Sau một tuần trái chiều, giá xăng dầu tuần này đã trải nghiệm tuần tăng giá với dầu Brent tăng 3,21%, dầu WTI tăng 4,4%.
Sau một tuần trái chiều, giá xăng dầu tuần này đã trải nghiệm tuần tăng giá với dầu Brent tăng 3,21%, dầu WTI tăng 4,4%.
Giá dầu thế giới
Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu đã tăng 4 phiên và giảm duy nhất 1 phiên, chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Mặc dù có tới 4 phiên leo dốc, nhưng ngay trong các phiên giao dịch, giá dầu cũng liên tục biến động tăng, giảm theo các tin tức thị trường.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm khoảng 1% do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ khiến các nhà đầu tư chuẩn bị sẵn sàng cho các đợt tăng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để kiềm chế lạm phát. Theo các quan chức Fed, mặc dù lạm phát ở Mỹ có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, điều này có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ. Vì vậy, khả năng Fed tăng mức lãi suất thêm 50 điểm cơ bản ngày càng được củng cố.
Ở phiên giao dịch tiếp theo, giá dầu đã tăng gần 2%, lấy lại được những mất mát của phiên trước đó, do hy vọng nền kinh tế Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ đã bù đắp cho những lo ngại về việc Mỹ tăng lãi suất.
Các nhà phân tích của JPMorgan cho biết: “Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu đối với hàng hóa của nước này cao hơn, trong đó dầu mỏ được hưởng lợi nhiều nhất”.
Mức tăng của giá dầu Brent và WTI đã bị kìm lại ở phiên giao dịch thứ ba của tuần với báo cáo từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước đã tăng 1,2 triệu thùng lên 480,2 triệu thùng - mức cao nhất kể từ tháng 5-2021 và là tuần tăng thứ 10 liên tiếp. Mức tăng này đã lấn át nhu cầu của Trung Quốc trở thành yếu tố chính kìm hãm giá, khiến giá dầu chỉ tăng nhẹ chưa đến 1%.
Tiếp đà, giá dầu đã lập hat-trick tăng ở phiên giao dịch thứ 4 của tuần với mức tăng khiêm tốn chưa đến 50 cent. Sự leo dốc này tiếp tục được thúc đẩy bởi các dấu hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và lo ngại giảm bớt về các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Mỹ.
Chủ tịch Fed Atlanta, Raphael Bostic, đã có ý kiến cho rằng Fed nên duy trì mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong nỗ lực tránh suy thoái kinh tế. Nhận xét của quan chức Fed này đã xoa dịu những lo ngại dấy lên trước đó về khả năng Fed tăng lãi suất nhanh hơn và lớn hơn sau dữ liệu thất nghiệp mạnh mẽ của Mỹ.
Trong khi kỳ vọng Fed hạ nhiệt tăng lãi suất, các nhà đầu tư lại khá quan ngại với khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất cao vì lạm phát tại khu vực đồng Euro đã tăng trong tháng 2 lên mức cao hơn dự kiến hàng năm là 8,5%,
Tại phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu đã giảm tới hơn 2% đầu phiên nhưng sau đó đã có cú bứt phá ngoạn mục, lấy lại được những mất mát và kết thúc phiên với mức tăng hơn 1 USD.
Tin đồn Các nước tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cân nhắc việc rời khỏi OPEC đã đẩy giá dầu Brent và WTI lao dốc. Tuy nhiên, sau khi các quan chức bác bỏ báo cáo về sự rạn nứt ngày càng tăng giữa UAE và Ả Rập Xê-út, giá dầu đã hồi sinh.
Dầu Brent dừng ở mức 85,83 USD/thùng, tăng 3,21% và dầu WTI dừng ở mức 79,68 USD/thùng, tăng 4,4% so với tuần trước. Cả hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn này đã đánh dấu tuần tăng giá.
Dự kiến tuần sau, kỳ vọng nhu cầu phục hồi tại Trung Quốc vẫn tiếp tục là nhân tố thúc đẩy giá dầu tăng.
Giá xăng dầu trong nước
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 5-3 cụ thể như sau:
Xăng E5 RON 92 không quá 22.421 đồng/lít.
Xăng RON 95 không quá 23.325 đồng/lít.
Dầu diesel không quá 20.255 đồng/lít.
Dầu hỏa không quá 20.474 đồng/lít.
Dầu mazut không quá 14.555 đồng/kg.
Theo qdnd.vn