09:03, 29/03/2023

Phát huy giá trị bài chòi

Ngày 17-12-2017, Khánh Hòa cùng với 8 tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi do UNESCO trao tặng. Di sản bài chòi ở xứ Trầm Hương vừa hòa vào dòng chảy chung, vừa thể hiện những nét độc đáo, riêng biệt.

Ngày 17-12-2017, Khánh Hòa cùng với 8 tỉnh, thành phố khác ở khu vực miền Trung vinh dự đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật bài chòi do UNESCO trao tặng. Di sản bài chòi ở xứ Trầm Hương vừa hòa vào dòng chảy chung, vừa thể hiện những nét độc đáo, riêng biệt.


Dòng chảy nghệ thuật bài chòi


Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Ra đời khoảng thế kỷ XV, nghệ thuật bài chòi tồn tại khá lâu trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân; đi từ một trò chơi dân gian đến hình thái nghệ thuật diễn xướng với nhiều loại hình đa dạng. Tìm hiểu về nghệ thuật bài chòi, chúng ta thấy có sự tích hợp của nhiều yếu tố thơ ca - âm nhạc - hội họa - nghệ thuật kể chuyện, ứng tác, diễn xướng… Đây vừa là một thú chơi, vừa là một loại hình nghệ thuật dân gian được người dân ưa thích. “Nằm trong dòng chảy chung của di sản bài chòi miền Trung, nghệ thuật bài chòi ở Khánh Hòa mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử, khoa học và sức sống bền bỉ trong nhân dân. Để có được điều này, chúng ta luôn ghi nhớ đến công lao của bao thế hệ đi trước đã sáng tạo, gìn giữ, bảo vệ, trao truyền và hình thành nên kho tàng giá trị văn hóa sống động”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

 

Hội chơi bài chòi được tổ chức ở khu vực gần Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang).

Hội chơi bài chòi được tổ chức ở khu vực gần Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang).


Đến nay, nghệ thuật bài chòi được ghi nhận ở 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Tuy chưa thống kê đầy đủ, nhưng trên địa bàn tỉnh có hơn 20 câu lạc bộ bài chòi; hơn 350 nghệ nhân đang nắm giữ, phổ biến nghệ thuật bài chòi. Các nghệ nhân bài chòi tiêu biểu có thể kể đến như: Nghệ nhân Nhân dân Trần Rí; các Nghệ nhân Ưu tú: Kiều Thị Hương, Trần Thị A, Lê Thị Mai, Nguyễn Thị Kim Chi, Trần Thị Bạch Lan, Đỗ Thị Chín, Nguyễn Thanh Dũng, Đỗ Văn Bảy, Nguyễn Tuấn Anh...


Gìn giữ và phát huy di sản


Khi nói tới bài chòi, mọi người vẫn thường quen các tên gọi như: Chơi bài chòi, đánh bài chòi, hô bài chòi, hát bài chòi. Qua những cách gọi đó đã phần nào phân biệt 2 loại hình, đó là trò chơi bài chòi và nghệ thuật diễn xướng bài chòi. Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tồn tại cả 2 loại hình bài chòi. Trong đó, loại hình chơi bài chòi thường diễn ra vào dịp lễ, Tết với cách thức là hội chơi bài chòi để phục vụ thú vui giải trí của người dân, du khách. Từ năm 2013 đến nay, các hội chơi bài chòi đã được tổ chức định kỳ vào dịp cuối tuần ở khu vực gần Quảng trường 2-4 (TP. Nha Trang). Từ mô hình này, các địa phương như thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh cũng thực hiện các hội chơi bài chòi luân phiên về các xã, phường để phục vụ nhân dân. Còn hoạt động trình diễn bài chòi thường được các câu lạc bộ bài chòi đi biểu diễn quanh năm. Đó có thể vào các ngày hội làng, những dịp sinh hoạt văn hóa trong những ngày lễ, Tết. Người đến hội chơi bài chòi vào mỗi dịp đầu xuân chủ yếu để gặp gỡ bạn bè, nghe câu hát, xem trò diễn, được sống trong không khí tưng bừng, vui vẻ.

 

Các thành viên Câu lạc bộ Bài chòi cổ Ninh Hòa trong một buổi diễn.

Các thành viên Câu lạc bộ Bài chòi cổ Ninh Hòa trong một buổi diễn.


Nhận xét về bài chòi Khánh Hòa, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bình Định - nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) cho rằng: “Tỉnh Khánh Hòa đã tạo ra một nghệ thuật vừa có những điểm chung của bài chòi Trung Bộ, vừa có những điểm riêng của bài chòi Khánh Hòa. Bài chòi Khánh Hòa đã được gìn giữ, thực hành, phát triển khá tốt cả trong quá khứ cũng như hiện tại, cả về nội dung, hình thức và hiệu quả thực tế”. Cái riêng đó trước hết đến từ cơ cấu dàn nhạc, cấu trúc âm nhạc, cách hát, cách thể hiện bài chòi ở Khánh Hòa khác với các địa phương khác. Nét riêng nữa chính là nơi đây có lực lượng nghệ nhân, những người yêu mến nghệ thuật bài chòi đông đảo và nắm giữ nhiều tinh hoa trong cách thể hiện. Từ những năm 60, phong trào trình diễn bài chòi ở Khánh Hòa đã rất phát triển. Các trích đoạn: Lâm Xanh - Xuân Nương, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Thoại Khanh - Châu Tuấn… thường xuyên được các gánh hát bài chòi lưu diễn ở những phiên chợ quê hay chốn đình làng. Sau ngày đất nước giải phóng, Đoàn Dân ca kịch Khánh Hòa đã dàn dựng nhiều vở diễn sân khấu bài chòi gây được tiếng vang lớn trong khán giả, như: Ánh lửa trong đêm, Vua hóa hổ, Hai dòng sữa mẹ, Mối tình qua Tết Lirboong…

 

Trích đoạn dân ca kịch bài chòi Sương phủ hoàng cung do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.

Trích đoạn dân ca kịch bài chòi Sương phủ hoàng cung do các nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn.


Trong những năm gần đây, ngành Văn hóa tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản bài chòi, từ việc xây dựng phong trào bài chòi qua mô hình câu lạc bộ ở từng địa phương, đến việc đưa bài chòi vào trường học. Tỉnh còn tổ chức, tham gia các liên hoan, hội thi trình diễn nghệ thuật bài chòi ở trong, ngoài tỉnh; đưa nghệ thuật bài chòi vào các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh... Tất cả đang mang lại niềm tin về sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật bài chòi xứ Trầm Hương.



 Giang Đình