11:10, 12/10/2022

Giá vàng hôm nay 12.10.2022: SJC cao hơn thế giới gần 19 triệu đồng/lượng

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với thế giới ngày càng gia tăng trong những ngày qua, lên 18,7 triệu đồng vào sáng 12.10. Vàng miếng SJC có giá 66,9 triệu đồng/lượng, trong khi thế giới quy đổi khoảng 48,2 triệu đồng/lượng.

Khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC so với thế giới ngày càng gia tăng trong những ngày qua, lên 18,7 triệu đồng vào sáng 12.10. Vàng miếng SJC có giá 66,9 triệu đồng/lượng, trong khi thế giới quy đổi khoảng 48,2 triệu đồng/lượng.

Sáng 12.10, Eximbank không thay đổi giá vàng miếng SJC so với chiều qua, mua vào ở mức 65,9 triệu đồng/lượng, bán ra 66,9 triệu đồng. Ngược lại, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng giá vàng miếng lên 100.000 đồng/lượng; mua vào với giá 66 triệu đồng, bán ra 67 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn 4 số 9 tăng giá bán thêm 100.000 đồng, lên 52,7 triệu đồng nhưng giữ giá mua ở mức 51,6 triệu đồng. Vàng nữ trang giữ giá, mua vào 51,4 triệu đồng/lượng, bán ra 52,2 triệu đồng. Giá vàng miếng SJC cao hơn thế giới lên 18,7 triệu đồng/lượng, còn nữ trang cao hơn 4 triệu đồng.

 

Giá vàng nữ trang cao hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng

Giá vàng nữ trang cao hơn thế giới khoảng 4 triệu đồng/lượng


Vàng thế giới sáng 12.10 giảm 3 USD/ounce, xuống còn 1.665 USD. Trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 11.10), kim loại quý biến động mạnh, từ mức 1.660 USD/ounce tăng lên cao nhất 1.685 USD rồi nhanh chóng đảo chiều giảm xuống 1.665 USD. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,9%/năm, giá USD ở mức cao… là nguyên nhân khiến vàng không thể tăng giá. Tâm lý nhà đầu tư trên thị trường đang chờ đợi những thông tin liên quan đến lạm phát được công bố vào cuối tuần này. Từ đây đến thời điểm công bố thông tin, giá vàng khó xác định được xu hướng tăng.

Không những vàng, thị trường chứng khoán những ngày qua còn chịu ảnh hưởng từ tâm lý lo lắng của nhà đầu tư về lạm phát có thể sẽ còn tăng. Điều này đồng nghĩa với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất vào cuối năm. Chỉ số S&P 500 lùi 0,65% xuống 3.588,84 điểm, sau khi phục hồi từ mức đáy vào đầu phiên. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1,1% còn 10.426,19 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 7.2020. Đây là phiên sụt giảm thứ 5 liên tiếp của cả 2 chỉ số này. Trong khi, chỉ số Dow Jones tiến 36,31 điểm (tương đương 0,12%) lên 29.239,19 điểm.

Trong báo cáo vừa công bố, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng 3,2% trong năm 2022, không thay đổi so với dự báo tháng 7. Tuy nhiên, GDP Mỹ bị hạ dự báo tăng trưởng còn 1,6% (giảm 0,7%); Eurozone tăng 3,1% (tăng 0,5%); Nhật Bản tăng 1,5% và Anh tăng 3,6% (tăng 0,4%). Tiếp theo, IMF nhận định kinh tế thế giới sẽ ảm đạm hơn vào năm 2023, GDP toàn cầu chỉ tăng 2,7% (giảm 0,2%), trong đó Mỹ tăng 1%; khu vực châu Âu tăng 0,5% (giảm 0,7%); Nhật Bản tăng 1,6% (giảm 0,1%) và Anh chỉ tăng 0,3% (giảm 0,2%). IMF khẳng định các quốc gia đang phải đối mặt với áp lực từ chiến tranh, khủng hoảng năng lượng, lương thực và lạm phát. Thế giới sẽ cảm nhận năm 2023 giống như một cuộc suy thoái kinh tế.

Theo thanhnien