Nắm bắt được thói quen thích mua hàng khuyến mãi, hàng giá rẻ của người tiêu dùng, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ mạo danh công ty lớn bán hàng kém chất lượng bằng những thủ đoạn tinh vi.
Nắm bắt được thói quen thích mua hàng khuyến mãi, hàng giá rẻ của người tiêu dùng, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra một số vụ mạo danh công ty lớn bán hàng kém chất lượng bằng những thủ đoạn tinh vi.
Khoảng 10 giờ sáng 5-6, có 2 người đàn ông đi trên xe tải nhỏ đến nhà chị H. (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm), tự xưng là nhân viên giao hàng của một siêu thị điện máy. Họ cho biết siêu thị khi nhập kho có dư 1 bếp điện, 1 nồi áp suất, 1 nồi lẩu, nếu chị H. mua bếp điện thì họ bán rẻ và tặng luôn 2 nồi đi kèm. Ban đầu chị từ chối không mua, nhưng các đối tượng tiếp tục thuyết phục bằng cách lấy điện thoại vào mạng tìm kiếm giá sản phẩm bếp điện trên và đưa cho chị H. xem. Thấy có nhãn mác rõ ràng, giá rẻ, lại còn được khuyến mãi, chị H. đồng ý mua nhưng trả giá từ 3 triệu đồng xuống còn 1,5 triệu đồng. 2 đối tượng tỏ vẻ lưỡng lự rồi đồng ý bán để về sớm. Sau khi mua, chị H. đem bếp điện cắm thử thì bếp không hoạt động, phát ra tiếng nổ bụp bụp bên trong; nồi áp suất và nồi lẩu điện cũng không sử dụng được. Chị H. gọi đến số tổng đài ghi ở phiếu bảo hành thì thuê bao không liên lạc được. Lúc này, chị H. mới biết mình bị lừa mua phải hàng giả, kém chất lượng.
Một trường hợp khác xảy ra chiều 6-6, tại khu vực chợ trên đường Đinh Tiên Hoàng, huyện Cam Lâm, chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29M- 2xxx của Công ty Đầu tư và phát triển Vạn Xuân chào bán một lượng lớn sản phẩm như: nồi cơm điện, bếp từ đa chức năng, máy xay sinh tố… có xuất xứ từ Trung Quốc. Các mặt hàng được niêm yết giá từ 1 triệu đồng trở lên, nhưng người bán nói đang có khuyến mãi nên giá chỉ từ 350.000 đồng và còn được tặng một số mặt hàng. Chị Lê Thị N. sau khi mua 1 chiếc máy xay sinh tố về tra trên mạng thì phát hiện nhãn hiệu không có thật và đây chỉ là một công ty ảo không tồn tại trên thị trường. Chị N. liền trở lại xe tải trả hàng; đồng thời nói với người dân trong xóm nên không có nhiều người bị mắc bẫy. Khi sự việc xảy ra, Công an thị trấn Cam Đức đã đến hiện trường nắm bắt thông tin, giám sát việc các đối tượng nhận lại hàng, trả lại tiền cho người dân; đồng thời yêu cầu các đối tượng nhanh chóng rời khỏi địa bàn với cam kết không tái phạm.
Theo một kỹ thuật viên Siêu thị điện máy Xanh, đa số các mặt hàng điện máy bán dạo là hàng nhập lậu trôi nổi theo đường tiểu ngạch từ các cửa khẩu phía bắc, nhái các thương hiệu nổi tiếng với giá bán cao gấp 5 - 10 lần giá trị thực. Thời gian qua, đã có nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu trò này. 6 tháng đầu năm nay, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tiếp nhận hơn 150 trường hợp khiếu nại về việc bị lừa mua phải hàng kém chất lượng. Lực lượng Quản lý thị trường cũng đã chủ trì phối hợp thực hiện gần 2.000 lượt kiểm tra, phát hiện và xử lý 240 vụ vi phạm, thu giữ một số hàng hóa vi phạm để tiêu hủy.
Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, thời gian tới, chi cục tiếp tục tập trung lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm nhằm đấu tranh có hiệu quả với nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Cũng theo ông Hữu, để giải quyết được tình trạng này cần sự phối hợp tích cực từ phía người dân. Người dân chỉ nên mua sản phẩm tại các cơ sở uy tín, có địa chỉ rõ ràng, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Khi phát hiện đối tượng có hành vi nghi vấn, cần báo ngay cho cơ quan chức năng biết để xử lý.
Diệu Ái