Tôi là Lữ Tấn Xa, còn gọi bằng các tên Lữ Xa, Lanh. Tôi nhập ngũ ngày 1/1/1948, đầu tiên thuộc Đại đội 6 độc lập của tỉnh đội Quảng Nam, thuộc quân số của Vệ quốc đoàn. Năm 1950, tôi là bộ đội Tiểu đoàn 59 – Trung đoàn 803 - Chủ lực cơ động Liên Khu V do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu chỉ huy.
Tôi có mặt ở Tiểu đoàn 59 ngay từ buổi đầu thành lập tại Thôn 10, xã Tam Chánh, Thị xã Tam Kỳ, Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (Nay thuộc Phường Hòa Hương, Thành phố Tam Kỳ - Tỉnh Quảng Nam). Tiểu đoàn 59 của chúng tôi là đơn vị thực hiện phương châm do Bộ Tổng tham mưu đề ra: “Đại đội độc lập, Tiểu đoàn tập trung”, cơ động chiến đấu ở từng mặt trận, từng khu vực. Với phương châm này, ở Liên khu V, Tiểu đoàn 59 của chúng tôi đã được thành lập và huấn luyện cách đánh đặc công để chiến đấu khắp địa bàn miền Trung và Tây Nguyên. Lúc đầu, chúng tôi đâu có biết rõ như vậy, sau này, mỗi khi kết thúc chiến dịch, về Hoài Nhơn (Bình Định) để huấn luyện chiến thuật, kĩ thuật và chỉnh huấn, chỉnh quân, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Chính trị viên Phạm Đạo nói chuyện giáo dục bộ đội, chúng tôi dần mới nhận thức được về đơn vị của mình và rất tự hào vì thuộc về một đơn vị chủ lực cơ động của Liên khu V.
Khi về Tiểu đoàn 59, tôi được rèn luyện tập chiến kỹ thuật, súng đạn tất cả các loại: đặc công khô, đặc công nước, rồi đánh ban ngày, đánh ban đêm… Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu trước đó đã chỉ huy một Tiểu đoàn Vệ quốc đoàn của Quảng Nam nên rất kiên trì và nhẫn nại nghiên cứu và rèn giũa chúng tôi học tập để trở thành người lính của một đơn vị đặc công chủ lực. Sau này, chúng tôi còn được cán bộ của Nam Bộ ra hướng dẫn kỹ, chiến thuật nên mau chóng trưởng thành.
Sau 3 năm hoạt động, Tiểu đoàn của chúng tôi đã đánh nhiều trận lớn, lập chiến công xuất sắc. Năm 1953, khi đánh thắng ở Gia Lai, mấy trận liên tiếp, danh tiếng của Tiểu đoàn 59 đã vang khắp chiến trường, chúng tôi nhận được lệnh vào Khánh Hòa chiến đấu, vì lúc đó, phong trào cách mạng, kháng chiến ở Khánh Hòa đã bị kẻ thù khủng bố dã man, dân bị bắt bớ, ngày đi làm ruộng, tối về đồn, lãnh bơ gạo nấu ăn, không ai được về nhà, lầm than khôn xiết.
Chúng tôi về Khánh Hòa, những anh em trinh sát, đặc công mũi nhọn được cử đi xuống Hòn Hèo, Hòn Khói – Ninh Hòa để đánh tháp canh, đồn bốt. Chúng tôi về đó, những làng chưa lập tề, cơ sở cách mạng đưa đi trinh sát địa hình, nuôi bộ đội rồi đưa vào trinh sát những vùng tạm chiếm, đi đâu cũng có mối du kích dẫn đường rất an toàn.
Đồng bào Khánh Hòa thấy có bộ đội về thì bà con cô bác ở những vùng lõm, vùng kềm có bánh trái, hoa quả, tiền nong là vận động đưa ra cho căn cứ cho bộ đội rất nhiều. Còn ở trong các vùng đó, khi chúng tôi đi trinh sát, ở địa phương, dân hay đi cúng bái miếu này, miếu khác, họ mua rất nhiều thức ăn rồi họ để đó cho bộ đội. Đi điều tra ban đêm 5 người 10 người mà vô gặp cái miếu đó thì đồ ăn thoải mái. Họ để đấy cho bộ đội ăn, không bị đói khát, cơ sở cách mạng trong Nha Trang cũng liên lạc chặt chẽ ra ngoài. Anh em y sĩ, bác sĩ ở ngoài này thiếu cái gì thì liên lạc họ cũng mua gửi ra cho.
Những ngày ở căn cứ, bữa ăn hàng ngày là thân chuối rừng xắt ra, chấm mắm, hoặc muối rang, ở sát khe suối có nhiều loại rau mình cải thiện được. Còn nấu nướng hồi đó bộ đội ăn theo cấp. Thí dụ, một đại đội tầm 150 chiến sĩ thì có một tổ nuôi quân nấu nướng đàng hoàng, cơm chia vắt cho từng người đủ một ngày, nếu đi trinh sát thì được mang theo đủ 2 ngày, ngày thứ 3 có gạo rang để trong ống tre. Trú quân chỗ nào cũng đào bếp Hoàng Cầm để nấu, không cho khói lửa bay lên ban đêm cũng như ban ngày phải giữ kỹ, bí mật mới đánh thắng được. Cho nên tập luyện của chúng tôi cũng bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất như thế “đi không dấu, nấu không khói”. Đó là ở căn cứ, còn bộ đội trinh sát lúc bấy giờ, đi làm nhiệm vụ, bỏ lại hết tư trang, không mang theo gì, vì để đảm bảo bí mật, nếu sa vào phục kích, giặc có bắt cũng không biết thuộc về đơn vị nào.
Lúc đó, ở Bắc Khánh, thực dân Pháp xây dựng lô cốt bằng bê tông cốt thép rất kiên cố, tường dày lắm, có chỗ 2m, làm lỗ châu mai để bắn ra. Cho nên mình đánh theo kĩ thuật của mình. Anh em mình đánh theo kiểu súng đạn không thể bắn hư được lô cốt, mà mình dùng thủ pháo, lựu đạn rồi thuốc để lên tay rồi mình đánh nhét vô nổ bép bép, súng đạn của chúng hư hết. Rồi mình nhả vô trong đánh bộ binh, đánh theo đặc công chứ súng đạn hồi đó ít. Dùng dao găm và lưỡi lê là chủ yếu. Về lính Pháp, có mấy cái loại lính đánh khó, một là lính Maroc, nó đánh 1 chết 1 sống, 2 là lính lê dương, 3 nữa là loại lính đánh thuê của Úc, Tây Ban Nha. Nó cao to hơn mình, lại có vũ khí, lựu đạn đủ cả nên mình phải đánh bất ngờ, bí mật, nếu không sẽ bị chúng áp đảo, bắt được sẽ bắn chết luôn, cả dân cũng bị bắn rất nhiều.
Về Bắc Khánh, chúng tôi đánh được nhiều tháp canh lắm, nhưng ở đó, còn có lô cốt bê tông kiên cố, chỉ có lỗ châu mai rất nhỏ, trên cao, giặc ở trong đó, bắn ra ngoài nên rất khó hạ. Lại thêm có dân ngủ đồn, nên chúng tôi phải tính toán kỹ để không tổn hại.
Về sau, trinh sát chúng tôi biết lệ, dân sẽ bị bắt đi lễ công giáo vào ngày nhất định và lúc đó, chỉ có lính trong lô cốt. Sau khi biết được điều đó, tính đến ngày dân đi lễ hết, lệnh công đồn bắt đầu. Vì bất ngờ tấn công nên giặc trở tay không kịp, chúng tôi dùng thủ pháo ném vô, sau đó trung liên yểm trợ và xông lên. Các bót: Cầu Lớn, Tân Phong, Nhĩ Sự… đều bị diệt theo lối đó.
Bộ đội 59 khi đánh những trận lớn, có hiệp đồng với du kích hoặc địa phương quân, thường lấy kèn đồng làm hiệu lệnh tiến quân, tôi không nhớ rõ tên bản nhạc, nhưng nghe kèn xung trận oai hùng biết là chủ lực cơ động đánh, giặc tan tác hết cả.
Khi ra trận, mấy ai nghĩ ngày về nên chúng tôi mỗi người thường kiếm cho mình miếng vải đỏ, cảm tử quân, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Nguyên do là từ Thủ trưởng Nguyễn Lựu, trước khi đánh trận ở Gia Lai, ổng đã có lời thề với anh em “thà chết không lùi” nên mang khăn đỏ vô cổ. Từ bấy là lính 59 hay đeo khăn đỏ cảm tử, nhất là anh em đi cửa mở, phá hàng rào đồn địch, họ cầm chắc cái chết nhưng đâu có ai sợ hãi.
Trước hồi tôi vào Tiểu đoàn 59, đã hoạt động ở Đại đội Độc lập của Quảng Nam, được huấn luyện đánh biệt động, nên khi vào đơn vị, thành thạo đánh đặc công lắm, có cả đặc công nước. Vì thế, vào Khánh Hòa, chúng tôi còn huấn luyện cho quân địa phương ở đây cách đánh đặc công, anh em nhiệt tình học hỏi và chúng tôi sẵn sàng trợ giúp.
Khi đánh Tân Phong, tôi là tiểu đội trưởng hỏa lực, tôi giữ khẩu DKZ, anh em đánh cửa mở là chúng tôi phải trợ giúp, áp sát ngay, bắn hết đạn cũng phải bắn, hết thì dùng thủ pháo, lựu đạn, bộc phá đánh sập lô cốt để cho bộ binh tấn công vô tiêu diệt. Đánh xong rồi, anh em mình khi giải thích cho bà con để không sợ Pháp bắt ngủ đồn, không đi lính cho Pháp, ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh, ủng hộ kháng chiến, cách mạng. Dân thương lắm, lại cho con cháu theo làm du kích, rồi có anh đủ điều kiện vào bộ đội luôn.
Đến nay, mấy chục năm trời đã trôi qua, tôi được các anh chị ở đoàn làm phim báo biết tin, chiến thắng Vườn Gòn đã được tỉnh Khánh Hòa xây tượng đài chiến thắng, tôn vinh chiến công của Tiểu đoàn chúng tôi, giờ thì lớp chúng tôi già hết cả, những người đánh Vườn Gòn năm ấy có anh Trương Công Vọng là còn sống nhưng nghe nói ảnh ốm nặng lắm, tôi ở xa chưa tới thăm được.
Tôi xin tặng lại Huân chương Chiến thắng của tôi cho phòng trưng bày ở Khu lưu niệm Chiến thắng Vườn Gòn, đây là phần thưởng của Bác Hồ và Bộ Tổng Tham mưu dành cho tôi trong thời kỳ ở Tiểu đoàn 59, cùng với giấy khen “Chiến sỹ giết giặc giỏi” (Bản phô tô có công chứng).
Tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa, đặc biệt là đồng bào Ninh Hòa, đã giúp đỡ chúng tôi trong kháng chiến, nay lại ghi nhận, tôn vinh Tiểu đoàn của chúng tôi với chiến thắng Vườn Gòn – Đá Bàn.
Xin trân trọng cảm ơn anh Nguyễn Hòa Bình, người con út của thủ trưởng Nguyễn Lựu, anh ấy có một hành trình rất đẹp và ý nghĩa khi tìm lại những đồng đội của cha mình, giúp chúng tôi kết nối nhau, cùng thắp lại ngọn lửa truyền thống anh hùng của Tiểu đoàn 59.
Kính chúc các đồng chí khỏe mạnh, cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Trân trọng!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin