02:07, 06/07/2022

Giá USD hôm nay 6.7.2022: Euro xuống thấp, về ngang giá 'đô'

Giá USD trên thế giới lẫn trong nước tiếp tục đà tăng dù nỗi lo về suy thoái kinh tế nhiều hơn về lạm phát.

Giá USD trên thế giới lẫn trong nước tiếp tục đà tăng dù nỗi lo về suy thoái kinh tế nhiều hơn về lạm phát.

Sáng 6.7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.171 đồng, tăng 27 đồng so với hôm qua. Tương tự, giá USD tại ngân hàng Vietcombank tăng thêm 20 đồng, lên giá mua vào 23.180 đồng/USD và bán ra 23.490 đồng/USD; Eximbank cũng tăng 20 đồng so với hôm qua, đưa giá mua lên 23.240 đồng/USD và bán ra lên 23.460 đồng/USD... Trong khi đó, giá euro tiếp tục đi xuống, giá euro tại Eximbank mua vào 23.694 đồng và bán ra 24.217 đồng; giá mua USD là 23.140 đồng và bán ra 23.460 đồng. Giá USD tự do mua vào 23.920 đồng và bán ra 24.030 đồng/USD; giá euro tự do mua vào 24.580 đồng và bán ra 25.000 đồng/euro...

 

Giá USD tăng cao lên mức đỉnh của năm nay

Giá USD tăng cao lên mức đỉnh của năm nay


Theo Công ty chứng khoán SSI, việc Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD và chuyển từ giao dịch bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng sang bán giao ngay sẽ giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất. Đồng thời còn có thể quản lý được dòng vốn ngoại tệ trong hệ thống khi các ngân hàng thương mại phải chủ động về nguồn ngoại tệ giao ngay. Về cuối năm, SSI kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất - nhập khẩu và kiều hối. Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng hay lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index tăng vọt lên 106,53 điểm, cộng thêm 1,38 điểm so với hôm qua. Đồng bạc xanh lên trở lại đỉnh cao trong năm nay. Ngược lại, đồng euro tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm so với USD khi còn 1,027 USD. Đà giảm của euro diễn ra khi nỗi lo về suy thoái tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tại Eurozone, lạm phát chạm kỷ lục mới 8,6% trong tháng 6. Lạm phát tăng mạnh cũng thôi thúc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải đưa ra thông điệp sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 7 và đây cũng sẽ là đợt nâng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm qua.

Tuy nhiên, nỗi lo về suy thoái cũng có thể hạn chế khả năng thắt chặt tiền tệ của ECB. Trong ngày 4.7, chỉ số Sentix Economic cho thấy tâm lý của nhà đầu tư tại Eurozone đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5.2020 khi nhà đầu tư cho rằng châu Âu không thể tránh khỏi suy thoái...

Theo thanhnien