Đà tăng của giá xăng dầu thế giới tuần này đã chững lại. Giá dầu ghi nhận tuần giảm giá sau 2 tuần tăng.
Giá dầu thế giới
Giá dầu tuần này đã không thể lập hat-trick tăng tuần do trong tuần, giá dầu giảm tới 3 phiên, tăng nhẹ 2 phiên.
Ngay phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu lao dốc gần 1% do Israel giảm quân số ở miền Nam Gaza và bắt đầu vòng đàm phán ngừng bắn mới với Hamas. Hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên là sự không chắc chắn xung quanh việc Iran sẽ phản ứng thế nào sau khi lãnh sự quán của nước này ở Syria bị đánh bom đầu tuần trước.
Giá dầu giảm sau 2 tuần tăng. Ảnh minh họa |
Đà giảm của giá dầu được kéo dài sang phiên giao dịch thứ 2 của tuần khi các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza vẫn tiếp tục. Giá dầu bị khống chế giảm trong khoảng 1 USD/thùng khi các cuộc đàm phán ở Cairo (Ai Cập) chưa đạt được đột phá nào.
Theo Fiona Cincotta, nhà phân tích thị trường tài chính cấp cao tại City Index, nếu xung đột không kết thúc, nguy cơ cao là các quốc gia khác, đặc biệt là Iran - nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC, có thể bị lôi kéo vào. Còn theo Reuters, Iran có thể sẽ đóng cửa eo biển Hormuz.
Lo ngại các cuộc đàm phán ngừng bắn có thể bị đình trệ sau khi 3 người con của một thủ lĩnh Hamas thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel ở dải Gaza đã hỗ trợ giá dầu quay đầu tăng tốc khoảng 1 USD trong phiên giao dịch thứ 3.
Đầu phiên này, giá dầu đã giảm sau khi dữ liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 5-4, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 5,8 triệu thùng, cao hơn gấp đôi so với mức dự kiến tăng khoảng 2,4 triệu thùng của các nhà phân tích; tồn kho xăng tăng 700.000 thùng; và tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 1,7 triệu thùng.
Tăng được một phiên, giá dầu lại nhanh chóng lao dốc khoảng 1% ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần. Trong phiên này, thị trường tiếp nhận biên bản cuộc họp của Fed cho thấy Fed cần khoảng thời gian dài hơn để thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Fed nhiều khả năng sẽ lùi thời hạn cắt giảm lãi suất dự kiến vào tháng 6 này sang tháng 9.
Sự bật tăng của giá dầu (khoảng 1%) ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần không đủ để bù đắp cho 3 phiên lao dốc trước đó. Tính cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,8%, dầu WTI giảm hơn 1%.
Trong tuần, Cơ quan Năng lượng quốc tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2024 xuống 1,2 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, OPEC giữ nguyên dự báo nhu cầu thế giới sẽ tăng 2,25 triệu thùng/ngày trong năm nay.
Giá dầu tuần tới có thể leo dốc do căng thẳng ở Trung Đông không hạ nhiệt. Ảnh minh họa |
Việc Iran bắt giữ một tàu chở hàng có liên quan với Israel ở eo biển Hormuz ngày 13-4, vài ngày sau khi Tehran cho biết có thể đóng tuyến đường vận chuyển quan trọng này và cảnh báo sẽ trả đũa cuộc tấn công của Israel vào lãnh sự quán Iran ở Syria đang làm dấy lên lo ngại xung đột leo thang ở Trung Đông. Điều này có thể đẩy giá dầu lên cao trong tuần tới.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 14-4 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 23.848 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 24.821 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 21.610 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 21.594 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 17.008 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tại kỳ điều hành giá chiều 11-4. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 giảm 68 đồng/lít trong khi giá xăng RON 95-III tăng 20 đồng/lít. Ngược với sự giảm của dầu mazut (288 đồng/kg), giá dầu diesel và dầu hỏa tăng mạnh lần lượt là 622 đồng/lít và 579 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin