Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 30/3 trong bối cảnh lượng dầu dự trữ tại Mỹ thấp hơn và hoạt động xuất khẩu tạm ngừng từ khu vực Kurdistan của Iraq đã "bù đắp" sức ép từ việc nguồn cung cắt giảm Nga ít hơn dự kiến.
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% trong phiên 30/3 trong bối cảnh lượng dầu dự trữ tại Mỹ thấp hơn và hoạt động xuất khẩu tạm ngừng từ khu vực Kurdistan của Iraq đã “bù đắp” sức ép từ việc nguồn cung cắt giảm Nga ít hơn dự kiến.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc tăng 99 xu Mỹ (1,3%) lên 79,27 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 1,40 USD (1,9%) lên 74,37 USD/thùng.
Để hỗ trợ giá, các nhà sản xuất đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía bắc bị dừng. Tình trạng mất điện cũng đang diễn ra nhiều lần.
Iraq đã buộc phải dừng xuất khẩu khoảng 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 0,5% nguồn cung dầu toàn cầu, từ khu vực Kurdistan hôm 25/3 tại đường ống chạy từ các mỏ dầu ở phía bắc Kirkuk đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một thông tin khác cũng hỗ trợ thị trường là báo cáo hôm 29/3 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), cho thấy lượng dầu tại các kho dự trữ ở nước này đã bất ngờ giảm trong tuần kết thúc ngày 24/3 xuống mức thấp của hai năm.
Lượng dầu tại các kho đã giảm khoảng 7,5 triệu thùng so với dự báo tăng 100.000 thùng theo khảo sát của hãng tin Reuters (Anh).
Những yếu tố này đã giúp bù đắp phần nào tâm lý của nhà giao dịch sau khi Nga cắt giảm sản lượng dầu thô ít hơn dự kiến trong ba tuần đầu tiên của tháng 3/2023.
Theo các nguồn tin thân cận, sản lượng dầu Nga đã giảm 300.000 thùng so với với mục tiêu cắt giảm 500.000 thùng, khoảng 5% sản lượng Nga.
Thị trường đang chờ đợi số liệu lạm phát và tiêu dùng của Mỹ, công bố ngày 31/3 và sự tác động lên giá trị đồng USD.
Trong khi đó, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, có thể sẽ tuân thủ thỏa thuận hiện tại về việc cắt giảm sản lượng dầu tại cuộc họp ngày 3/4.
Ngân hàng UBS cho rằng giá dầu sẽ vẫn biến động trong ngắn hạn, song nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng và sản lượng dầu Nga thấp sẽ hỗ trợ giá dầu trong những quý tới.
Công ty năng lượng PetroChina ngày 30/3 cho biết mức tiêu thụ nhiên liệu tinh chế của Trung Quốc trong năm nay có khả năng tăng 3% so với mức trước đại dịch COVID-19.
Các nhà phân tích của FGE cho biết nếu mọi việc diễn ra như mong đợi và có thể tránh được suy thoái, giá dầu sẽ dao động quanh mức 75 - 85 USD/thùng trong những tháng tới.
Theo vnanet.vn