Giá xăng dầu tăng lên mức cao nhất trong gần 2 tháng, được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố.
Giá dầu thế giới
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu tiếp tục tăng, chạm mức cao nhất trong gần 2 tháng do tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ và các dấu hiệu kích thích kinh tế của Trung Quốc thúc đẩy kỳ vọng nhu cầu, cũng như gia tăng lo ngại thiếu hụt nguồn cung bởi xung đột ở Trung Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá dầu đã ghi nhận tuần tăng mạnh. Ảnh minh họa |
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 1,12 USD, tương đương 1,4%, lên mức 83,55 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 30-11-2023. Giá dầu WTI của Mỹ tăng 65 cent, tương đương 0,8%, lên mức 78,01 USD/thùng - mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 11-2023.
Tính cả tuần, cả dầu Brent và WTI đều tăng hơn 6% - mức tăng hằng tuần cao nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 13-10 sau khi cuộc xung đột Israel - Hamas ở Gaza bắt đầu.
“Kích thích kinh tế từ Trung Quốc, tăng trưởng GDP quý IV-2023 mạnh hơn dự kiến ở Mỹ, dữ liệu lạm phát của Mỹ hạ nhiệt, rủi ro địa chính trị đang diễn ra và tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 9,2 triệu thùng trong tuần trước đã đẩy giá lên cao”, Tim Evans, một nhà phân tích thị trường dầu độc lập nhận xét.
Xung đột ở Trung Đông không có dấu hiệu lắng dịu. Theo Reuters, người phát ngôn của quân đội Houthi cho biết lực lượng hải quân đã thực hiện chiến dịch nhằm vào một tàu chở dầu ở Vịnh Aden, gây cháy lớn. Điều này làm gia tăng lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Cũng theo Reuters, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm sốc, đặc biệt là xung quanh điểm giao hàng WTI tại Cushing ở Oklahoma và khắp vùng Trung Tây, có thể tạo ra áp lực lên giá dầu kỳ hạn này.
Lo ngại về nguồn cung thể hiện rõ trong cấu trúc của hợp đồng tương lai Brent. Chênh lệch giữa hợp đồng tháng đầu tiên với hợp đồng tháng thứ sáu của cả Brent và WTI đều tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11-2023 cho thấy nguồn cung nhanh chóng thắt chặt hơn.
Khả năng gián đoạn nguồn cung nhiên liệu sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào một nhà máy lọc dầu ở miền Nam nước Nga cũng hỗ trợ giá.
Tồn kho dầu thô của Mỹ giảm sốc hơn 9 triệu thùng đã hỗ trợ giá dầu leo dốc. Ảnh minh họa |
Về phía cầu, Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, đã ghi nhận mức GDP 3,3% trong quý IV-2023, cao hơn nhiều so với mức dự kiến chỉ tăng 2%. Tâm lý thị trường cũng được cải thiện trong tuần này nhờ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới của Trung Quốc.
Việc các nhà giao dịch đặt cược rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ bắt đầu đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 5, thay vì tháng 3, cũng gây áp lực lên giá dầu thô kỳ hạn.
Cũng hạn chế mức tăng là thông tin từ Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã bổ sung thêm 2 giàn khoan dầu lên 499 giàn khoan.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 27-1 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.171 đồng/lít.
Xăng RON 95-III không quá 23.407 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.376 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.544 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 15.494 đồng/kg.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước nói trên đã được điều chỉnh tại kỳ điều hành giá của liên Bộ Tài chính - Công Thương chiều 25-1. Giá xăng tăng mạnh nhất, trong đó xăng RON 95-III tăng 925 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 753 đồng/lít. Giá dầu tăng nhẹ, trong đó dầu diesel tăng nhiều nhất, 182 đồng/lít. Đáng chú ý là dầu mazut được điều chỉnh giảm 14 đồng/kg.
Như vậy là mặt hàng xăng đã lập hat-trick tăng giá kể từ đầu năm đến nay.
Tại kỳ điều hành này, liên Bộ trích lập Quỹ bình ổn giá đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg; không trích lập Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ bình ổn giá đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin