Theo Bộ Công thương, để các doanh nghiệp là đại lý bán lẻ xăng dầu nhận mức chiết khấu thấp, dẫn đến thua lỗ kéo dài do doanh nghiệp phân phối đầu mối "tự quy định" cho đại lý, Bộ không quản lý mức chiết khấu...
Theo Bộ Công thương, để các doanh nghiệp là đại lý bán lẻ xăng dầu nhận mức chiết khấu thấp, dẫn đến thua lỗ kéo dài do doanh nghiệp phân phối đầu mối "tự quy định" cho đại lý, Bộ không quản lý mức chiết khấu...
Ngày mai (3.10), giá xăng RON 95 trong nước dự kiến giảm hơn 1.200 đồng, dầu giảm 400 - 600 đồng/lít nếu liên Bộ không trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, trên các diễn đàn xăng dầu, thông tin sang nhượng cây xăng, tạm đóng cửa cây xăng vẫn tiếp tục diễn ra. Tại thời điểm này, không khó để tìm mua hay sang nhượng lại vài cây xăng để kinh doanh nếu có nhu cầu.
Thông tin đến báo Thanh Niên, một số chủ cây xăng khu vực miền Tây Nam bộ cho hay, với mức chiết khấu giảm mạnh, trung bình một tháng, một cây xăng lỗ từ 30 - 100 triệu đồng. Nếu doanh nghiệp có 5 cây xăng, mức lỗ mỗi tháng từ 150 - 500 triệu đồng. "Tình trạng này đã kéo dài từ tháng 6 đến nay", một doanh nghiệp là đại lý bán lẻ khẳng định.
Trong khi đó, chiều 1.10, tại họp báo thường kỳ Chính phủ, trả lời báo chí về việc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu kêu càng bán càng lỗ, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, cơ quan điều hành không quản lý về chiết khấu xăng dầu giữa nhà bán buôn và bán lẻ, nhà nước chỉ quản lý giá bán lẻ mặt hàng này, doanh nghiệp tự quy định mức chiết khấu cho người mua. Theo đó, khi nguồn cung dồi dào, giá thế giới giảm, doanh nghiệp tăng chiết khấu để đẩy lượng bán ra và ngược lại, giá thế giới giảm, doanh nghiệp giảm mức chiết khấu này.
Để duy trì kinh doanh, tránh thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối buộc phải cắt giảm chi phí, trong đó có chiết khấu cho các đại lý bán lẻ. Bộ Công thương cho biết đã nhiều lần đề xuất các cấp thẩm quyền xem xét điều chỉnh các chi phí kinh doanh xăng dầu trong giá bán cơ sở bán lẻ. "Liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ phối hợp xem xét và điều chỉnh hợp lý các chi phí này trong thời gian tới", Thứ trưởng Bộ Công thương thông tin.
Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức trong giá cơ sở xăng dầu được rà soát hàng năm và để Bộ Công thương áp dụng trong công thức tính toán giá cơ sở. Hiện nay, mức chi phí kinh doanh định mức đối với 1 lít các mặt hàng xăng RON95, E5 RON92 lần lượt là 1.050 đồng và 1.250 đồng; đối với các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut lần lượt là 1.000 đồng, 950 đồng và 561 đồng.
Trong khi đó, theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, chi phí vận chuyển, phụ phí... khiến chi phí của doanh nghiệp xăng dầu bị tính... thiếu khoảng 400 đồng/lít xăng và 100 đồng/lít dầu.
Như vậy, để đại lý bán lẻ có lãi, không bị lỗ, nhà bán lẻ phụ thuộc hoàn toàn vào nhà bán sỉ, ở đây là tổng đại lý phân phối, doanh nghiệp đầu mối... Trong khi đó, đại lý bán lẻ không được phép chọn nhiều đầu mối bán buôn mà chỉ được mua hàng từ 1 đầu mối mà doanh nghiệp bán lẻ, cơ sở kinh doanh đăng ký từ đầu khi xin giấy phép.
Theo thanhnien