13:29, 30/03/2024

Giá xăng dầu hôm nay (30-3): Tuần song hành của dầu Brent và WTI

Giá xăng dầu thế giới ghi nhận tuần tăng sau một tuần trái chiều với dầu Brent tăng 2,4%, dầu WTI “bỏ túi” khoảng 3,2%.

Giá dầu thế giới

Giá dầu tuần này chỉ giao dịch 4 phiên thay vì 5 phiên do thị trường đóng cửa trong ngày nghỉ lễ Thứ Sáu Tuần Thánh (29-3). Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 6 kết thúc tuần giao dịch ở mức 87 USD/thùng; giá dầu WTI giao tháng 5 đóng cửa ở mức 83,17 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent leo dốc 2,4%, dầu WTI tăng khoảng 3,2%.

Giá dầu ghi nhận tuần tăng. Ảnh minh họa
Giá dầu ghi nhận tuần tăng. Ảnh minh họa

Giá dầu bắt đầu tuần bằng phiên bật tăng hơn 1 USD, được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung giảm sau khi các cơ sở lọc dầu của Nga liên tục bị máy bay không người lái tấn công khiến công suất lọc dầu giảm tới 7%. Hạn chế đà tăng trong phiên là tín hiệu tốt cho tình hình xung đột ở Trung Đông khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết yêu cầu Israel và Hamas ngừng bắn ngay lập tức. Nếu nghị quyết được thực thi và lực lượng Houthi ngừng tấn công thì tình trạng tắc nghẽn nguồn cung hiện tại sẽ tạm thời được giải quyết, các tàu thuyền sẽ dễ dàng lưu thông trên kênh đào Suez thay vì phải di chuyển quanh vùng sừng châu Phi vốn mất nhiều thời gian và chi phí.

Giá dầu quay đầu trượt nhẹ ở phiên giao dịch thứ 2 của tuần sau khi chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II để đáp ứng mục tiêu 9 triệu thùng/ngày để tuân thủ các cam kết với OPEC+. Giá dầu giảm cũng bởi sự tăng bất ngờ trong tồn kho dầu của Mỹ, tới 9,337 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22-3 (theo số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ).

Đồng USD mạnh hơn và dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng đã khiến giá dầu duy trì đà lao dốc ở phiên giao dịch thứ 3 của tuần. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, tồn kho dầu thô và xăng của nước này tăng lần lượt là 3,2 triệu thùng và 1,3 triệu thùng.

Giá dầu đã lấy lại đà tăng ở phiên giao dịch thứ 4 và cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Trong phiên này, giá dầu tăng khoảng 2% do triển vọng OPEC+ tiếp tục cắt giảm sản lượng, và Mỹ thắt chặt số lượng giàn khoan. Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai, đã giảm 3 giàn xuống 621 giàn trong tuần tính đến ngày 28-3.

Theo Oilprice, các thị trường dầu mỏ ngày càng tin tưởng rằng OPEC+ sẽ duy trì việc cắt giảm sản lượng đến hết năm. Điều này có thể hỗ trợ giá dầu chạm mốc 90 USD/thùng sớm hơn dự kiến. Thêm vào đó, GDP quý IV-2023 cao hơn mong đợi (tăng 3,4% thay vì 3,2% trong báo cáo trước đó) càng củng cố kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6.

Giá dầu lấy lại đà tăng sau tuần trái chiều hồi tuần trước. Ảnh minh họa
Giá dầu lấy lại đà tăng sau tuần trái chiều hồi tuần trước. Ảnh minh họa

Từ đầu năm đến nay, giá dầu Brent và WTI tăng đều đặn. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này leo dốc do kỳ vọng lãi suất tại các nền kinh tế lớn sẽ giảm vào mùa hè và chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông.

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 30-3 cụ thể như sau:

Xăng E5 RON 92 không quá 23.625 đồng/lít.

Xăng RON 95-III không quá 24.816 đồng/lít.

Dầu diesel không quá 20.693 đồng/lít.

Dầu hỏa không quá 20.879 đồng/lít.

Dầu mazut không quá 17.145 đồng/kg.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng, giảm trái chiều tại kỳ điều hành giá chiều 28-3. Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng nhiều nhất, 532 đồng/lít; giá xăng E5 RON 92 tăng 406 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm nhiều nhất, 387 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 321 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu mazut tăng 46 đồng/kg.

Tại kỳ điều hành này, liên bộ không trích hay chi Quỹ bình ổn giá, trừ dầu mazut giữ mức trích 300 đồng/kg.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 13 lần điều chỉnh, trong đó 8 lần tăng và 5 lần giảm.

Theo qdnd.vn