Giá xăng dầu trượt nhẹ đầu phiên giao dịch ngày 31-1 do tồn kho xăng của Mỹ tiếp tục tăng.
Giá dầu tăng nhẹ ỏ phiên giao dịch ngày 30-1. Ảnh minh họa |
Giá dầu thế giới
Theo Dailyfx, lúc 5 giờ 30 phút ngày 31-1 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent và WTI giảm nhẹ.
Giá dầu đã kết thúc tăng tại phiên giao dịch ngày 30-1, được thúc đẩy bởi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn và căng thẳng leo thang ở Trung Đông bù đắp cho những lo ngại xung quanh nhu cầu của Trung Quốc.
Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 3, hết hạn vào hôm nay, tăng 47 cent lên mức 82,87 USD/thùng. Giá dầu Brent kỳ hạn tháng 4 tăng 67 cent lên mức 82,5 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ tăng mạnh hơn, tới 1,04 USD, tương đương 1,35%, lên mức 77,82 USD/thùng.
Theo Reuters, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nâng cao triển vọng cho cả Mỹ và Trung Quốc về việc lạm phát giảm nhanh hơn dự kiến.
IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu là 3,1% trong năm nay, tăng 2/10 điểm phần trăm so với dự báo tháng 10-2023 và dự kiến mức tăng trưởng không đổi là 3,2% vào năm 2025. Mức tăng trung bình lịch sử cho giai đoạn 2000-2019 là 3,8%.
Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 3,3% vào năm 2024 và 3,6% vào năm 2025, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 4,9%.
Tại phiên giao dịch trước, cả dầu Brent và WTI đều giảm hơn 1 USD do cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng sâu sắc ở Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về nhu cầu ở quốc gia tiêu thụ dầu thô lớn nhất thế giới. Tòa án Hồng Công (Trung Quốc) đã ra lệnh thanh lý tập đoàn bất động sản Evergrande.
Liên quan đến biến động giá dầu, Phil Flynn, nhà phân tích của Price Futures Group, cho biết: “Vẫn còn những lo ngại về những gì chúng ta đã thấy ở Trung Quốc, nhưng các nguyên tắc cơ bản, từ quan điểm rủi ro nguồn cung, vẫn rất lạc quan”.
Xung đột tiếp diễn ở Trung Đông cũng hỗ trợ thị trường. Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã quyết định cách đáp trả cuộc tấn công nhằm vào binh lính Mỹ tại Jordan mà không gây ra một cuộc chiến rộng lớn hơn.
Giovanni Staunovo, nhà phân tích tại UBS, cho biết: “Những mức tăng mới nhất có thể được thúc đẩy bởi một số người tham gia thị trường bổ sung một số vị thế khi Tổng thống Mỹ Biden đã quyết định cách đáp trả”.
Về phía cung, Mỹ bắt đầu áp dụng lại các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela trong tuần này.
Saudi Aramco cho biết họ đã nhận được chỉ thị từ Bộ Năng lượng Saudi Arabia để duy trì công suất bền vững tối đa ở mức 12 triệu thùng/ngày và không tiếp tục tăng lên 13 triệu thùng/ngày.
Tồn kho dầu của Mỹ giảm hỗ trợ giá dầu tăng nhưng tồn kho xăng tăng lại hạn chế đà leo dốc của giá dầu. Ảnh minh họa |
Các nhà phân tích đang hy vọng cuộc họp của OPEC+ vào ngày 1-2 có thể làm sáng tỏ các kế hoạch sản xuất của tổ chức này.
Cũng hỗ trợ giá dầu là báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ cho thấy tồn kho dầu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 26-1 giảm 2,5 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất giảm 2,1 triệu thùng trong khi tồn kho xăng tăng 600.000 thùng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 31-1 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.171 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 23.407 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.376 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.544 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.494 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên sẽ được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 1-2. Dự kiến, giá sẽ được điều chỉnh tăng mạnh hơn 1.000 đồng/lít (kg).
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin