Theo đà tăng của giá vàng thế giới, sáng nay (7/3), giá vàng trong nước tiếp tục đi lên đối với cả vàng nhẫn lẫn vàng SJC, xô đổ mọi kỷ lục cũ.
Vì sao giá vàng liên tiếp tăng? |
Cụ thể tại thời điểm 9h30, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,3 - 81,32 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,25 - 81,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), cũng tăng 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,63 - 68,83 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 67,50 -68,80 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) cũng tăng 200 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Giá vàng trong nước đang ở mức cao nhất trong lịch sử. Đà tăng của giá vàng trong nước xuất phát từ giá vàng thế giới. Cùng với đó, lãi suất tiết kiệm giảm nên một số người dân chuyển sang mua vàng với kỳ vọng sinh lời.
Liên quan đến việc quản lý thị trường vàng, các chuyên gia nhận định, cần sớm điều chỉnh Nghị định 24 để nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng. Theo đó, kể từ thời điểm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng ra đời, đưa SJC trở thành thương hiệu vàng miếng độc quyền được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước thì đã không có thêm lượng vàng SJC nào được dập mới đưa ra thị trường.
Sự mất cân đối cung cầu, trong bối cảnh giá vàng thế giới neo ở mức cao... khiến giá vàng miếng SJC, từ cuối năm 2023, đã liên tục duy trì khoảng cách từ 15 - 20 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Trong khi đó, trước khi Nghị định 24 ra đời, mức chênh lệch cao nhất, cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng. Do đó, giải pháp trước mắt là cân đối cung cầu trên thị trường vàng.
PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Về giải pháp ngắn hạn, chúng ta thấy Ngân hàng Nhà nước có thể cho phép nhập khẩu vàng, hoặc là Ngân hàng Nhà nước nhập khẩu vàng để sản xuất thêm lượng vàng SJC. Việc này sẽ làm tăng nguồn cung vàng SJC, từ đó giá có thể giảm xuống. Thứ 2, thay vì mất lượng ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có thể thu mua vàng thông qua các đơn vị kinh doanh vàng ở trong nước, sẽ hạn chế việc nhập khẩu vàng và đáp ứng được nguồn cung".
Theo vtv.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin