Giá USD trong nước ghi nhận một tuần tăng mạnh cùng chiều với đồng euro hồi phục từ mức thấp.
Giá USD trong nước ghi nhận một tuần tăng mạnh cùng chiều với đồng euro hồi phục từ mức thấp.
Sáng 11.9, giá USD tiếp tục ghi nhận một tuần tăng cao. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cuối tuần là 23.263 đồng/USD, tăng 36 đồng so với đầu tuần. Tương tự, giá USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước từ giữa tuần tăng thêm 300 đồng, bán ra là 23.700 đồng/USD.
Tại các ngân hàng thương mại, đồng bạc xanh cũng liên tục đi lên. Chẳng hạn, Eximbank mua vào lên 23.390 đồng/USD và bán ra 23.640 đồng/USD, tăng 120 đồng ở chiều mua vào và tăng 50 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần qua. Hay Vietcombank tăng thêm 90 đồng ở cả hai chiều mua và bán, đưa giá mua USD lên 23.380 đồng/USD và bán ra 23.690 đồng/USD.
Trong khi đó, đồng euro tại các ngân hàng thương mại cũng tăng trở lại. Ví dụ ngân hàng Eximbank cộng thêm từ 313 - 377 đồng so với cuối tuần trước, đưa chiều mua vào lên 23.476 đồng/euro và bán ra lên 24.022 đồng/euro. Trên thị trường tự do, giá USD giảm 50 đồng, xuống giá mua là 24.090 đồng/USD và bán ra giảm 40 đồng, còn 24.140 đồng/USD. Ngược lại, giá euro tự do tăng khoảng 110 đồng so với cuối tuần qua, lên mức mua vào 23.990 đồng/euro và bán ra 24.150 đồng/euro. Như vậy giá USD và euro tại một số điểm thu đổi ngoại tệ hiện ngang bằng nhau.
Trên thị trường quốc tế, đồng USD trong tuần đã đi xuống từ đỉnh cao. Chỉ số USD-Index hiện ở mức 109 điểm, giảm 0,63 điểm so với cuối tuần qua. Đồng bạc xanh đi xuống khi đồng euro hồi phục nhẹ sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 8.9 đã nâng ba loại lãi suất chủ chốt thêm 75 điểm cơ bản (bps). Trong đó, lãi suất tiền gửi tăng từ 0% lên 0,75%. Hội đồng Quản lý ECB tuyên bố sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong các cuộc họp tới với mong muốn đưa lạm phát của khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) quay về mức mục tiêu trung hạn 2%/năm. Theo thống kê nhanh của Eurostat, lạm phát trong tháng 8 lên tới 9,1%. Lãi suất của ECB hiện nay đang ở mức cao nhất kể từ năm 2011, tuy nhiên tỷ lệ lạm phát của eurozone cũng đang ở đỉnh lịch sử của khối này.Theo Reuters, quyết định của ECB sẽ không có nhiều tác động tới tình trạng lạm phát hiện nay, một phần là bởi giá nhiên liệu thế giới lên cao. Những thiệt hại mà cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra cho nền kinh tế eurozone nghiêm trọng tới nỗi chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh tay của ECB cũng sẽ không giúp gì nhiều trong việc chặn đà giảm của đồng euro.
Theo thanhnien