Chỉ trong 7 tháng từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND có tốc độ tăng gấp 3 lần so với đà tăng của 3 năm qua.
Chỉ trong 7 tháng từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND có tốc độ tăng gấp 3 lần so với đà tăng của 3 năm qua.
Trong 2 tháng đầu quý 3/2018, tỷ giá USD/VND được hâm nóng trở lại. Giá USD tăng vọt và liên tục lập các kỷ lục mới trên cả thị trường ngân hàng lẫn thị trường tự do.
Chốt ngày 4/8, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết ở mức 23.260 đồng/USD (mua vào) – 23.340 đồng/USD (bán ra), tăng 605 đồng/USD, tương ứng 2,66% so với cuối năm 2017. Đây là đà tăng rất mạnh.
Tại các ngân hàng khác, đồng bạc xanh có diễn biến tượng tự. BIDV đang niêm yết tỷ giá ở mức 23.260 đồng/USD – 23.340 đồng/USD), tăng 605 đồng/USD, tương ứng 2,66% so với cuối năm 2017. Có thể thấy, biểu niêm yết USD của BIDV khá tương đồng so với Vietcombank.
VietinBank niêm yết giá USD cao hơn tại Vietcombank và BIDV một chút. Giá USD giao dịch ở mức 23.258 đồng/USD – 23.348 đồng/USD, tăng 608 đồng/USD, tương ứng 2,67% so với cuối năm 2017.
Eximbank thậm chí còn “neo” giá bán ra USD ở mức cao hơn. Tỷ giá USD/VND được chốt tuần ở mức 23.250 đồng/USD – 23.350 đồng/USD, tăng 610 đồng/USD, tương ứng 2,68%.
Giá mua vào và bán ra USD tại Techcombank cao tương tự tại Eximbank. Tỷ giá niêm yết ở mức 23.250 đồng/USD – 23.350 đồng/USD, tăng 595 đồng/USD, tương ứng 2,61% so với cuối năm 2017.
Có thể thấy, tại mỗi ngân hàng, đồng USD có tốc độ tăng khác nhau nhưng nói chung, trên thị trường ngân hàng, đồng bạc xanh đều có mức tăng trên 2,6% trong 8 tháng qua.
Còn trên thị trường tự do, tỷ giá USD thậm chí còn nóng hơn. Giá bán ra USD đã vượt mốc 23.500 đồng. Dù vậy, giao dịch trên thị trường vẫn không sôi động, không có diễn biến bất thường nào xảy ra.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến tỷ giá tăng mạnh. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là đồng USD tăng giá trên khắp thế giới do Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ cho xuất khẩu và trả nợ vào các tháng cuối năm thường tăng nên gây áp lực đến tỷ giá.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng, sự tăng giá của USD là phù hợp với thị trường trong nước và quốc tế.
Nếu chiếu theo tỷ giá tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND có tốc độ tăng mạnh gấp 3 lần so với đà tăng của 3 năm qua.
Cụ thể, so với cuối năm 2015, đồng USD đã tăng 195 đồng/USD, tương ứng 0,87%. Nghĩa là trong 3 năm qua (2015, 2016 và 2017), tốc độ tăng của đồng bạc xanh trên thị trường Việt Nam chỉ là 0,87%.
Như vậy, chỉ trong 7 tháng qua, đồng USD có tốc độ tăng mạnh gấp 3 lần đà tăng trong suốt 3 năm qua. Và đây có thể chưa phải mức tăng cuối cùng. Trước đó, chia sẻ với phóng viên VTC News, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng dự báo trong năm nay, USD có thể tăng 3%.
Dự báo của ông Hiếu hoàn toàn có thể xảy ra vì đồng USD đang tiến rất sát tới mức này. Nếu dự báo của ông Hiếu là đúng, tỷ giá sẽ đạt tới 23.345 đồng/USD – 23.415 đồng/USD.
Khi tỷ giá tăng mạnh, để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá bán ra USD. Tuy nhiên, động thái này của Ngân hàng Nhà nước đã gây “chia rẽ” trong giới chuyên gia.
Một luồng ý kiến cho rằng, phá giá tiền đồng phải hết sức cẩn trọng bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới kinh tế. Điều đó đồng nghĩa với việc Ngân hàng Nhà nước phải “cầm cương” tỷ giá.
Một luồng ý kiến khác đưa ra quan điểm nên để tỷ giá biến động theo thị trường, không nên cứ can thiệp bằng cách bán dự trữ ngoại hối để hỗ trợ tỷ giá.
TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích, nếu cứ dùng hết dự trữ ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước có thể bình ổn được tỷ giá. Thế nhưng, động thái này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động nhập khẩu. Theo nguyên tắc, dự trữ ngoại hối phải luôn tương đương 3 tháng nhập khẩu.
Theo vov