Ngày 23/9/1945, được sự giúp đỡ của quân đội Anh, thực dân Pháp đã tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Âm mưu của chúng là nhanh chóng dùng lực lượng quân sự sẵn có đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam, lập lại chế độ thuộc địa và Liên bang Đông Dương. Theo Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng (ngày 12/12/1946) và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, nhằm đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do.
Tại chiến trường Nam Trung Bộ, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Tiểu đoàn 59 đã được thành lập vào tháng 6/1950, hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng; đến tháng 11/1951, Tiểu đoàn được sáp nhập đội hình của Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu V. Trải qua 11 năm xây dựng và trưởng thành (từ năm 1950 đến năm 1961) gắn liền với chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, có mặt ở hầu khắp chiến trường Liên khu V: từ mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng đến Nam - Bắc Tây Nguyên, Phú Yên, Khánh Hòa. Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đó, những nơi mà bước chân của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 59 đã đi qua đều gắn liền với những chiến công hiển hách cùng sự yêu mến của bà con Nhân dân trên từng mảnh đất anh hùng.
Sau chiến thắng An Khê, Liên khu V tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch và Đại hội Chiến sĩ thi đua nhằm tuyên dương, trao cờ danh dự cho các đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc. Để thực hiện Nghị quyết quân sự của Liên khu ủy: “Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”, Bộ Tư lệnh Liên khu ủy đã chủ trương mở chiến dịch Hè 1953. Đại bộ phận Trung đoàn 803 được lệnh lên Nam Tây Nguyên. Riêng Tiểu đoàn 59 tách khỏi đội hình Trung đoàn vào Khánh Hòa với nhiệm vụ: Tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch đối với vùng du kích, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương.
Sau trận chống càn thắng lợi tại Vườn Gòn, Đá Bàn, tiêu diệt và làm bị thương hơn 400 tên địch của một trung đoàn lính Âu - Phi - Ngụy hỗn hợp do Thiếu tướng Le Blanc chỉ huy; theo đề nghị của Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy Tỉnh đội Khánh Hòa, Tiểu đoàn cử một lực lượng vào Nam Khánh Hòa hoạt động, hỗ trợ địa phương phát triển chiến tranh du kích. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn cử đồng chí Trương Công Vọng - cán bộ của Tiểu ban Chính trị Tiểu đoàn - cùng 9 đồng chí khác thuộc tiểu đội trinh sát đặc công vào Nam Khánh Hòa.
Tại Nam Khánh Hòa, địch bố trí hệ thống đồn, bốt (tháp canh) dày đặc. Tổ bộ đội địa phương Vĩnh Khánh lúc này do đồng chí Trần Mốc chỉ huy đã chủ trương cho anh em theo học kỹ thuật đặc công, lối đánh sở trường của Tiểu đoàn 59 rồi vận dụng sáng tạo vào lối đánh du kích của bộ đội địa phương.
Phương châm trong cách đánh của Tiểu đoàn 59 là: Đánh đồn trong đó địch tập trung khoảng một tiểu đoàn, thì phải đánh cấp trung đoàn; địch gồm một đại đội thì đánh cấp Tiểu đoàn; nếu địch có 3 hoặc 4 hàng rào thì phải chuẩn bị bộc phá ống, bộc phá khói, thuốc TNT, rồi dùng thang tre để vượt tường, vượt hàng rào, chiến hào. Tất cả phải chuẩn bị đầy đủ vì đánh đồn phải tỉ mỉ. Mỗi đơn vị đánh mở đường thì phải có một tiểu đội trinh sát, một tiểu đội bộc phá, một tiểu đội hỏa lực. Khi bảo đảm cả ba tổ vật chất đó, đánh mới thắng… Qua một thời gian ngắn tích cực học tập, nghiên cứu cách đánh và nắm chắc tình hình, tương quan lực lượng giữa địch - ta, chỉ trong 01 đêm (12/5/1953), ta đã hạ tháp canh Phú Nẫm, hạ tháp canh cầu Thành, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ địch ở tháp canh Phú Cốc. Ba hôm sau, lực lượng vũ trang huyện do 2 đồng chí Lê Minh Đức và Ông Văn Bưu chỉ huy diệt gọn 02 tháp canh Am Chúa và Đảnh Thạnh bắt sống 22 tên thu toàn bộ vũ khí.
Với sự hỗ trợ tích cực của bộ đội chủ lực thuộc Tiểu đoàn 59 cùng hoạt động tích cực của các lực lượng vũ trang, trong Xuân - Hè 1953, địch phải rút bỏ 28 đồn bót, tháp canh trên đoạn đường từ Lương Sơn đến Hòa Tân.
Những thắng lợi về mặt quân sự ở huyện cùng với chiến công vang dội trận Tân Phong, Nhĩ Sự trên chiến trường Bắc Khánh Hòa đã tác động mạnh mẽ đến tinh thần kháng chiến trong Nhân dân. Là tiền đề quan trọng cho những thắng lợi về sau của quân và dân Khánh Hòa, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh bại quân Pháp xâm lược sau 9 năm ròng rã kháng chiến. Từ đây, Nhân dân và lực lượng vũ trang Diên Khánh tiếp tục cùng cả nước bước vào cuộc chiến đấu mới chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Với những đóng góp to lớn của Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu V năm 1953, Đảng bộ và Nhân dân huyện Diên Khánh luôn ghi nhận sự hỗ trợ của Tiểu đoàn đối với địa phương trong phong trào chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang.
Trân trọng, tự hào, giữ gìn và không ngừng phát huy bản chất, truyền thống vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ đi trước, trong thời gian tới, để góp phần xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Huyện ủy, UBND huyện xác định sẽ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn huyện tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ một số giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý Nhà nước về quốc phòng. Tổ chức quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng và Quân khu, Bộ CHQS tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
Thứ hai, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ, lồng ghép nhiều hình thức và biện pháp phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Trong đó, tập trung tuyên truyền thông qua hội nghị, cuộc họp của cơ quan, đơn vị, địa phương, trên Đài Phát thanh và Truyền hình, lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, lễ hội của địa phương; nội dung tuyên truyền tập trung vào phổ biến các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ ba, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) các cấp và duy trì hoạt động có nền nếp, hiệu quả, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GDQP&AN trên địa bàn. Tích cực đổi mới hoạt động của Hội đồng GDQP&AN các cấp phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo, tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho các đối tượng theo kế hoạch, tổ chức GDQP&AN cho học sinh đạt kết quả tốt. Công tác phổ biến kiến thức QP&AN cho toàn dân phải được thực hiện có nền nếp.
Thứ tư, giao cho Cơ quan Quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, coi trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quân sự cấp xã, thị trấn, đơn vị tự vệ. Đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá của Đại hội Đảng bộ Quân sự huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên. Thực hiện tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và huấn luyện dân quân tự vệ theo phân cấp, đúng nội dung, chương trình kế hoạch của trên. Tổ chức triển khai đúng quy trình các bước tuyển quân, đảm bảo 100% chỉ tiêu cấp trên giao. Công tác tuyển sinh quân sự vào các học viện, nhà trường quân đội và các trường công an hàng năm phải được được các cấp quan tâm triển khai chặt chẽ.
Thứ năm, tổ chức xây dựng lực lượng dự bị động viên đủ về số lượng, mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Đồng thời, tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện, đẩy mạnh xây dựng phong trào nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Thực hiện tốt công tác dân vận, tích cực tham gia giúp dân “giảm nghèo bền vững”, xây dựng nông thôn mới.
Thứ sáu, chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ quân sự các cấp, coi trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cho các đối tượng. Chỉ đạo cơ quan quân sự tổ chức duy trì nghiêm công tác xây dựng nền nếp chính quy, quản lý rèn luyện kỷ luật gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, quản lý chặt chẽ lực lượng dự bị động viên, nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Thứ bảy, chỉ đạo Cơ quan Quân sự huyện làm tốt công tác tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện làm tốt công tác chuẩn bị tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, kết hợp phòng thủ dân sự cấp huyện và diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã, thị trấn hàng năm đạt kết quả tốt, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết các chính sách còn tồn đọng sau chiến tranh, chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng địa phương trong tình hình mới.
Trong bối cảnh hiện nay, khi toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà nói chung và huyện Diên Khánh nói riêng đang ra sức nỗ lực, đặt quyết tâm bứt phá, phát triển toàn diện theo tinh thần của Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, luôn quán triệt nhất quán quan điểm của Đảng về nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với củng cố QPAN. Quá trình tổ chức thực hiện, ngoài những thuận lợi là cơ bản, sẽ còn có những khó khăn, thử thách nhất định, vì vậy việc kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi về ý chí kiên cường, bất khuất, khắc phục mọi khó khăn, mọi hi sinh, gian khổ trong chiến đấu để giành chiến thắng, để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ luôn mang một ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ trong những năm tháng chiến tranh mà còn ngay cả trong giai đoạn hiện nay.
. Nguyễn Văn Đồng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Diên Khánh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin