Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này còn gặp một số khó khăn do các văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động này còn gặp một số khó khăn do các văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, hạn chế.
Số doanh nghiệp bán hàng đa cấp giảm
Theo báo cáo của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 24 doanh nghiệp (DN) thông báo hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 10 DN so với năm 2016; trong đó, 9 DN đã chấm dứt hoạt động và 1 DN tạm ngừng hoạt động. Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, Sở Công Thương đã phối hợp với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các địa phương và cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân những quy định về hoạt động bán hàng đa cấp; phân biệt hoạt động bán hàng đa cấp chân chính với hoạt động biến tướng lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để trục lợi... Qua các hội thảo tuyên truyền tại địa phương, trên website của Sở Công Thương…, người dân đã biết được những DN bán hàng đa cấp đang được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp của các DN trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm. Từ tháng 4-2016 đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 9 cơ sở hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh, phát hiện 5 cơ sở vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 28 triệu đồng. Các hành vi vi phạm như: tổ chức hội thảo, hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm mà không được thương nhân bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; tổ chức đào tạo kỹ năng bán hàng cho người tham gia bán hàng đa cấp mà không được thương nhân bán hàng đa cấp ủy quyền bằng văn bản; không có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo quy định về kinh doanh thực phẩm chức năng…
Văn bản pháp luật còn bất cập
Hiện nay, việc quản lý hoạt động bán hàng đa cấp vẫn theo quy định tại Nghị định số 42/2014 của Chính phủ; Thông tư số 24/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 42 về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, trên thực tế, các văn bản quy phạm pháp luật này không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực bán hàng đa cấp.
Bà Lê Thu Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp còn nhiều bất cập, khó thực hiện như: Nghị định 42 không quy định DN thông báo bán hàng đa cấp tại địa phương phải có địa điểm kinh doanh. Do đó, việc quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong hoạt động bán hàng đa cấp gặp rất nhiều khó khăn. Những hành vi cấm DN bán hàng đa cấp thực hiện được quy định tại nghị định này thì các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với người tham gia bán hàng đa cấp không đủ mạnh để răn đe đối tượng vi phạm. Mặt khác, dù có chế tài xử phạt thì thực tế cũng không thực hiện được vì không thể biết được người dân tham gia bán hàng đa cấp và họ bán ở đâu…
Từ những hạn chế của các văn bản pháp luật, công tác quản lý nhà nước hiện nay đối với hoạt động bán hàng đa cấp cũng nảy sinh nhiều bất cập, vướng mắc. Các DN có thông báo hoạt động bán hàng đa cấp tại Khánh Hòa nhưng không có địa điểm hoạt động và không có người liên hệ tại địa phương nên Sở Công Thương không thể quản lý, kiểm tra hoạt động của các đơn vị này. Bên cạnh đó, DN và người tham gia bán hàng đa cấp hoạt động ở mọi nơi, mọi lúc, nếu chỉ bằng việc kiểm tra hành chính của Sở Công Thương thì chưa thể tìm ra các căn cứ pháp lý chứng minh dấu hiệu lừa đảo của DN, người tham gia bán hàng đa cấp. Đó là chưa kể một số DN lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để huy động vốn trái phép, lợi dụng các website thương mại điện tử để kinh doanh và trả hoa hồng theo phương thức đa cấp. Cơ quan thuế tại địa phương cũng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý thuế, kê khai thuế đối với DN không có địa điểm hoạt động tại địa phương.
“Sở Công Thương đã chủ trì và phối hợp với các sở, ngành liên quan như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thuế, Ngân hàng Nhà nước, Quản lý thị trường, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để thảo luận về những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh. Đa số các ngành đều thống nhất ý kiến cho rằng, những văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp chưa đủ tính chặt chẽ, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước. Sở Công Thương đã tổng hợp ý kiến để gửi Bộ Công Thương xem xét xây dựng nghị định mới, thay thế Nghị định 42”, bà Hải nói.
Được biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ dự thảo nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp để thay thế Nghị định 42. Trong thời gian chờ nghị định mới, trước mắt, các sở, ngành liên quan trong tỉnh tự xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các DN có hoạt động bán hàng đa cấp theo chức năng nhiệm vụ lĩnh vực chuyên môn; tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến hoạt động bán hàng đa cấp để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm…
MAI HOÀNG