Trong lịch sử quân sự, có những trận đánh quy mô không lớn, lực lượng hai bên tham chiến khá chênh lệch, diễn ra trên một không gian hẹp và trong một khoảng thời gian ngắn... song ý nghĩa và giá trị của trận đó lại vượt xa giá trị của một trận đánh thông thường. Trận Vườn Gòn - Đá Bàn trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Khánh Hòa là một trong những trận đánh “để đời” như vậy.
Đá Bàn là một thung lũng rộng nằm ở phía Tây Bắc huyện Ninh Hòa (nay là xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa), có diện tích hơn 100km2. Đây là khu vực có địa hình khá hiểm trở, bốn phía có núi bao bọc. Phía Tây là dãy núi Hòn Gục nối liền với núi Mẹ Bồng Con, phía Bắc giáp vùng Xuân Sơn - Mỹ Đồng của huyện Vạn Ninh, phía Nam là dãy núi Dốc Dài, từ đây có đường giao liên băng qua Quốc lộ 21 để vào phía Nam; phía Đông là thung lũng tiếp giáp với Bến Ghe, Sở Lô và các thôn Ngọc Sơn, Lạc Ninh. Nơi sông Đá Bàn đổ xuống đồng bằng được gọi là Bến Ghe. Từ Bến Ghe, có con đường đất rộng, nối với Quốc lộ 1 dài khoảng 10km. Tóm lại, khu vực Đá Bàn có vị trí “địa - quân sự” khá lý tưởng.
Vùng giáp ranh với Đá Bàn như Xuân Sơn, Cung Hòa, Hòa Sơn... thường xuyên bị quân Pháp càn quét để thiết lập thành vành đai trắng nên nhiều người dân đã phải bỏ làng chạy vào khu vực Đá Bàn để sống. Theo một số tài liệu thống kê thì đã có 148 người dân lẩn tránh vào khu vực này phát nương, làm rẫy và sinh sống (chính vì điều này mà sau khi hình thành, căn cứ Đá Bàn được mang mật danh là Căn cứ 148).
Cuối năm 1949 đầu năm 1950, tại Khánh Hòa, thực dân Pháp tăng cường lực lượng bắn phá, bao vây và lập hệ thống đồn bốt, tháp canh dày đặc để khống chế và kiểm soát lực lượng cách mạng. “Cuối năm 1949, giao thông đường bộ về Hòn Hèo thường bị ách tắc. Việc tiếp tế bằng đường biển từ vùng tự do Liên khu 5 vào không còn an toàn. Lực lượng của tỉnh chưa nhiều nhưng rất bị động về vấn đề lương thực, chi phối rất nhiều đến việc chỉ đạo phong trào chung, nhất là đối với các huyện phía Nam” . Trong bối cảnh đó, để bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não kháng chiến trên địa bàn, Tỉnh ủy Khánh Hòa chủ trương chuyển toàn bộ các cơ quan của tỉnh, của huyện Ninh Hòa đến Đá Bàn, xây dựng nơi đây thành căn cứ của tỉnh và cho cả hai huyện Bắc Khánh. Sở dĩ Đá Bàn được lựa chọn vì nơi đây “có địa thế thuận lợi để lập căn cứ kháng chiến vì ở trên tuyến hành lang chiến lược Bắc - Nam và nối liền với đường dây liên lạc vùng tự do Liên khu 5. Mặt khác, từ nơi đây có thuận lợi cho việc đi về các địa phương trong tỉnh chỉ đạo phong trào” .
Việc xây dựng căn cứ Đá Bàn lúc đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc giải quyết vấn đề lương thực tại chỗ cho các đơn vị trong căn cứ. Nguyên nhân chủ yếu là do con đường Dốc Mõ - Xuân Sơn thường xuyên bị quân Pháp phục kích, chặn đánh; trong khi về phía chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hòa lại chưa thể khai thông được con đường tiếp viện từ vùng tự do Phú Yên vào. Lúa gạo từ các vùng đồng bằng Ninh Hòa và Vạn Ninh đều bị thực dân Pháp kiểm soát rất chặt. Thêm vào đó, trong thời gian đầu, “đa số cán bộ, nhân viên các cơ quan chưa quen lao động nặng nhọc, chưa biết phát rẫy, làm đất gốc, đất tranh để trồng trỉa hoa màu, chưa quen khí hậu.”3. Vượt lên những khó khăn ban đầu, dưới sự lãnh đạo, động viên của Tỉnh ủy, quân và dân địa phương đã nỗ lực, phấn đấu nhanh chóng xây dựng Đá Bàn thành một căn cứ kháng chiến vững chắc.
Cùng với việc chuyển các cơ quan đầu não từ căn cứ Hòn Hèo lên Đá Bàn, theo quyết định của Tỉnh ủy hai huyện Ninh Hòa và Vạn Ninh hợp nhất thành huyện Bắc Khánh. Lực lượng bộ đội địa phương theo đó cũng có sự thay đổi: hai đơn vị của hai huyện cũ sáp nhập thành một đại đội địa phương lấy tên là Đại đội Lê Hồng Phong do đồng chí Võ Cứ làm Đại đội trưởng, Chính trị viên Đại đội là đồng chí Nguyễn Thặng. Sau đó đại đội được sáp nhập với Đại đội vệ quốc quân 360 trong liên Trung đoàn 80 - 83 thành liên đại Bắc Khánh đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy và Ban chỉ huy Tỉnh đội. Ngay khi được sáp nhập, Liên đại Bắc Khánh đã tổ chức nhiều đội vũ trang cắm ở các vùng để hỗ trợ cho công tác xây dựng cơ sở, giúp đỡ kèm cặp dân quân du kích, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh trên toàn địa bàn.
Cuối năm 1952, trên chiến trường Khánh Hòa, thực dân Pháp tiếp tục đẩy mạnh chính sách “bình định” vùng tạm chiếm với những nỗ lực cao hơn, như củng cố bộ máy ngụy quyền, phát triển hệ thống tề điệp, phát triển đạo Tin Lành, tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân càn quét vào các căn cứ kháng chiến, các vùng du kích và ra sức kìm kẹp Nhân dân bằng hệ thống đồn bốt và tháp canh.
Trước tình hình đó, Liên khu ủy Khu 5 đã tiến hành Hội nghị lần thứ 3 dưới sự chủ trì của các đồng chí Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Chánh đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh cuộc kháng chiến ở địa bàn chiến lược Nam Trung Bộ, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quân sự: “Tiếp tục xây dựng cơ sở, đẩy mạnh phong trào đấu tranh trong vùng sau lưng địch; tích cực tiêu diệt địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đẩy mạnh công tác ngụy vận để phá âm mưu mở rộng ngụy quân của địch; tích cực bố phòng vùng tự do, xây dựng căn cứ địa” với phương châm tác chiến: “Du kích chiến là chính, học tập đánh vận động trong điều kiện thuận lợi” và phương hướng hoạt động quân là mở một đợt hoạt động mạnh trên chiến trường toàn Khu nhằm: “tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh; phối hợp với chiến trường toàn quốc” .
Đầu năm 1953, căn cứ chủ trương của Trung ương Đảng, Khu ủy 5, Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo: “Trước hết, là phá cho được thủ đoạn dồn dân, tập trung lúa gạo, ly gián Nhân dân với các lực lượng vũ trang trong tỉnh, thi đua đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, ra sức tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, ra sức thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng, hướng hoạt động của các lực lượng vũ trang được xác định về nông thôn và đồng bằng” . Từ chỉ đạo cụ thể nói trên, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Khánh Hòa chọn Bắc Khánh là hướng tấn công chính, Nam Khánh là hướng phối hợp. Nhiệm vụ phối hợp chiến trường Bắc Khánh đặt ra cho quân và dân Vạn Ninh là phải nỗ lực phối hợp với quân và dân Ninh Hòa để đẩy mạnh tiêu hao, tiêu diệt địch, triệt phá giao thông, đồng thời đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị lên cao theo đà chiến thắng quân sự. Tuy nhiên, Tỉnh ủy cũng nhận định một số thuận lợi và khó khăn trên chiến trường như: “Khánh Hòa được xem là nơi tốt nhất để ta tiến hành tiêu diệt sinh lực địch, nhưng tại thời điểm này, chủ lực của ta chưa thể triển khai các trận đánh lớn vì cơ sở của Nhân dân còn non, nên việc tiếp tế sẽ khó khăn, nhất là từ khi vùng tự do Nam Trung Bộ rơi vào thiếu đói” . Từ đó, Ban Chỉ huy Tỉnh đội Khánh Hòa xác định chiến thuật tấn công thích hợp nhất trong giai đoạn này là phát triển lối đánh nhỏ, sau đó sẽ tiến dần lên các trận đánh lớn.
Nhiệm vụ trước mắt của quân và dân Khánh Hòa được xác định là đánh vào chỗ yếu nhất của địch trong hệ thống tháp canh. Đây là một chủ trương đúng đắn, chính xác và phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân trong tỉnh. Nhờ học tập và vận dụng tốt phương châm công tác vùng sau lưng địch của Trung ương Đảng, kết hợp chặt chẽ giữa ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), lực lượng vũ trang tỉnh Khánh Hòa đã tiếp thu và nâng cao được những yếu tố kỹ thuật, chiến thuật trong cách đánh tháp canh, đánh cứ điểm đồng thời phát động Nhân dân đứng lên đánh địch, phát triển phong trào kháng chiến.
Đầu tháng 2/1953, sau khi tham gia chiến dịch An Khê, Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Chính trị viên Phạm Đạo được điều vào Bắc Khánh để phối hợp chiến đấu cùng bộ đội địa phương và dân quân du kích nhằm đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại vùng này. Sau 1 tuần lễ từ An Khê, lội sông Ba, vượt qua các dãy núi thuộc tỉnh Phú Yên vào đến Khánh Hòa, tiểu đoàn đã dừng chân tại căn cứ Đá Bàn.
Địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn khá rộng, trải dài từ Quốc lộ 1, vùng Nam đường 21, khu vực xung quanh Hòn Khói và thị trấn Ninh Hòa. Tại chiến trường mới, cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn đã nhanh chóng nắm chắc phương châm vùng sau lưng địch: “dân vận, ngụy vận và chiến tranh du kích, tiêu diệt và tiêu hao sinh lực địch, phát triển và mở rộng vùng du kích, phá tan chính sách bình định của địch, ra sức hoạt động kìm chân không cho chúng tự do vơ vét sức người, sức của, đưa quân đánh Phú Yên và vùng tự do Liên khu 5”.
Để đảm bảo sự phối hợp thống nhất, hiệu quả trong tác chiến giữa các đơn vị quân chủ lực và bộ đội địa phương, Ban Chỉ huy chung vùng Bắc Khánh đã được thành lập gồm có đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Trung đoàn 803, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 và các Ban cán sự vùng. Lực lượng của Tiểu đoàn được chia thành 2 bộ phận: Bộ phận thứ nhất đóng tại căn cứ Đá Bàn (gồm các Đại đội 4, 6, 8) và bộ phận thứ 2 đứng chân tại Hòn Hèo.
Mở đầu hoạt động quân sự trong năm 1953, mục tiêu tiến công chính của Tiểu đoàn 59 là nhằm vào hệ thống tháp canh và đồn bốt của địch để phá vỡ thế kìm kẹp của chúng, mục tiêu chính là hai tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự (Ninh Hòa). Đây là 2 tháp canh quan trọng nằm trong vùng bình định kiểu mẫu của quân Pháp, có bộ máy tề ngụy khá vững chắc, đã gây nhiều đau thương cho cán bộ, đồng bào và cũng là nơi điển hình về việc tập trung lúa gạo, tập trung dân ngủ đồn. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn xác định, muốn đánh thắng trước tiên phải dũng cảm và mưu trí, kết hợp với các loại vũ khí cải tiến, dám đánh và đánh thắng địch. Đêm 03/4/1953, Tiểu đoàn 59 đã phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương nổ súng tiến công tháp canh Tân Phong và Nhĩ Sự. Đại đội 700 được giao nhiệm vụ bao vây đồn Quảng Cư, pháo kích kiềm chế lực lượng và khống chế hỏa lực súng cối 80 ly của địch nhằm yểm trợ cho mục tiêu tấn công chính. Bị tấn công bất ngờ và bị bao vây tứ phía nên cả hai tháp canh đã bị ta tiêu diệt, 2 tiểu đội lính địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, thu toàn bộ vũ khí, bắt sống toàn bộ tề, ngụy,... Ta tập trung đồng bào ngủ đồn, tổ chức mít tinh tại chỗ vừa khuếch trương thanh thế, vừa giải thích các chính sách của Đảng và Chính phủ cách mạng, kêu gọi Nhân dân đoàn kết đấu tranh xóa bỏ ngủ đồn và không đưa lúa gạo vào trong đồn nữa. Nhân dân nhận thấy thái độ, cử chỉ bảo vệ dân của bộ đội, được giải thích về chính sách kháng chiến đã giải tỏa được những hiểu lầm trước đây đối với cán bộ cách mạng. Tin chiến thắng được loan truyền khắp vùng Ninh Hòa đã làm cho binh lính Pháp ban đêm không dám ở trong các tháp canh còn lại.
Chiến thắng Tân Phong và Nhĩ Sự đã mở ra một hình thức tác chiến mới, đó là phải biết dựa vào dân, nắm chắc địch tình, nắm chắc mục tiêu và cách bố phòng của chúng, tuy chỉ dùng lực lượng ít, đánh lực lượng địch đông, nhưng với ý chí chiến đấu và tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí, tấn công bất ngờ đã làm cho địch trở tay không kịp. Chiến thắng này cho thấy lực lượng vũ trang Khánh Hòa có đủ khả năng đánh phá hệ thống đồn bốt kiên cố của địch trên chiến trường Khánh Hòa.
Tiếp đó, ngày 09/4/1953, bộ đội tiếp tục tổ chức tiến công tiêu diệt tháp canh Cầu Lớn trên đường Ninh Hòa - Hòn Khói. Đây là tháp canh được quân Pháp xây dựng kiên cố, với hỏa lực mạnh nhằm bảo vệ cầu, đường, đồng thời để cắt đứt con đường liên lạc của ta từ Hòn Hèo đi lên Đá Bàn. Chính trên đoạn đường giao thông chiến lược này, nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đường công tác đã bị địch bắt và hy sinh, gây cho ta nhiều tổn thất to lớn . Để tiêu diệt tháp canh này, ta đã sử dụng súng SKZ (súng không giật) bắn xuyên tháp canh, áp đảo ngay từ đầu, làm cho nhiều lính địch bị thương và chết cháy. Hoang mang trước sức tấn công của ta, toàn bộ tề ngụy tại đây đã đầu hàng và bị bắt sống, tháp canh này bị đánh sập. Với thắng lợi của trận Cầu Lớn, ta đã giải phóng Nhân dân thoát khỏi ách kìm kẹp của địch tại vùng này.
Có thể nói, thắng lợi của các trận đánh tháp canh của Tiểu đoàn 59 cùng lực lượng vũ trang địa phương trong thời gian này đã tạo bước ngoặt mới trong việc đánh bại chính sách “bình định” của quân Pháp trên toàn chiến trường Khánh Hòa.
Nhận thấy chiến thuật tháp canh không thể đứng vững nên quân Pháp đã chuyển hướng hoạt động, thay đổi phương thức tác chiến. Chúng tiến hành lập các khu hành chính, cho xây các lô cốt kiên cố, vừa chìm, vừa nổi và có tính chất co cụm hơn. Đồng thời, một mặt tăng cường lực lượng cho các cứ điểm như Gò Bà Hụi, tiểu khu Mỹ Lệ, tiểu khu Đại Mỹ,... Mặt khác, tiếp tục tập trung quân càn quét, đánh phá vào căn cứ kháng chiến một cách quyết liệt hơn.
Ngày 18/4/1953, thực dân Pháp tổ chức cuộc hành quân quy mô lớn do thiếu tướng Lơ-Bơ-Lăng (Leblanc) trực tiếp chỉ huy với trên 4.000 quân cơ động Âu Phi tấn công vào căn cứ Đá Bàn nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta. “Đây là cuộc tấn công quy mô lớn hơn bao giờ hết của quân Pháp ở Khánh Hòa từ trước đến giờ. Gần 20 tàu thủy và ca nô đổ bộ lên Bà Hà (Hòn Khói) và 180 cơ giới từ Nha Trang tiến ra Bắc Khánh” . Với ưu thế về lực lượng và trang thiết bị vũ khí, quân Pháp chia làm 3 cánh từ các hướng Đường 21, Dục Mỹ, Tân Xuân, Dốc Dài,... Hóc Chim, Dốc Mõ tiến vào hình thành thế bao vây căn cứ Đá Bàn. Sáng ngày 19/4, trận địa pháo của địch ở Xuân Sơn (Vạn Ninh) bắn cấp tập vào căn cứ dọn đường, một cánh quân từ Xuân Sơn vượt đèo Ông Cộ vào Gò Trơ, dọc theo bờ Bắc sông Đá Bàn tiến lên chân Dốc Chanh nhằm nút chặn đường rút của chủ lực ta ra vùng tự do Phú Yên. Cánh thứ 2 từ Dốc Dài tiến ra chặn mặt phía Nam căn cứ. Cánh chính diện từ quốc lộ 1 tiến lên Bến Ghe, trên không máy bay trinh sát (L19) dẫn đường và chỉ điểm cho máy bay oanh tạc, dội bom và pháo binh bắn yểm trợ cho bộ binh đánh vào.
Để đối phó với thủ đoạn mới của quân Pháp, trong căn cứ, Đại đội 700 phân tán một bộ phận lực lượng phối hợp với du kích bằng cách đánh du kích nhỏ lẻ, bằng các tuyến bố pḥòng chông mìn, cạm bẫy bám sát đội hình địch, tiêu diệt một số lực lượng của chúng. Tiểu đoàn 59, có một trung đội của Đại đại 700 phối hợp dẫn đường, từ dốc Ông Thượng bọc qua Suối Trầu tổ chức trận địa phục kích từ đầu Vườn Gòn (Sở Lô) trở lên, chờ đánh đường lui quân của địch.
13 giờ ngày 20/4, từng cánh quân địch lần lượt rút về trên con đường này, Tiểu đoàn 59 bất thần nổ súng đánh mãnh liệt vào giữa đội hình cánh quân cuối cùng của địch. Bị đánh bất ngờ, địch lớp chết, lớp bị thương mất khả năng chống trả. Số địch đi đầu xoay đội hình dùng hỏa lực chi viện bắn rát vào lực lượng ta để yểm trợ cứu đồng đội của chúng phía sau. Ban Chỉ huy Tiểu đoàn lệnh dùng hỏa lực đại liên, súng cối chế áp, ghìm đầu số quân đi đầu, xung phong tiêu diệt số sống sót phía sau, thu chiến lợi phẩm. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, tiếng súng 2 bên đánh nhau nổ dữ dội. Kết quả, ta tiêu diệt một đại đội lính Pháp, thu nhiều vũ khí, có 1 đại liên. Bên ta, trong trận phục kích có 14 đồng chí hy sinh.
Bị đánh rất đau, địch cố bưng bít, che giấu thất bại nhưng không sao che giấu nổi, ảnh hưởng của trận đánh lan nhanh và tác động rất rộng, cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của Nhân dân và làm cho tinh thần binh lính địch rất hoang mang, sợ hãi.
Sau thất bại này, địch rút toàn bộ lực lượng tham gia cuộc hành quân vào Nha Trang, kể cả 4 đại đội cơ động của Tiểu khu tăng viện cho Ninh Hòa trước đó. Như một phản ứng dây chuyền, ngày 12/5, địch ở đồn Tân Lâm và tháp canh Đồng Thân (xã Ninh Thượng) bỏ đồn rút chạy về quận. Khuyếch trương chiến quả, đêm 15/5, Tiểu đoàn 59 phối hợp với Đại đội 900 tiêu diệt tiếp 2 tháp canh Mỹ Lệ và Hội Bình, tề ngụy ở tháp canh Phước Sơn ban đêm tập trung vào cùng phòng giữ bót Hội Bình cũng bị ta tiêu diệt và bắt sống.
Sau chiến thắng Đá Bàn, lực lượng vũ trang ta đã giành được nhiều lợi thế trên chiến trường Khánh Hòa. Quân Pháp đã phải hủy bỏ kế hoạch đánh chiếm căn cứ Đá Bàn.
Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn không chỉ là một thắng lợi về quân sự thuần túy, mà còn mang ý nghĩa lịch sử và tinh thần. Đây là một trong những trận đánh đầu tiên mà bộ đội ta đã phô bày một kịch bản phản công khá hoàn hảo, đầy tính chiến lược và sáng tạo. Trận đánh đã chứng tỏ cho các đơn vị lực lượng vũ trang của ta có thể đánh bại quân Pháp nếu được tổ chức tốt và có cách đánh sáng tạo, hợp lý. Đồng thời, chiến thắng này cũng là một minh chứng cho tính quyết đoán, dám đánh và quyết đánh thắng của Ban Chỉ huy Tiểu đoàn 59 dưới sự chỉ huy tài ba của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu và Chính trị viên Phạm Đạo và tinh thần quyết đánh, quyết thắng, sự hy sinh quả cảm của bộ đội ta.
Có thể nói, trận Vườn Gòn - Đá Bàn đã đánh dấu chấm hết cho thời kỳ “làm mưa, làm gió” của quân Pháp trên chiến trường Khánh Hòa. Mặc dù sau thất bại cay đắng này, chúng vẫn tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các căn cứ cách mạng trên toàn tỉnh để cố gắng khôi phục lại vị thế của mình trên chiến trường, song mọi nỗ lực của chúng đều không xoay chuyển được tình thế. Ngược lại, với quân và dân Khánh Hòa nói riêng, lực lượng vũ trang Khu 5 nói chung, chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã mang lại cho họ niềm tin và khí thế tiến công mới, sẵn sàng bước vào những trận đánh mới để kết thúc cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp. Có lẽ, chỉ chừng đó thôi cũng đủ để chúng ta có quyền tự hào về chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn.
. Tiến sĩ Hồ Hải Hưng-
Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP. Hồ Chí Minh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin