Sáng ngày 13.1, vàng SJC giảm nhẹ hoặc đi ngang tùy đơn vị nhưng vẫn tăng thêm khoảng cách so với thế giới khi cao hơn đến 4,8 triệu đồng/lượng.
Sáng ngày 13.1, vàng SJC giảm nhẹ hoặc đi ngang tùy đơn vị nhưng vẫn tăng thêm khoảng cách so với thế giới khi cao hơn đến 4,8 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Doji giảm giá vàng miếng SJC 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào, xuống còn 55,9 triệu đồng/lượng và chiều bán ra giảm mạnh hơn với mức 100.000 đồng/lượng, xuống còn 56,6 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC giữ nguyên giá vàng ở 56,05 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra 56,65 triệu đồng/lượng. Vàng SJC “đắt” hơn thế giới ở mức 4,8 triệu đồng/lượng dù rằng giao dịch trên thị trường vẫn không mấy sôi động.
Kim loại quý trên thị trường thế giới đã biến động khá mạnh trong phiên giao dịch Mỹ (đêm 12.1). Từ mức 1.865 USD/ounce, vàng đã giảm mạnh xuống 1.837,5 USD/ounce dù không có thêm bất cứ thông tin nào, thế nhưng kim loại quý đã nhanh chóng tăng lên lại mức 1.855 USD/ounce. Sáng ngày 13.1, vàng ở mức 1.857 USD/ounce, giảm 5 USD/ounce so với chiều ngày 12.1. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi gói kích thích kinh tế mới từ Mỹ trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Trong 24 giờ qua, số người chết tại Mỹ tăng mạnh 4.258 ca, lên 389.598 ca; số người nhiễm mới tăng thêm 221.992 ca, lên 23,36 triệu người. Trên toàn cầu, con số nhiễm mới tăng thêm 661.886 ca, lên 91,98 triệu người, số tử vong tăng mạnh 15.683 người, lên 1,968 triệu người.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đã ở thế bán ròng vàng trong tháng 11 với dự trữ vàng toàn cầu chính thức giảm 6,5 tấn. Trước đó vào tháng 8 và 9, các ngân hàng cũng bán ròng lượng vàng nắm giữ. Giám đốc nghiên cứu của WGC Krishan Gopaul cho biết 23,3 tấn vàng được bán ra, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ là nước dẫn đầu; thế nhưng một số nước mua vào 16 tấn để bổ sung dự trữ như Uzbekistan với 8,4 tấn, Qatar với 3,1 tấn, Ấn Độ với 2,8 tấn và Kazakhstan với 1,7 tấn. Nhu cầu của ngân hàng trung ương đối với vàng đã trở nên ‘dễ biến động’, do sự không chắc chắn và áp lực chi tiêu tài khóa ngày càng gia tăng bởi đại dịch Covid-19. Dù bán ròng 3 tháng, nhưng nhìn chung trong năm 2020 các ngân hàng trung ương các nước vẫn ở trạng thái mua.
Theo thanhnien