởi tiếng kèn xung trận của Tiểu đoàn 59 vang lên ở trận nào thì kẻ thù sẽ thua đau ở trận đó.
Lúc bấy giờ, tôi là đại đội phó nên có lúc theo Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu đi họp chỉ huy, ông hay mặc bộ đồ bà ba đen, cổ đeo miếng vải đỏ, sau này anh em đều theo ông, đeo khăn đỏ, quyết tử chiến. Đó cũng là một hình ảnh suốt đời tôi không quên về vị thủ trưởng của mình.
Ở Bắc Khánh những năm đó, giặc đã xây dựng hệ thống tháp canh dày đặc, rồi lô cốt nửa nổi nửa chìm, chúng dồn dân vào ngủ đồn, thu hết lúa gạo, chặn đường tiếp tế của dân cho căn cứ. Ninh Hòa lúc đó là vựa lúa của Bắc Khánh mà dân không thể tiếp tế gạo cho căn cứ vì bọn tề ngụy hương dõng tàn bạo, chúng sẽ bắn chết nếu thấy dân liên lạc với cán bộ. Tình hình rất nguy hiểm vì giặc đã tìm mọi cách để li gián nhân dân với cán bộ kháng chiến.
Tiểu đoàn 59 nhận lệnh từ căn cứ xuống Hòn Hèo 1 đại đội, 2 đại đội ở lại, cơ động, di chuyển đánh trận trên quốc lộ 1, khi có biến thì về lại căn cứ, tập trung bảo vệ Tỉnh ủy và các cơ quan. Tiểu đoàn 59 về hoạt động ở Bắc Khánh, diệt hàng loạt tháp canh, từ Hòn Khói đến Hòn Hèo, dấu chân của quân chủ lực đi đến đâu, tháp canh địch bị hạ đến đó, giải phóng cho đồng bào về làng, gây dựng lại phong trào du kích, phá thế kềm kẹp của địch…
Hệ thống tháp canh bị vỡ, tề ngụy theo hàng cách mạng, kẻ thù lo sợ tuyến phòng thủ Nha Trang, Khánh Hòa bị tấn công, chúng biết chắc chắn bộ đội chủ lực của ta đã vào Khánh Hòa nên chúng tập trung quân rất đông, khoảng 4000 quân viễn chinh từ Nha Trang đánh lên Đá Bàn.
Lệnh từ Ban chỉ huy xuống các đại đội, chỉ để lại một bộ phận ở dưới Ninh Diêm, Hòn Khói, các đơn vị về lại căn cứ, chuẩn bị đánh giặc.
Đó là nhằm ngày 19 tháng 4, phi pháo bắn cấp tập, rồi máy bay giã bom xuống căn cứ, lửa đỏ rực trời. Trước đó, ta nắm được đặc tình, nên đã di chuyển hết các cơ quan vào sâu trong núi. Giặc tấn công vào căn cứ, có toán quân bọc hậu chặn đường rút của ta sang Phú Yên. Nhưng Đá Bàn như một trận đồ, vào đó khó có lối ra nếu không biết đường. Trước đó, đêm 18, chúng tôi đã được lệnh rút ra ngoài căn cứ, lúc đó, chỉ biết tuân lệnh chỉ huy, không hỏi han thắc mắc gì cả. Tiểu đoàn lặng lẽ di chuyển dọc theo suối sâu, qua Eo Gió, tập kết tại Vườn Gòn - nơi này được dân địa phương gọi sở Thằng Lô – tên của công sứ Pháp chủ đồn điền trồng bông gòn ở đây. Tất cả bí mật nằm đợi lệnh. Gần một ngày trời đói lạnh đủ cả.
Sáng 20, giặc sau khi vào căn cứ, đốt hết lều lán, không thu được gì, trái lại bị quân du kích và bộ đội địa phương và một bộ phận của Tiểu đoàn bám trụ lại, ẩn nấp trong các hang đá bắn hạ, thứ thì trúng hầm chông, cạm bẫy, dính mìn, lựu đạn gài, rồi hỏa lực của ta ở lại bảo vệ căn cứ liên tiếp trút xuống khiến chúng bị tiêu diệt khá nhiều, trưa 20, chúng bắt đầu rút quân về.
Về đúng đến Vườn Gòn, hỏa lực trung liên ta vừa thu được ở các trận trước phát huy thế mạnh, giã thẳng vào đội hình địch, chúng hoảng loạn vì không biết Việt Minh từ đâu ra, chạy tan tác. Lúc đó, kèn xung trận vang lên, bộ đội ta đồng loạt tấn công các mũi, dồn địch xuống suối sâu, hơn 400 tên địch bị tiêu diệt. Ta thu đại liên, súng ống nhiều vô kể. Đánh trận xong, kèn thu quân nổi lên, tất cả Tiểu đoàn được lệnh rút, bỏ lại chiến trường đầy xác giặc. Bên ta có 14 chiến sỹ hy sinh và bị thương một số đồng chí.
Sau khi thắng trận, Tiểu đoàn lại rút về sâu trong căn cứ, bảo toàn lực lượng. Tiểu đoàn trưởng và Chính trị viên cho anh em làm lễ truy điệu và chôn cất các liệt sĩ tại đó. Mấy chục năm qua, vẫn nhớ, Trung đội trưởng Chức khi mất, vẫn nắm chặt súng, anh em phải gỡ mãi mới ra.
Đó là trận đánh lịch sử của Tiểu đoàn 59 tại Căn cứ Đá Bàn. Sau này, anh Phan Đắc Lực có bài thơ “Về với Khánh Hòa”, lính Tiểu đoàn 59 thuộc lòng, đến khi làm sử Tiểu đoàn, chúng tôi có đưa vào cuối của cuốn “Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803, chủ lực cơ động Liên khu V”, sau này in lại trong cuốn “Tiểu đoàn 59 – Anh hùng của lòng dân”, anh em đều thuộc cả.
Sau trận Đá Bàn, đại đội 4, được lệnh tiếp tục đánh lên Nha Trang, chúng tôi hành quân lên Cầu Thành, rồi đánh đồn Cầu Thành, Phú Nẫm, Phú Cốc, đánh cảm tử diệt cùng lúc ba đồn giặc, rồi Đảnh Thạnh, Am Chúa… Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ thị ra cho tôi là lập đội đặc công, gồm 9 người thôi, 9 người đi từ Bắc Khánh Hòa vào Nam Khánh Hòa nghiên cứu chiến trường. Tôi là một, anh Toàn người Đà Lạt là 2, Khoa người Trị Thiên là 3, Hợi người Hòa Vang là 4, anh Cho người Điện Tiến là 5, Trên người Thăng Bình là 6, Cao Quý Hùng người Bình Sơn, Quảng Ngãi là 7 này, Mẫn là 8, và một khẩu đội trưởng đi theo là 9 người. 9 người trong đêm tháng 5 tiêu diệt luôn 3 cái là một Phú Nẫm, hai Phú Cốc, 3 là Cầu Thành đi xuống Nha Trang đó, tôi phụ trách, anh Toàn, anh Khoa ở Trị Thiên phụ trách đánh Phú Nẫm, anh Hợi với anh Cho, anh Trên phụ trách tiêu diệt cầu Thành, Cao Quý Hùng với anh Mẫn đánh nghi binh cuối cùng nó đầu hàng cái Phú Cốc. Một trận mà vô đánh một chiến trường có 9 người tiêu diệt 3 cứ điểm nhỏ của nó.
Tại Đại hội mừng công ngày 16 tháng 6 ở Đá bàn, D59 với mật danh H64 được tuyên dương trước toàn thể các đại biểu. Tin vui đi khắp Khánh Hòa. Hoàn thành nhiệm vụ, Tiểu đoàn 59 chúng tôi được lệnh trên rút về Quảng Ngãi học tập chính trị, huấn luyện chiến thuật. Tạm biệt Khánh Hòa, tôi có câu thơ “Ngoảnh nhìn cây cối nước non; Khánh Hòa anh dũng mãi còn khắc sâu”!
Nay được biết tin Khánh Hòa xây Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn, tôi không thể đi được, xin gửi nén tâm hương đến đồng đội của mình đã nằm xuống.
Xin cảm ơn Chánh Án Nguyễn Hòa Bình, con trai út của thủ trưởng Nguyễn Lựu, anh ấy xứng đáng là con của Bộ đội Cụ Hồ, vì dân vì nước, không quên ơn người đi trước.
Cảm ơn Khánh Hòa đã tri ân các liệt sỹ và tôn vinh chiến công của Tiểu đoàn 59 của chúng tôi ở Đá Bàn. Đất và người Khánh Hòa mãi mãi khắc ghi trong ký ức cựu chiến binh D59.
Chào quyết thắng!
Thanh Hương - Sỹ Bằng - Tuấn Anh thực hiện
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin