10:03, 09/03/2017

Phiên chiều 9/3: VN-Index đứt mạch tăng, tiền vẫn chảy mạnh vào cổ phiếu thị giá nhỏ

Sau 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã chính thức đảo chiều trong phiên 9/3 do sức ép đến từ các cổ phiếu họ dầu khí, một số mã bluechip và vốn hóa lớn. ...

Sau 4 phiên tăng liên tiếp, VN-Index đã chính thức đảo chiều trong phiên 9/3 do sức ép đến từ các cổ phiếu họ dầu khí, một số mã bluechip và vốn hóa lớn. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là dòng tiền vẫn chảy mạnh vào các cổ phiếu thị trường có thị giá nhỏ, giúp nhóm này giao dịch sôi động với thanh khoản vượt trội.

 



Trong phiên sáng nay, dù các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò là trụ đỡ của thị trường, tuy nhiên, sức mạnh chưa đủ lớn để trở thành dòng cổ phiếu dẫn dắt.

Chỉ số VN-Index đã đón nhận những nhịp rung lắc và may mắn có được sắc xanh về cuối phiên trước áp lực bán vẫn khá lớn và tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn.

Nhóm cổ phiếu dầu khí đã tạo sức ép khá lớn lên thị trường bởi thông tin giá dầu thế giới đã giảm hơn 5% trong phiên hôm qua do Mỹ dư thừa nguồn cung, hầu hết các mã họ P đều quay đầu đi xuống như GAS, PVD, PVS, PVC, PVB…
Bản tin tài chính trưa 9/3

Bước sang phiên giao dịch chiều, sau gần 1 giờ cầm cự sắc xanh, thị trường bắt đầu quay đầu giảm điểm trước áp lực bán thường trực. Trong khi đà tăng có phần thu hẹp của các cổ phiếu nhóm ngân hàng, các cổ phiếu bluechip và vốn hóa lớn như VNM, GAS, VIC, SAB, NVL… vẫn giao dịch dưới mốc tham chiếu, khiến chỉ số VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu.

Dù có hồi phục nhẹ cuối phiên nhưng sự hỗ trợ của các cổ phiếu họ bank cùng ROS đã không thể giúp thị trường thoát hiểm, chỉ số VN-Index chính thức đảo chiều sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Đóng cửa, sàn HOSE có 114 mã tăng và 136 mã giảm, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,8 điểm (-0,11%) xuống 715,8 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 195,41 triệu đơn vị, giá trị 3.696,43 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 9,53 triệu đơn vị, giá trị gần 300 tỷ đồng.

Các cổ phiếu họ bank vẫn hút mạnh dòng tiền, hầu hết các mã đều có khối lượng khớp đến hàng triệu đơn vị, trong đó, BID chuyển nhượng thành công 4,64 triệu đơn vị. Tuy nhiên đà tăng đã thu hẹp, ngoại trừ MBB vẫn tăng tốt, còn lại VCB, BID, CTG đều hạ độ cao, thậm chí STB đảo chiều giảm nhẹ.

Trong khi đó, các cổ phiếu họ P tiếp tục suy giảm, GAS chịu áp lực bán và lùi về mức thấp nhất ngày 56.900 đồng/CP, giảm 1,56%; PVD giảm 2,3%.

Trong khi các mã có vốn hóa dẫn đầu bảng như VNM, SAB, VIC đều giảm điểm thì ROS đã đảo chiều thành công sau phiên “ngắt mạch” hôm qua. Lực cầu hấp thụ mạnh giúp ROS nới rộng đà tăng và đóng cửa tại mức cao nhất ngày 169.000 đồng/CP, tăng gần 1,2% với khối lượng khớp lệnh thành công đạt hơn 4 triệu đơn vị.

Trái lại, “người anh em” FLC lại chịu áp lực bán mạnh,chia tay mốc 8.000 đồng/CP và đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày 7.650 đồng, giảm 6,48%, với thanh khoản đạt 32,63 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường xuất hiện nhiều điểm tím như KSA, KSH, TTF, OGC… Trong đó, OGC tiếp tục gia tăng sức nóng bởi vắng bóng nguồn cung. Đóng cửa, OGC giữ vững giá trần 1.440 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 7 triệu đơn vị và dư mua trần 3,25 triệu đơn vị.
Các mã thị trường khác dù không tăng trần, nhưng cũng có thanh khoản tốt và đóng cửa trong sắc xanh như ITA, HQC, HAG, HAI.

Trên sàn HNX, dù chịu gánh nặng đến từ các cổ phiếu họ dầu khí nhưng chỉ số sàn này đã giữ vững sắc xanh. Cụ thể, HNX-Index tăng 0,3 điểm (+0,34%) lên 87,83 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt 34,9 triệu đơn vị, giá trị 420,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đạt 1,74 triệu đơn vị, giá trị hơn 18 tỷ đồng.

Các mã P đều đóng cửa tại mức giá thấp nhất phiên, trong đó, PVC giảm 2,38%, PVS giảm 1,68%, PVB giảm 5,3%, PLC giảm 2,43%, PGS giảm 0,56%...

Trong khi đó, các cổ phiếu trong nhóm chứng khoán duy trì đà tăng khá tốt như VND tăng 2,4%, CTS tăng 2,4%, IVS tăng 0,9%, SHS tăng 1,5%, đáng kể MBS được kéo lên mức giá trần.

Cổ phiếu ACB vẫn giữ được sắc xanh tuy đà tăng có phần thu hẹp. Đóng cửa, ACB chỉ tăng nhẹ 0,43% lên 23.400 đồng/CP và khối lượng khớp gần 2,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thị trường KLF dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 3,56 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công. Đóng cửa, KLF quay đầu giảm 3,3%, đứng tại mức giá 2.900 đồng/CP.

Trên sàn UPCoM, dù có chút hụt hơi về cuối phiên nhưng chỉ số của sàn đã nhanh chóng hồi phục khá tốt nhờ sắc tím tiếp tục được mở rộng.

Với 43 mã tăng và 50 mã giảm, trong đó có 17 mã tăng trần và 7 mã giảm sàn, chỉ số UPCoM-Index tăng 0,16 điểm (+0,28%) lên 57,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 6,46 triệu đơn vị, giá trị 96,84 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn giao dịch thiếu tích cực như HVN giảm 1,5%, MCH giảm hơn 1%, MSR giảm 1,85%, NCS giảm 0,67%, VOC giảm 0,77%.

Đáng chú ý, cổ phiếu trong nhóm chứng khoán - SBS, sau 6 phiên đứng giá tham chiếu đã tăng trần với khối lượng giao dịch đạt 870.900 đơn vị, dẫn đầu về giao dịch trên sàn UPCoM.

Theo tinnhanhchungkhoan