Những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trở thành điểm mua sắm tin cậy của người dân địa phương. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất tại trung tâm xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại (DV-TM) huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã trở thành điểm mua sắm tin cậy của người dân địa phương. Tuy nhiên, do xây dựng đã lâu nên cơ sở vật chất tại trung tâm xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc duy trì hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Điểm mua bán tin cậy
Với nguồn vốn tạm ứng từ ngân sách huyện và tỉnh, năm 2016, Trung tâm DV-TM huyện Khánh Sơn đã tích cực thu mua các mặt hàng nông sản của người dân. Đây là một trong những hoạt động trọng tâm của đơn vị, góp phần tạo đầu ra ổn định cho nguồn nông sản của người dân, hạn chế tình trạng thương lái ép giá. Mặt khác, trung tâm cũng tăng cường hợp tác với các cơ sở sản xuất đưa những mặt hàng thiết yếu, cơ bản đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn. Do đó, trong năm 2016, hoạt động của trung tâm đã đạt nhiều kết quả khả quan, doanh số mua vào đạt 1,9 tỷ đồng, doanh số bán hàng vượt kế hoạch. “Tôi thường đến đây mua gạo, các loại sữa… Tôi thấy các mặt hàng ở đây khá đầy đủ và giá cả phải chăng, nhất là trong dịp Tết hay mùa mưa lũ, ở đây đều giữ mức giá bình ổn”, bà Nguyễn Thị Lý - người mua hàng chia sẻ.
Người dân mua hàng tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn |
Theo ông Bùi Văn Chuyền - Giám đốc Trung tâm DV-TM huyện Khánh Sơn, trung tâm xác định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận, mà quan trọng là đẩy mạnh công tác thu mua và tìm thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản địa phương. Thời gian qua, đơn vị đã hình thành những điểm thu mua nông sản của người dân tại các xã. Ở những điểm thu mua này, đơn vị niêm yết công khai giá mua để người dân nắm bắt và đối chiếu, tránh tình trạng bị thương lái ép giá. Qua đó, trung tâm đã góp phần đáng kể vào việc tạo đầu ra cho nông sản và bình ổn giá thị trường tại địa phương.
Cơ sở vật chất xuống cấp
Hiện tại, cửa hàng trung tâm vừa là cơ sở bán hàng bình ổn, vừa là trụ sở làm việc hành chính của cán bộ, nhân viên. Do được xây dựng từ khá lâu nên cơ sở vật chất đã xuống cấp nghiêm trọng, phần tường và bậc lên xuống của trung tâm đã hư hỏng, phần mái dột nước, mục hỏng..., ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo quản hàng hóa. Ngoài ra, do kho chứa chật chội nên dù rất muốn tăng lượng hàng hóa nhập về để đảm bảo cung ứng đủ cho người dân nhưng đơn vị rất khó thực hiện. “Hiện tại, trung tâm không có chỗ để dự trữ nhiều hàng hóa. Để tránh tình trạng hư hỏng nông sản, chúng tôi phải bán ngay sau khi thu mua. Bên cạnh đó, do nguồn vốn còn hạn chế nên việc thu mua nông sản của người dân vẫn chưa được như mong muốn”, ông Chuyền chia sẻ.
Theo ông Phan Văn Lân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, thời gian qua, địa phương cũng muốn đầu tư xây dựng cơ sở khang trang cho Trung tâm DV-TM, nhưng điều kiện kinh phí hạn hẹp nên việc bố trí vốn triển khai thực hiện rất khó khăn. Do đó, huyện đã kiến nghị tỉnh đầu tư nâng cấp Trung tâm DV-TM để tạo điều kiện cho việc thu mua nông sản, mua sắm hàng hóa của người dân. Huyện cũng đề nghị xây dựng thêm một siêu thị nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho người dân mua được những mặt hàng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, địa phương cũng có định hướng tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đưa thêm nhiều hàng Việt có chất lượng về nông thôn phục vụ người dân, nhất là thời điểm cận Tết Nguyên đán. Đồng thời, phát triển mạng lưới cơ sở cung cấp hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao của địa phương để mở rộng kênh tiêu thụ cho người dân.
ĐINH LUẬN