10:05, 04/05/2017

Chứng khoán chiều 4/5: Khối ngoại ồ ạt bán PVD

Chỉ trong 4 phiên, PVD rớt 17,2% giá trị, làm nổi lên lo ngại về khối lượng cầm cố hiện tại...

Chỉ trong 4 phiên, PVD rớt 17,2% giá trị, làm nổi lên lo ngại về khối lượng cầm cố hiện tại...


Nhà đầu tư vẫn tiếp tục tranh nhau nhảy khỏi “dàn khoan” đang chìm mang tên PVD, đẩy thanh khoản vượt hôm qua và lập kỷ lục mới.

Phiên chiều nay PVD giao dịch rất lớn và nhảy lên vị trí thứ 4 toàn thị trường về quy mô giao dịch tính theo giá trị, với gần 130,2 tỷ đồng. Giá đã có lúc rơi xuống mức sàn chiều nay và PVD vẫn có lực lượng bắt đáy vào giải cứu.

Nhà đầu tư nước ngoài đang cố gắng đẩy PVD ra khỏi danh mục và bán bất kể giá nào. Tuy nhiên, chính nhà đầu tư trong nước mới là lực lượng chạy mạnh. PVD cả phiên hôm nay giao dịch tới gần 8,34 triệu cổ phiếu.

Khối ngoại đã bán mạnh PVD từ sáng, khoảng 1,72 triệu cổ và chiều nay bán thêm 1,78 triệu cổ phiếu nữa. Tổng khối lượng bán ra chiếm khoảng 42% lượng giao dịch hôm nay.

PVD có khoảng 15 phút giao dịch giá sàn giữa phiên chiều và trong khoảng thời gian rất ngắn này kịp chuyển nhượng hơn 1,1 triệu cổ. Với mức giá rơi sâu không thấy đáy, vẫn có lực mua bắt đáy rất khỏe. Với khối lượng giao dịch đạt mức cao kỷ lục nhưng PVD vẫn không đóng cửa ở giá sàn, chỉ giảm 6,67%.

Chỉ trong 4 phiên, PVD rớt 17,2% giá trị, làm nổi lên lo ngại về khối lượng cầm cố hiện tại. Tuy nhiên có vẻ như PVD không đến nỗi mất thanh khoản. Hôm nay nhà đầu tư nước ngoài cũng có mua PVD nhưng rất nhỏ so với lượng bán ra.

 

VN-Index chủ yếu được kéo tăng lúc đóng cửa

VN-Index chủ yếu được kéo tăng lúc đóng cửa



Thị trường chiều nay thực ra là kém hơn so với phiên sáng. Đa số các blue-chip tụt giá chứ không mạnh thêm. Cụ thể, rổ VN30 ghi nhận tới 21 mã giảm giá so với phiên sáng, chỉ 6 mã tăng cao hơn. Quá may là trong số tăng có mặt VNM và GAS. GAS tăng thêm được 100 đồng và quay lại tham chiếu. Trong khi đó VNM tăng thêm 400 đồng, chốt tăng 1,5% so với tham chiếu.

Chỉ số VN30 đóng cửa may thoát khỏi vùng giảm điểm. Chỉ 2 phút trước khi bước vào đợt khớp lệnh định kỳ đóng cửa, chỉ số này đã giảm. Mức tăng tổng thể 0,19% so với tham chiếu hoàn toàn do đợt đóng cửa mang lại. Tuy thế so với phiên sáng VN30-Index cũng giảm 0,22%.

VNM và GAS tác động mạnh hơn lên VN-Index, giúp chỉ số chính đóng cửa tăng 0,34% so với tham chiếu nhưng cũng vẫn là giảm so với phiên sáng (tăng 0,41%). Độ rộng của HSX so với phiên sáng vẫn tương đương, có 150 mã tăng/111 mã giảm. Chỉ có rổ VN30 là yếu đi khá rõ.

Sàn HNX mất đi sức mạnh của ACB trong buổi chiều, lập tức các chỉ số đổi màu. VCS tăng tốt hơn phiên sáng, đóng cửa trên tham chiếu 2,48% cũng không thay đổi được gì. SHB rơi rất sâu 5,33% lúc đóng cửa, trong khi phiên sáng mới giảm 2,67%. Chỉ số HNX30-Index giảm 0,67% chủ yếu do tác động của cổ phiếu lớn, còn độ rộng bình thường: 12 mã tăng/13 mã giảm. HNX-Index giảm 0,33% với 91 mã tăng/97 mã giảm.

Thanh khoản thị trường chung ở phiên chiều xấp xỉ chiều hôm qua, đạt 2.049,1 tỷ đồng. Cổ phiếu gây bất ngờ về thanh khoản chiều nay là PLX, khớp tới 2,62 triệu cổ, tương đương gần 123,4 tỷ đồng. Thanh khoản lớn này một phần là do nhà đầu tư nước ngoài mua PLX quy mô tới gần 1,36 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 52% lượng giao dịch buổi chiều. PLX tăng giá 1,6% lúc đóng cửa trong khi phiên sáng tăng 1,39%.

Giao dịch của khối ngoại bất thường nhất hôm nay là ở PVD và PLX. Hai giao dịch này ngược chiều nhau. PLX được mua ròng gần 68,9 tỷ đồng, là yếu tố quan trọng duy trì vị thế mua ròng tổng thể trên sàn khớp lệnh của nhà đầu tư nước ngoài. Ngược lại, PVD bị bán ròng 48,6 tỷ đồng, mức lớn chưa từng thấy kể từ tháng 9 năm ngoái.

Ngoài cổ phiếu quen thuộc là VNM được mua ròng 70,2 tỷ đồng, khối ngoại giải ngân ròng mạnh ở DXG +20,7 tỷ, FLC +20,3 tỷ, GAS +17,9 tỷ, HAG +14,1 tỷ, VCB +8,8 tỷ, HHS +8,2 tỷ. Phía bán ngoài PVD, còn có VIC -13,9 tỷ, KBC -12,6 tỷ, CTD -12,5 tỷ, BMP -12,2 tỷ, NT2 -12 tỷ, DPM -11,4 tỷ, HBC -8,4 tỷ.

Tổng hợp giao dịch khớp lệnh, khối ngoại mua 422,8 tỷ đồng, bán 360,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận ròng -3,5 tỷ đồng. Như vậy khối này vẫn đang mua ròng.

Theo vneconomy