23:16, 18/04/2023

Căn cứ cách mạng Đá Bàn - Từ lịch sử đến hiện tại

70 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta bước sang một giai đoạn mới, Tỉnh uỷ Khánh Hòa  đã quyết định xây dựng chỗ đứng chân ở căn cứ mới - căn cứ cách mạng Đá Bàn. Nơi đây, đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của Tỉnh uỷ và là nơi diễn ra chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn, góp phần làm thay đổi cục diện của chiến trường, để lại cho thế hệ mai sau nhiều bài học sâu sắc.

  1. Căn cứ cách mạng Đá Bàn và chiến thắng Vườn Gòn

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đất nước giành được độc lập. Tại Khánh Hòa, bộ máy chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã được thiết lập. Tuy nhiên, bộ máy chính quyền non trẻ vẫn chưa ổn định, đến tháng 10/1945, quân Pháp trở lại xâm lược, chúng đổ bộ lên bãi biển Nha Trang đánh chiếm một số vị trí quan trọng, sau đó mở rộng ra toàn tỉnh. Trong bối cảnh lịch sử ấy, một vấn đề lớn đặt ra cho Đảng bộ tỉnh là cần xây dựng căn cứ vững chắc, lâu dài cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh, huyện để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, nhận thức sớm vấn đề đó, Tỉnh ủy và Uỷ ban hành chính kháng chiến tỉnh đã có ý thức chuẩn bị hậu cứ. Sau khi vỡ mặt trận Nha Trang 23/10, các cơ quan của tỉnh dời lên đóng ở Hòn Dữ (khu vực Diên Khánh).

Cuối năm 1948, để phù hợp với tình hình thực tế Tỉnh ủy dời cơ quan về Hòn Hèo, đây là vị trí thuận lợi trung chuyển giữa các đường liên lạc trên bộ, trên biển, giữa các huyện trong tỉnh và vùng tự do Phú Yên, Bình Định. Cuối năm 1949, giao thông đường bộ về Hòn Hèo thường bị ách tắc. Tiếp tế bằng đường biển từ Phú Yên vào không còn an toàn. Lực lượng của tỉnh bị động về vấn đề lương thực, chi phối nhiều đến việc chỉ đạo phong trào chung, nhất là đối với các huyện phía Nam. Năm 1950, cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn mới, cũng là lúc đế quốc Mỹ lăm le can thiệp vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Quy mô, tính chất và cường độ cuộc kháng chiến sẽ trở nên khốc liệt.

Cuộc kháng chiến của quân và dân Khánh Hòa lúc này gặp những khó khăn tưởng không thể khắc phục được, cơ sở quần chúng bị thu hẹp, hầu hết cán bộ nội thị phải chạy lên chiến khu, đảng viên trong dân rất ít, cán bộ xã, thôn bị hi sinh nhiều, các cơ quan huyện, cán bộ bị đói… Từ hoàn cảnh đó, Tỉnh ủy quyết định chuyển về Đá Bàn, mở rộng giao thông mới, tinh giản biên chế, tổ chức lại bộ máy, đẩy mạnh sản xuất tự túc; xây dựng Đá Bàn thành căn cứ địa của tỉnh và các huyện cũng xây dựng căn cứ địa của mình[1]. Đầu năm 1951, Tỉnh ủy cử một bộ phận đi thăm dò, khảo sát. Đến tháng 3 năm 1951, tất cả các cơ quan Tỉnh ủy, Ủy ban Kháng chiến hành chính, Tỉnh đội đều đóng ở Đá Bàn.

Đá Bàn có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi, nằm cách xa đồng bằng là cầu nối với các căn cứ Hòn Lớn ở phía Nam, Hòn Hèo ở phía Đông và vùng tự do rộng lớn của Liên khu 5, 7. Diện tích khu vực Đá Bàn rộng hàng trăm km2 với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn trải dài hai bên bờ sông Đá Bàn cùng những nhánh suối, rừng cây rậm rạp, hang, gộp tự nhiên liên hoàn. Trung tâm thung lũng Đá Bàn là vùng đất bằng phẳng màu mỡ có thể trồng lúa và hoa màu để giải quyết lượng thực tại chỗ. Vì vậy, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chọn nơi đây để xây dựng căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài.

Căn cứ cách mạng Đá Bàn chia làm 3 khu: Khu Bắc, khu Trung và khu Nam. Mỗi khu có cán bộ chính quyền, đoàn thể như một thôn, dưới sự quản lý, điều hành của Uỷ ban căn cứ địa. Tất cả thanh niên và trại viên trại sản xuất được tổ chức thành du kích, được trang bị súng, lựu đạn, bom, mìn… để làm nhiệm vụ bố phòng đánh địch. Toàn căn cứ có hai tiểu đội vũ trang tập trung cơ động do đồng chí Trần Đình Xuân làm Đội trưởng, làm nhiệm vụ canh gác các trục đường chính dẫn vào căn cứ, tổ chức hệ thống thông tin, báo động bằng hiệu kẻng mỗi khi máy bay, bộ binh địch xâm nhập căn cứ. Bảo vệ từ xa có du kích các xã vùng ngoại vi, các chốt, đài quan sát của trinh sát, quân báo huyện, tỉnh.

Cùng lúc với các cơ quan chuyển lên Đá Bàn, Nhân dân sống bất hợp pháp ở Thùng Nhà Bùi của xã Ninh Phước (tổng Phước Thiện) cũng được đưa vào trung tâm để cùng xây dựng căn cứ. Đồng bào cùng với lực lượng các trại sản xuất, các cơ quan, lực lượng vũ trang và các xã, bố trí thành các khu dân cư, vừa sản xuất, vừa làm nhiệm vụ bố phòng bảo vệ căn cứ. Lấy số dân còn lại khi đưa vào Đá Bàn 148 người, đặt tên cho căn cứ là căn cứ 148[2]. Căn cứ Đá Bàn được hình thành là chỗ đứng chân, chỗ dựa cho cả tỉnh và có ảnh hưởng trực tiếp đối với phong trào Bắc Khánh.

Đối với địch, từ khi căn cứ hình thành chúng luôn tìm cách đánh phá. Do căn cứ Đá Bàn hình thành tạo ra thế dựa vững chắc cho cuộc kháng chiến, nối các căn cứ Hòn Lớn ở phía Nam và Hòn Hèo ở phía Đông huyện và vùng tự do rộng lớn của Liên khu 5, có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đối với vùng kiểm soát của địch.

Tháng 2/1953, sau chiến thắng An Khê, Liên khu V tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch và Đại hội Chiến sĩ thi đua nhằm tuyên dương, trao cờ danh dự cho các đơn vị, cá nhân lập công xuất sắc. Để thực hiện Nghị quyết quân sự của Liên khu ủy: “Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta, đẩy mạnh phong trào địa phương và tạo điều kiện cho chủ lực học tập nâng cao đánh vận động”, Bộ Tư lệnh Liên khu ủy đã chủ trương mở chiến dịch Hè 1953. Đại bộ phận Trung đoàn 803 được lệnh lên Nam Tây Nguyên. Riêng Tiểu đoàn 59 tách khỏi đội hình Trung đoàn vào Khánh Hòa với nhiệm vụ: Tiêu hao, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, phá thế uy hiếp của địch đối với vùng du kích, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, tham gia củng cố cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang địa phương.

Tiểu đoàn 59 được thành lập ngày 10/6/1950, tại xã Tam Chánh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ban chỉ huy tiểu đoàn gồm hai đồng chí: Nguyễn Lựu, Tiểu đoàn trưởng và Phạm Đạo, Chính trị viên. Đầu tháng 2/1953, Tiểu đoàn 59 được giao nhiệm vụ vào chiến trường Bắc Khánh Hòa. Theo yêu cầu của Tỉnh ủy và Tỉnh đội Khánh Hòa, Tiểu đoàn chia làm hai bộ phận ở hai khu vực: Bộ phận thứ nhất, đóng quân ở Hòn Hèo; bộ phận còn lại đóng quân ở căn cứ cách mạng Bá Bàn gồm ba đơn vị Đại đội 4, Đại đội 6 và Đại đội 8.

Tháng 3/1953, Tiểu đoàn chủ lực 59 (lấy mật danh là Tiểu đoàn 64) của Trung đoàn chủ lực 803, được Bộ Tư lệnh Liên khu giao nhiệm vụ vào chiến trường Bắc Khánh Hòa , phối hợp với lực lượng địa phương mở nhiều hoạt động, nhằm tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, gây ảnh hưởng chính trị rộng rãi trong nhân dân, tạo điều kiện giúp địa phương phát triển cơ sở, mở rộng phong trào chiến tranh du kích trong vùng sau lưng địch. Đồng thời, nhằm phối hợp với chiến trường phía Nam của Liên khu, phá thế uy hiếp của địch đối với vùng tự do Phú Yên. Để thực hiện nhiệm vụ, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, đơn vị cùng với địa phương thành lập Ban chỉ huy chung để chỉ đạo đợt hoạt động, thành phần gồm: Đại diện của Tỉnh uỷ, của Ban Chỉ huy trung đoàn 803, của Ban chỉ huy Tỉnh đội, của Tiểu đoàn 59 dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ.

Ngày 18/3/1953, địch huy động trên 4.000 quân Âu - Phi, từ Bình Trị Thiên vào đổ bộ lên cửa biển Hòn Khói tiến lên. Quân cơ động của Tiểu khu Khánh Hòa , từ Nha Trang theo Quốc lộ 1 kéo ra, có máy bay, pháo binh yểm trợ, do thiếu tướng LeBlanc trực tiếp chỉ huy, chia làm 3 cánh tấn công vào căn cứ Đá Bàn nhằm tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Sáng ngày 19/4/1953, trận địa pháo của địch ở Xuân Sơn (Vạn Ninh) bắn vào trung tâm căn cứ dọn đường cho bộ binh. Cánh quân phía Bắc từ Xuân Sơn vượt đèo Ông Cộ vào Gò Trơ, dọc theo bờ Bắc sông Đá Bàn tiến lên chân Dốc Chanh nhằm chặn đường rút của chủ lực ta ra vùng tự do Phú Yên. Cánh thứ hai từ Dốc Dài tiến ra chặn mặt phía Nam căn cứ. Cánh chính diện từ Quốc lộ 1 tiến lên bến Ghe.

Trong căn cứ, Đại đội 700 phân tán một bộ phận lực lượng phối hợp với du kích bám đánh tiêu hao địch bằng cách đánh du kích nhỏ lẻ, bằng các tuyến bố phòng chông mìn, cạm bẫy. Tiểu đoàn 59, có một trung đội của Đại đội 700 phối hợp dẫn đường, từ dốc Ông Thượng, xuống Suối Trầu tổ chức chặn phục kích trải dài từ đầu Vườn Gòn trở lên, chờ đánh đường lui quân của địch.

Lúc 13 giờ ngày 20/4/1953, quân địch nối đuôi nhau lần lượt rút về trên con đường này, Tiểu đoàn 59 nổ súng đánh vào giữa đội hình, địch bị đánh bất ngờ, lớp chết, lớp bị thương mất khả năng chống trả. Số địch đi đầu xoay đội hình dùng hoả lực chi viện bắn vào lực lượng ta, yểm trợ cho quân của chúng. Ta dùng hỏa lực đại liên, súng cối, bắn chế áp, ghìm đầu số quân địch đi đầu, tiêu trừ số địch còn sống sót, thu chiến lợi phẩm[3].

Chiến thắng Vườn Gòn - Đá Bàn đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào kháng chiến của Nhân dân ta, góp phần phát triển các cơ sở và uy hiếp mạnh mẽ tinh thần của binh lính địch, buộc chúng phải rút toàn bộ lực lượng cuộc hành quân vào Nha Trang, kể cả 4 đại đội cơ động tăng cường cho Ninh Hòa trước đó[4].

2. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị căn cứ cách mạng Đá Bàn

70 năm đã trôi qua, sau ngày chiến thắng Vườn Gòn oanh liệt (1953 - 2023) của quân và dân ta, vùng đất, con người nơi đây đã phát triển sang trang sử mới. Nhưng những chiến công của cha ông năm xưa luôn được các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau lưu giữ lại cùng thời gian. Hiện nay, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đã được các cấp uỷ, chính quyền, địa phương quan tâm thực hiện tốt, từng bước tái hiện lại quá khứ hào hùng của cuộc kháng chiến vệ quốc cùng dân tộc.

Thực hiện công tác bảo tồn di tích lịch sử, Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn nằm trong căn cứ cách mạng Đá Bàn đã được Ủy ban nhân dân tỉnh đưa vào danh mục di tích tại Quyết định số 2577/UB.QĐ ngày 05/10/1995 và danh mục kiểm kê tại Quyết định số 2228/QĐ-UBND ngày 06/8/2018. Di tích Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn được UBND tỉnh Khánh Hòa xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 282/QĐ-CT.UBND ngày 03/02/2021. Hiện nay, tại khu vực di tích Căn cứ cách mạng Đá Bàn có hai bia lưu niệm:

Bia lưu niệm thứ nhất được xây dựng năm 1999, nằm sát đường phía bên trái trước đập hồ chứa nước Đá Bàn. Năm 2015, do vị trí bia bị sạt lở nên được chuyển đến trước đập hồ chứa nước Đá Bàn. Bia lưu niệm được dựng trên bệ, ốp đá granite màu xám có diện tích 9m2, cao 20cm so với sân nền, có nội dung: “Căn cứ địa cách mạng Đá Bàn: Nơi đây, trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược của dân tộc ta từ năm 1945 đến năm 1975. Các cơ quan đơn vị của tỉnh Khánh Hòa đã chọn làm địa điểm đóng quan để chỉ đạo phong trào đấu tranh của quân và dân Khánh Hòa đi tới thắng lợi góp phần giải phóng dân tộc thống nhất Tổ quốc”.

Bia lưu niệm thứ hai do UBND tỉnh Khánh Hòa dựng năm 2003, nhân dịp kỷ niệm 350 năm tỉnh Khánh Hòa; năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh tu bổ, tôn tạo. Bia nằm trên gò đất nổi phía Tây hồ chứa nước Đá Bàn gần đá Đen (khu vực trước kia là bến Ghe). Bia được thiết kế theo mô hình khẩu súng, cao 2m toàn bộ ốp đá granite xám, trên gắn ngôi sao hai mặt. Mặt trước khắc dòng chữ: “Căn cứ kháng chiến Đá Bàn”, mặt sau khắc nội dung: “Chiến khu đá bàn là vùng núi hiểm trở, đã che dấu bảo vệ lực lượng cách mạng vùng bắc Ninh Hòa trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ xâm lược (1954-1975). Nơi đây, đã ghi dấu những lực lượng bộ đội chủ lực Quân khu V như: Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn Sao Thủy); Tiểu đoàn 12 (Tiểu đoàn Độc Lập); Đại đội H71 và đơn vị lực lượng vũ trang bắc Ninh Hòa. Các lực lượng vũ trang và dân quân chiến khu Đá Bàn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh góp phần thắng lợi cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (30/4/1975)[5].

Hiện nay, di tích lịch sử Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn do Ủy ban nhân dân thị xã Ninh Hòa quản lý. Địa điểm di tích tọa lạc do đặc thù là vùng rừng núi nằm biệt lập, chỉ có con đường độc đạo qua hồ chứa nước Đá Bàn, do đó quang cảnh tự nhiên hầu như được bảo tồn nguyên trạng.

Với đặc điểm di tích nằm trong khu vực bảo vệ cảnh quan môi trường hồ Đá Bàn, việc xây dựng Khu Lưu niệm tại xã Ninh Sơn là lợi thế để thực hiện công tác phát huy giá trị di tích Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn. Cùng với chiến thắng Vườn Gòn, lịch sử Tiểu đoàn 59 và lịch sử căn cứ cách mạng Đá Bàn sẽ là những câu chuyện viết nên “địa chỉ đỏ” tại xã Ninh Sơn.

Về với vùng đất cách mạng Ninh Hòa, kết nối hình thành tour tuyến của những “địa chỉ đỏ” Tượng đài 16/7 (phường Ninh Hiệp), Địa điểm căn cứ cách mạng Hòn Hèo (xã Ninh Phú), Chi Tình báo Khánh Hòa tại Hòn Thị (xã Ninh Ích), Địa điểm lưu niệm Tàu C235 (đường Hồ Chí Minh trên biển) (xã Ninh Vân) … sẽ tạo nên hành trình “Về nguồn” đầy ý nghĩa, góp phần đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân. Cùng với việc phát triển du lịch sinh thái, tổ chức cắm trại dã ngoại kết hợp với việc tổ chức dạy học chương trình giáo dục địa phương, đây sẽ là những địa điểm tuyên truyền, giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng và tinh thần yêu nước của Nhân dân Khánh Hòa cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Khánh Hòa

 


[1] Địa chí Khánh Hòa, 2003, nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, trang 166.

[2] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930 - 1975), 2001, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tại Nha Trang.

[3] Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam huyện Ninh Hòa (1930 – 1975), 2005, trang 210.Xí nghiệp in Lê Quang Lộc, Nha Trang, trang 210 - 211.

[4] sđd, trang 211.

[5] Hồ sơ xếp hạng di tích Địa điểm căn cứ cách mạng Đá Bàn.